Vẫn còn 2.833 điều kiện đầu tư, kinh doanh trái luật. Ảnh: Tiên Giang |
Điều này đã dẫn đến sự xung đột, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật, đồng thời gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan đăng ký đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, để bảo đảm việc triển khai thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới có hiệu quả, Bộ đã chủ động rà soát, đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý và hiệu quả của các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư.
Kết quả rà soát cho thấy, có nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, tạo chi phí tuân thủ lớn, hạn chế gia nhập thị trường của DN. Ví dụ như, yêu cầu số lượng tối thiểu phương tiện, thiết bị, diện tích kho bãi, số lượng người có chứng chỉ hành nghề, yêu cầu chung chung về người điều hành DN phải có đủ kinh nghiệm chuyên môn... vẫn tiếp tục tồn tại và vẫn đang được nhiều cơ quan quản lý áp dụng dưới hình thức điều kiện kinh doanh.
Cũng theo kết quả rà soát của Bộ KH&ĐT, trong số 5.826 điều kiện đầu tư, kinh doanh áp dụng đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, thì có đến 2.833 điều kiện đang được quy định tại các văn bản được ban hành không đúng thẩm quyền, bao gồm cả các văn bản được ban hành trước và sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành.
Điều đặc biệt đáng lưu ý là sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành, một số bộ vẫn tiếp tục ban hành, soạn thảo các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh (Ví dụ: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH ngày 13/7/2015 quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 197/2015/TT-BTC ngày 3/12/2015 quy định về hành nghề chứng khoán…).
Cũng theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong quá trình rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh đã phát hiện vướng mắc liên quan đến việc áp dụng Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành về thẩm quyền quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư, điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định. Tuy nhiên, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi năm 2015 (có hiệu lực ngày 1/7/2016) đều quy định: “Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết”.
Theo quy định nêu trên, trường hợp luật chuyên ngành giao thẩm quyền cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh thì việc ban hành này có trái với quy định của Luật Đầu tư không? Trong trường hợp này có được áp dụng quy định tại Khoản 3 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay không?” đại diện Bộ KH&ĐT băn khoăn.
Ngoài ra, Luật Đầu tư đã cải cách mạnh mẽ thủ tục đầu tư theo hướng thay thủ tục thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện bằng thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không yêu cầu lấy ý kiến thẩm tra của các bộ, ngành; đầu mục hồ sơ đăng ký đầu tư cũng giảm thiểu đáng kể theo hướng không yêu cầu nhà đầu tư phải chuẩn bị các tài liệu như: giải trình kinh tế - kỹ thuật, giải trình đáp ứng điều kiện. Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, một số văn bản pháp luật được ban hành trước thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực vẫn yêu cầu thực hiện một số thủ tục khác trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Điều này dẫn đến xung đột giữa các văn bản pháp luật, gây khó khăn cho DN, nhà đầu tư và cơ quan đăng ký đầu tư.