Ảnh Internet |
Trong đó, đáng chú ý là việc bố trí nhân lực tư vấn giám sát không đảm bảo số lượng, việc thi công lắp đặt các thiết bị đường ngang thực hiện trước khi thiết kế mẫu được phê duyệt.
Nhân lực tư vấn giám sát không đảm bảo
Trong Kết luận thanh tra số 1849/BGTVT-TTr, Thanh tra Bộ GTVT khẳng định, tại Dự án Nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 133 đường ngang do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) làm chủ đầu tư, việc bố trí nhân sự tư vấn giám sát không đảm bảo về số lượng theo yêu cầu. Quá trình thực hiện Dự án có tình trạng 1 người kiêm nhiệm giám sát nhiều đường ngang, trong khi địa bàn các đường ngang cách nhau tới hàng trăm km; thời gian thực hiện các gói thầu cải tạo, sửa chữa lại ngắn và triển khai cùng lúc.
“Điển hình, ông Dư Thế Chuyền, ông Phạm Quang Điện thực hiện giám sát toàn bộ phần thông tin tín hiệu từ đường ngang Km6+704 đến đường ngang Km562+880 thuộc khu vực I; ông Phan Văn Phu giám sát phần thông tin tín hiệu toàn bộ khu vực II; ông Trần Đức Long giám sát toàn bộ khu vực III”, Thanh tra Bộ GTVT dẫn chứng.
Hoạt động tư vấn giám sát của Dự án cũng được chỉ rõ nhiều thiếu sót. Cụ thể, các đơn vị có trách nhiệm chưa rà soát đầy đủ thiết kế bản vẽ thi công, khối lượng thực tế thi công, hồ sơ hoàn công của các đơn vị thi công; nhật ký giám sát của các giám sát viên cũng chưa đầy đủ theo quy định.
Đáng chú ý, qua thanh tra, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện, trong quá trình thực hiện Dự án, VNR không phân công bộ phận chuyên trách thực hiện việc quản lý dự án, mà sử dụng các cán bộ tại nhiều ban khác nhau để thực hiện kiêm nhiệm công tác này. Cụ thể, VNR sử dụng nhân sự tại các ban: Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt (29 người); Kế hoạch kinh doanh (8 người); Tài chính kế toán (9 người); Chuẩn bị đầu tư (9 người).
Thi công trước khi phê duyệt thiết kế mẫu
Cụ thể, các công trình đường ngang lắp đặt cần chắn tự động, cần chắn bán tự động, dàn chắn bán tự động đều thực hiện thi công và nghiệm thu trong tháng 12/2015. Tuy nhiên, ngày 6/1/2016, Bộ GTVT mới có Văn bản số 78/BGTVT-KHCN ủy quyền cho VNR ra quyết định phê duyệt thiết kế và các tiêu chuẩn cơ bản áp dụng cho thiết bị đường ngang cần chắn tự động, cần chắn bán tự động và dàn chắn bán tự động. Tiếp đó, ngày 29/1/2016, VNR có Quyết định 131/QĐ-ĐS về phê duyệt thiết kế mẫu và ban hành tạm thời tính năng, yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng các công trình lắp đặt nêu trên. Và đến ngày 4/8/2016, VNR mới có Quyết định 1113/QĐ-ĐS về việc phê duyệt, công bố tiêu chuẩn cơ sở thiết bị phòng vệ đường ngang tại VNR.
“Việc thi công, lắp đặt cần chắn tự động, cần chắn bán tự động, dàn chắn bán tự động các đường ngang từ tháng 12/2015 của VNR là chưa đầy đủ trình tự, thủ tục về quản lý đầu tư xây dựng và yêu cầu kỹ thuật”, Thanh tra Bộ GTVT chỉ rõ.
Từ kết quả thanh tra, Thanh tra Bộ GTVT yêu cầu VNR và các phòng, ban liên quan, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn thẩm tra, các đơn vị thi công, các đơn vị quản lý và khai thác… nghiêm túc kiểm điểm các sai sót; đề ra những biện pháp khắc phục, xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân theo đúng quy định của pháp luật. Bộ GTVT cũng giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông căn cứ vào những tồn tại, sai sót của các đơn vị liên quan để đối chiếu quy định, xem xét, đánh giá, xếp hạng đối với các đơn vị tư vấn và các đơn vị xây lắp.