Lăng kính đấu thầu ngày 14/11/2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khảo sát cho thấy, vẫn phổ biến tình trạng hồ sơ mời thầu các gói thầu cung cấp dịch vụ vệ sinh, đồ vải trong các cơ sở y tế quy định quá nhiều tiêu chuẩn về bằng cấp, chứng chỉ đối với nhân sự, hoặc chỉ tiêu kỹ thuật, gây khó cho nhà thầu.

Nhiều tiêu chuẩn làm khó nhà thầu?

Bệnh viện 74 Trung ương (Vĩnh Phúc) đang lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Thuê dịch vụ vệ sinh công nghiệp năm 2024, với giá dự toán 2,753 tỷ đồng.

Sau khi phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), một nhà thầu cho rằng, Bên mời thầu nên cân nhắc điều chỉnh một số nội dung liên quan đến tiêu chuẩn đánh giá năng lực, kinh nghiệm gây khó cho nhà thầu.

Cụ thể đối với tiêu chuẩn đánh giá nhân sự chủ chốt, HSMT yêu cầu cán bộ quản lý và cán bộ giám sát có chứng chỉ đã hoàn thành khóa học “Nhận thức và đánh giá viên nội bộ theo yêu cầu tiêu chuẩn ISO 9001:2015, ISO 14001:2015 và ISO 19001:2018 (còn hiệu lực)”. Nhà thầu cho rằng, tiêu chuẩn này không được quy định tại bất kỳ văn bản pháp luật nào, mặt khác, theo pháp luật về đấu thầu, chỉ quy định bằng cấp, chứng chỉ của nhân sự trong trường hợp pháp luật chuyên ngành có yêu cầu về bằng cấp/chứng chỉ chuyên môn.

Về tiêu chuẩn đánh giá thiết bị chủ yếu, HSMT yêu cầu: máy đánh chà sàn chạy bằng điện lưới hoặc ắc quy có năng suất làm sạch: ≥ 1.800 m2/giờ; dung tích bình chứa nước thải: ≥ 50 lít; độ rộng chải làm sạch: ≥ 500mm; tốc độ bàn chải ≥ 220 vòng/phút, áp lực chà 23 kg hoặc 35 kg hoặc 41 kg; máy sử dụng công nghệ làm sạch không hóa chất... Các nhà thầu cho rằng, việc chỉ định danh sách thiết bị với thông số chi tiết, cụ thể như trên là không phù hợp; ngoài ra, yêu cầu máy sử dụng công nghệ làm sạch không hóa chất là yêu cầu cao hơn mức cần thiết của Gói thầu.

Theo kế hoạch, Gói thầu sẽ được mở thầu vào 14 giờ ngày 20/11/2023.

Chỉ tiêu kỹ thuật làm khó nhà thầu?

Bệnh viện Mắt Trung ương (Bên mời thầu) đang lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Cung cấp đồ vải phục vụ người bệnh, người nhà bệnh nhân và phẫu thuật năm 2023 (giá dự toán 2,598 tỷ đồng). Ngay sau khi phát hành HSMT, một nhà thầu đã có văn bản đề nghị điều chỉnh tiêu chí đánh giá kỹ thuật gây khó cho nhà thầu.

Theo phản ánh, HSMT yêu cầu tiêu chí kỹ thuật vải gồm rất nhiều chỉ tiêu chi tiết phức tạp như: độ bền kéo đứt: dọc 1033 (N) ±1, ngang 459 (N) ±1; độ vón gút sau 7200 vòng quay (cấp): 4 ±1; độ bền màu giặt A; 40°C (cấp): 4-5 ±1; ngoại quan của vải sau giặt 40°C và làm khô (cấp): SA-3,0; khối lượng thực tế: 260 (g/m2) ±1…

Nhà thầu cho rằng, các thông số kỹ thuật vải như trên mang tính chất nghiên cứu phòng thí nghiệm, chỉ mô tả riêng cho một loại vải nhất định nào đó, không có trong các phiếu kiểm nghiệm phổ thông của Trung tâm Thí nghiệm dệt may Việt Nam, không ứng dụng trong thực tế. Nếu muốn có các phiếu test vải đáp ứng gói thầu này, nhà thầu phải đăng ký test chuyên sâu và phát sinh chi phí lớn, đồng thời kéo dài thời gian dẫn đến không kịp chuẩn bị hồ sơ dự thầu.

Hơn nữa, khi đưa ra các tiêu chí trên, Bên mời thầu cũng khó có căn cứ để tiến hành kiểm tra thử nghiệm hàng hóa. Mặt khác, theo quy định của pháp luật hiện hành, ngành dệt may thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh không điều kiện, chất liệu vải trong ngành may mặc chỉ cần thiết có tên loại vải và thành phần vải. Do đó, quy định như HSMT gây hạn chế nhà thầu.

Trong khi đó, Bên mời thầu bảo lưu các tiêu chí đã xây dựng tại HSMT và khẳng định, Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT không có quy định nào không cho phép bên mời thầu đưa ra yêu cầu kỹ thuật nhằm đáp ứng đặc tính kỹ thuật hàng hóa.

Ngày 13/11/2023, Gói thầu được mở với sự tham dự của 3 nhà thầu, gồm: Công ty TNHH Việt Phát Group; Công ty CP Đầu tư và Sản xuất thương mại Ngọc Minh Châu; Công ty TNHH Nguyễn Gia Tex.

Chuyên đề