Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet |
Theo đó, Cục Quản lý dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật trực thuộc Sở khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai dự trữ thuốc để đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh (KCB) cho nhân dân, đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.
Trong đó, chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu; phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19; thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh trong dịp tết Nguyên đán cũng như thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa Đông - Xuân như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella...
Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước về y tế tại từng địa phương phải chỉ đạo các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và tăng cường các biện pháp quản lý không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh. Thanh tra Sở Y tế có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn về dược và các quy định về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành, găm hàng, tăng giá… và xử lý nghiêm các trường hợp được phát hiện.
Đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Cục Quản lý dược yêu cầu các bệnh viện cần chủ động liên hệ với các cơ sở cung ứng thuốc để đặt hàng, theo dõi tiến độ giao hàng, khẩn trương thực hiện mua sắm bổ sung khi có nguy cơ thiếu thuốc hoặc giao hàng không kịp tiến độ, triển khai kế hoạch dự trữ thuốc đảm bảo sẵn sàng cung ứng thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác KCB cho nhân dân.
Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ thuốc cần tăng cường nguồn cung, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc để phục vụ nhu cầu KCB của nhân dân, khẩn trương cung ứng đủ thuốc khi nhận đơn đặt hàng của các cơ sở KCB, không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, không lợi dụng dịp Tết để tăng giá thuốc.
Liên quan đến thực trạng tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư tiêu hao và trang thiết bị tại các cơ sở KCB từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế vừa có Báo cáo số 1528/BC-BYT trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, qua kết quả kiểm tra, khảo sát trên toàn quốc cho thấy, hầu hết các cơ sở y tế đều có tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế với mức độ khác nhau. Khoảng 90% bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị. Tình hình này xảy ra nghiêm trọng hơn tại một số lĩnh vực như: cấp cứu, hồi sức tích cực, tim mạch, ngoại...
Tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, tình trạng thiếu thuốc trong thời điểm chuyển tiếp giữa các gói thầu hoặc do nhà thầu cung ứng chậm, nhỏ giọt. Một số bệnh viện trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19 thường xuyên tiếp nhận bệnh nặng phải sử dụng các nhóm thuốc chống sốc, vận mạch như Dobutamine-Hameln, Nacardipin, Nitroglycerin... dẫn đến mất cân đối so với kế hoạch ban đầu.
Bộ Y tế cho rằng, có 4 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên, gồm: do tác động của dịch Covid-19 và dịch bệnh khác liên tiếp xảy ra trong năm 2021 - 2022; do vướng mắc cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan tới mua sắm; do công tác tổ chức triển khai mua sắm, đấu thầu tại các địa phương, đơn vị; và do các nhà thầu cung cấp hàng hóa.