Lộ trình nào cho phát triển điện gió ngoài khơi?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo định hướng phát triển, dự kiến đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 7 GW điện gió ngoài khơi (ĐGNK). Để đạt mục tiêu này, một số ý kiến đề xuất xem xét thực hiện giai đoạn chuyển tiếp trước khi thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng nên đi thẳng vào cơ chế đấu thầu cạnh tranh.
Đấu thầu cạnh tranh tạo cơ hội lựa chọn được nhà đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi có năng lực thực sự. Ảnh: Quốc Tuấn
Đấu thầu cạnh tranh tạo cơ hội lựa chọn được nhà đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi có năng lực thực sự. Ảnh: Quốc Tuấn

Tại Hội thảo Lộ trình hiện thực hóa ĐGNK tại Việt Nam mới đây, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực ĐGNK mong muốn sẽ có cơ chế chuyển tiếp trước khi đi thẳng vào cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Cơ chế chuyển tiếp được đề xuất thực hiện theo biểu giá điện cố định (giá FIT) phù hợp với điều kiện của Việt Nam, áp dụng cho 7 GW đầu tiên trong giai đoạn đến 2030. Để thực hiện, Chính phủ có thể xem xét bắt đầu bằng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư (không qua đấu thầu), trên cơ sở phải đáp ứng được các tiêu chí, chứng minh được năng lực, kinh nghiệm, tài chính...

Lý do là, với Việt Nam, ĐGNK vẫn còn mới, chưa có các quy định cần thiết. Để xây dựng cơ chế chính sách mất khá nhiều thời gian trong khi đa số các dự án ĐGNK thường đề xuất quy mô công suất lớn (từ 2.000 - 5.000 MW). Với quy mô này, cần tổng thời gian từ 6 - 8 năm để chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến công nhận vận hành thương mại (COD).

Thời gian để đạt mục tiêu 7 GW ĐGNK vào năm 2030 chỉ còn chưa đến 8 năm, nếu việc phê duyệt quy hoạch, lựa chọn dự án, lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án ĐGNK không sớm được đẩy nhanh theo các trình tự thủ tục thì rất khó khả thi.

Trong khi đó, chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Phan Xuân Dương, chuyên gia năng lượng nêu quan điểm, Việt Nam nên đi thẳng vào việc thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án ĐGNK, không cần thực hiện giai đoạn chuyển tiếp.

Theo chuyên gia này, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển ĐGNK sẽ đảm bảo tính công khai, cạnh tranh, công bằng và hiệu quả kinh tế. Qua đó, cơ hội chọn được nhà đầu tư có năng lực thực sự lớn hơn, tránh tình trạng nhà đầu tư “xí chỗ”, làm mất cơ hội của nhiều nhà đầu tư khác.

“Với những cơ chế chưa xác định đầy đủ như hiện nay, nhà đầu tư và bên mua điện sẽ mất rất nhiều thời gian để đàm phán, mặc cả và nếu thành công thì hầu như lợi thế sẽ nghiêng về phía nhà đầu tư được chọn một cách không cạnh tranh”, ông Dương cảnh báo và cho rằng, thà bỏ ra 3 năm để xây dựng cơ chế đấu thầu nhằm thực hiện một cách minh bạch, bài bản còn hơn 8 năm để các dự án phát triển trong tình trạng thiếu minh bạch.

Cũng theo ông Dương, việc lựa chọn nhà đầu tư công khai, minh bạch với cơ chế rõ ràng sẽ càng hấp dẫn nhà đầu tư đổ vốn vào phát triển các dự án năng lượng sạch, trong đó có ĐGNK và đây là cơ hội tốt để Việt Nam hiện thực hóa cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Một chuyên gia năng lượng khác khẳng định: “Đã đầu tư dự án thì phải đấu thầu mới thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia và thông qua cơ chế đấu thầu cạnh tranh mới lựa chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực. Bởi những nhà đầu tư chân chính luôn đi theo con đường minh bạch, cạnh tranh bằng việc đấu thầu”.

Thực tế, kinh nghiệm phát triển ĐGNK của Hà Lan cho thấy, nước này không cần cơ chế chuyển tiếp mà đi thẳng vào đấu thầu thành công với việc chuẩn bị kỹ lưỡng từ xây dựng cơ chế chính sách, đầu tư kết cấu hạ tầng, khảo sát chi tiết…

Thông tin với Báo Đấu thầu bên lề cuộc họp báo thường kỳ quý II/2022 do Bộ Công Thương tổ chức, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho hay, cơ chế chính sách đối với ĐGNK đang trong quá trình xây dựng. Các đề xuất của nhà đầu tư, chuyên gia… sẽ được tiếp thu, nghiên cứu”.

Đối với cơ chế phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời, ông Hùng nhấn mạnh, cơ chế giá FIT khuyến khích đầu tư chỉ áp dụng trong thời gian nhất định để thu hút phát triển các dự án. Việc kéo dài giá FIT đến nay không còn phù hợp. Bộ Công Thương được Chính phủ giao xây dựng Thông tư quy định về khung giá bán điện và cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư trong các loại hình phát điện. Hiện thông tư này vẫn đang trong quá trình dự thảo.

Chuyên đề