Lựa chọn nhà đầu tư: Bảo đảm tiêu chí chặt chẽ, thủ tục thuận lợi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đã tháo gỡ nhiều vướng mắc.
Kinh nghiệm của nhà đầu tư được đề xuất đánh giá thông qua số
lượng dự án mà nhà đầu tư tham gia với vai trò là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu
hoặc nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên
Kinh nghiệm của nhà đầu tư được đề xuất đánh giá thông qua số lượng dự án mà nhà đầu tư tham gia với vai trò là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu hoặc nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên

Để bảo đảm thống nhất trong quá trình thực thi nghị định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sẽ ban hành 1 thông tư hướng dẫn, trong đó đề xuất tiêu chí đánh giá nhằm bảo đảm chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực.

Bảo đảm nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm

Tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện thông tư hướng dẫn Nghị định số 25/2020/NĐ-CP tổ chức ngày 8/7, tại Hà Nội, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, trước khi tổ chức hội thảo này, ngày 18/5, Bộ KH&ĐT đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị về việc lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo thông tư. Về tiêu chí đánh giá năng lực của nhà đầu tư, hiện dự thảo thông tư xây dựng theo hướng kinh nghiệm của nhà đầu tư được đánh giá thông qua số lượng dự án mà nhà đầu tư tham gia với vai trò là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu hoặc nhà thầu.

Theo ông Trương, trong trường hợp thông thường, tổng mức đầu tư dự án tương tự được xác định trong khoảng 50 - 70% dự án đang xét. Nếu nhà đầu tư thực hiện với vai trò là nhà thầu thì giá trị phần công việc nhà đầu tư tham gia trong gói thầu/hợp đồng tối thiểu bằng 30 - 70% giá trị công việc tương ứng của dự án đang xét. Tuy vậy, theo một số doanh nghiệp (DN), quy định như vậy chưa thực sự phù hợp với dự án có quy mô lớn hoặc dự án trong các lĩnh vực mới, chưa có nhiều dự án triển khai thực hiện.

Bộ KH&ĐT dự kiến bổ sung quy định theo hướng đối với từng dự án cụ thể, bên mời thầu có trách nhiệm khảo sát dữ liệu về các dự án đã thực hiện, tham khảo kinh nghiệm của các nhà đầu tư để xác định yêu cầu về giá trị dự án tương tự trong hồ sơ mời thầu, bảo đảm phù hợp với thực tế, lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án.

“Quy định như thế nào thì nhà đầu tư cũng phải có năng lực, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hay đã được ký kết hợp đồng hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư nhiều năm, nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai”, ông Trương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Đuyến, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh đang chuẩn bị lựa chọn nhà đầu tư một dự án có quy mô trên 200 nghìn tỷ đồng, chưa từng có tiền lệ ở nước ta. Khi xét năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư, không biết dựa vào đâu để yêu cầu nhà đầu tư cung cấp hợp đồng tương tự. “Vì vậy, việc xác định giá trị dự án tương tự rất cần có hướng dẫn thêm”, ông Đuyến bày tỏ.

Đáp lại ý kiến của ông Đuyến, đại diện cơ quan xây dựng thông tư cho rằng, bên cạnh đề xuất bổ sung, dự thảo thông tư có thể chia ra trường hợp nếu nhà đầu tư không có dự án tương tự đáp ứng, cần phải đưa thêm các biện pháp khác về bảo đảm đầu tư, tổ chức thực hiện, phân kỳ đầu tư, năng lực tài chính để tránh tình trạng dự án mới sẽ bị “tắc”.

Không làm lỡ cơ hội của nhà đầu tư

Liên quan đến vấn đề tài chính, đa số các cơ quan, đơn vị nhất trí với đề xuất của Bộ KH&ĐT về tiêu chí đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư. Đó là vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định trong khoảng thời gian tối đa 28 ngày trước ngày đóng thầu và không sử dụng tiêu chí giá trị tài sản ròng. Nhà đầu tư phải nộp báo cáo tài chính được kiểm toán (bao gồm báo cáo tài chính năm và các báo cáo tài chính niên độ) để chứng minh giá trị vốn chủ sở hữu. Trường hợp khoảng thời gian 28 ngày trước ngày đóng thầu không trùng lặp với kỳ lập báo cáo tài chính hoặc nhà đầu tư không có báo tài chính được kiểm toán trong thời gian này (không có báo cáo tài chính giữa niên độ), nhà đầu tư phải nộp báo cáo được kiểm toán về tình hình sử dụng vốn chủ sở hữu. Quy định như vậy nhằm bảo đảm chọn nhà đầu tư có năng lực thực sự, tránh trường hợp nhà đầu tư gian lận trong đấu thầu.

Về quy định này, ông Trương Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam băn khoăn, liệu yêu cầu nhà đầu tư cung cấp báo cáo tài chính được kiểm toán trong thời hạn 28 ngày trước khi đóng thầu có làm phát sinh thêm thủ tục hay vướng mắc cho DN hay không?

Đại diện Ban Pháp chế Tập đoàn Vingourp bày tỏ, quy định này áp dụng trên thực tế thì dễ với DN ít dự án đầu tư nhưng lại khó khăn với DN lớn đang triển khai nhiều dự án. Nên quy định nhà đầu tư phải cung cấp báo cáo tài chính được kiểm toán để chứng minh năng lực, nhưng không nên quy định cứng về thời gian 28 ngày. Nên chăng nhà đầu tư chỉ cần cung cấp báo cáo tài chính của niên độ gần thời điểm đóng thầu nhất và sẽ bổ sung thêm tài liệu sau.

Cơ quan soạn thảo cho biết, dự thảo thông tư có thể bổ sung theo hướng đưa thêm các lựa chọn tùy từng điều kiện cụ thể trên nguyên tắc có cam kết chặt chẽ để tránh gian lận. Chẳng hạn, nếu dự án tổ chức đấu thầu 6 tháng đầu năm thì dựa vào báo cáo tài chính gần nhất, nhưng có cam kết về vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính năm trước. Còn nếu đấu thầu ở 6 tháng cuối năm thì cần có báo cáo niên độ 6 tháng gần nhất...

Chuyên đề

Kết nối đầu tư