Lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt

(BĐT) - Dự kiến vào ngày 11/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt.
 
Một số tổ chức như ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đề xuất mô hình thí điểm hợp tác thanh toán với AliPay, Wechatpay, Unionpays, Nonghyup Bank... nhưng hiện thiếu cơ chế quản lý
Một số tổ chức như ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đề xuất mô hình thí điểm hợp tác thanh toán với AliPay, Wechatpay, Unionpays, Nonghyup Bank... nhưng hiện thiếu cơ chế quản lý

Theo NHNN, việc xây dựng Dự thảo Nghị định này nhằm thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (Nghị định 101) ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 1/6/2016 và Nghị định số 16/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019).

Sau 6 năm triển khai, tại Tờ trình về sự cần thiết ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101, NHNN cho rằng, các quy định tại Nghị định 101 đã góp phần quan trọng trong hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cơ bản và đem lại nhiều chuyển biến tích cực cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) của nền kinh tế,  hạn chế dần các thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán, bảo đảm thực thi có hiệu quả các quy định pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh, mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng hội nhập toàn cầu của nền kinh tế đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động thanh toán, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, bảo vệ tính riêng tư dữ liệu của khách hàng, ngăn chặn đối phó với những nguy cơ về an ninh mạng, thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh, các quy định về TTKDTM hiện hành.

Thực tế cho thấy, cơ chế pháp lý về tiền điện tử còn chưa đồng bộ (ví điện tử, thẻ trả trước...); thiếu cơ chế quản lý các giao dịch thanh toán quốc tế (các mô hình thanh toán mới đề xuất thử nghiệm như AliPay, Wechatpay, Unionpays, Nonghyup Bank...); chưa có các quy định để quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng; chưa có các quy định về hoạt động đại lý thanh toán; chưa có quy định liên quan đến chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài lĩnh vực trung gian thanh toán...

Theo đánh giá của VCCI, Dự thảo Nghị định lần này có nhiều quy định mới về mở và sử dụng tài khoản thanh toán; dịch vụ TTKDTM; dịch vụ trung gian thanh toán; tổ chức, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán... Do đó, Dự thảo sẽ tác động đáng kể đến cộng đồng doanh nghiệp.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư