Làng cổ Đường Lâm: Đất thiêng sinh hào kiệt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đêm trừ tịch, ngồi trong những ngôi nhà đá ong cổ chờ vớt bánh chưng, ngoài sân cây nêu rung nhẹ đón gió xuân, trên ban thờ tổ tiên mâm ngũ quả trang trọng, cùng với khói nhang ấm cúng… tạo nên không gian sâu lắng, linh thiêng. Vài trăm ngôi nhà cổ cùng tạo ra không gian văn hóa giúp chúng ta hình dung các giá trị tinh thần ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) rất cô đọng và điển hình của văn hóa làng xã Việt Nam trong không khí đón năm mới.
Các giá trị tinh thần ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) là điển hình của văn hóa làng xã Việt Nam. Ảnh: Nina May
Các giá trị tinh thần ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) là điển hình của văn hóa làng xã Việt Nam. Ảnh: Nina May

Đậm sâu không gian văn hóa Việt

Người Việt của các thế hệ khi xa quê dù đi năm châu bốn biển hay chỉ mưu sinh cách nơi chôn rau vài chục dặm đường khi nhớ về bản quán, ngoài mái tranh, gốc cau, chum nước… nhà mình thì mái đình luôn khiến nỗi nhớ thêm da diết, trở thành biểu tượng của khoảng trời quê hương. Và hẳn không nỗi nhớ nào chất chứa như nhớ quê trong những ngày cận Tết!

Người làng Đường Lâm tự hào có đình Mông Phụ, được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Đây là một trong không nhiều ngôi đình cổ ở Việt Nam. Đình Mông Phụ được xây năm 1533 thời Vua Mạc Đăng Doanh. Đình thờ Tản Viên Sơn Thánh (dân gian thường gọi là Sơn Tinh) - một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt. Đình làng giữ vai trò là trung tâm về tôn giáo, tâm linh, do đó thế đình được xem là yếu tố quyết định vận mệnh của làng. Với đình Mông Phụ, nếu để ý, du khách sẽ thấy các nhánh đường được tiền nhân chia thành hình xương cá, do đó con dân của làng nếu đi từ đình sẽ không “phạm húy” là quay lưng vào cửa Thánh.

Theo các chuyên gia văn hóa, điêu khắc ở các đình làng là kho tàng phong phú của điêu khắc Việt Nam. Những đường nét này cũng xuất hiện ở đền, chùa, nhưng được biểu hiện gần gũi hơn tại các ngôi đình. Do đó, những nét “vẽ bằng đục” ở đình làng là nguồn tài liệu để nghiên cứu đời sống thường nhật cũng như tâm hồn của cư dân. Những hoa văn long phụng khi chiêm ngưỡng thực tế thì uy nghiêm nhưng trong nỗi niềm của người xa xứ thì gần gũi, như bao bọc tâm hồn. Qua bao thế kỷ, mái đình cong vót thân thương, những hàng ngói rêu phong, lớp sau đè lớp trước của đình Mông Phụ hẳn càng làm da diết nỗi nhớ quê của những người con xa xứ, đồng thời là nơi che chở, gửi gắm niềm tin của những người đang cư ngụ!

Trải qua năm tháng lịch sử nước nhà với các cuộc chiến tranh vệ quốc, những lần các tập đoàn phong kiến tranh ngôi và bao biến thiên khác, Đường Lâm vẫn giữ được hầu hết các đặc trưng vốn có của một ngôi làng Việt với các công trình biểu trưng như: đình, chùa, miếu, cây đa, bến nước, giếng nước, gò đồi, điếm canh… Đường Lâm có chùa Mía, ngôi chùa này phối thờ bà chúa Mía - một người phi của chúa Trịnh Tráng, có công phục dựng chùa từ đầu thế kỷ XVII. Hiện chùa Mía còn hàng trăm bức tượng cổ rất có giá trị về văn hóa, lịch sử… Ngoài ra, làng còn có những ngôi đền quy mô lớn, là nơi thờ những vị anh hùng có công với đất nước như đền thờ Phùng Hưng, Ngô Quyền.

Những công trình có tính biểu tượng của làng Đường Lâm thể hiện rất rõ đặc trưng văn hóa làng xã của người Việt là một khối dân cư ở nông thôn, có địa vực, cơ cấu tổ chức, phong tục tập quán, tâm lý, tính cách… khu biệt với địa vực khác, nhưng không nằm ngoài bức tranh chung của văn hóa Việt.

Các nghiên cứu cho thấy, cách con người ứng xử với thiên nhiên là thành tố quan trọng cấu thành nên văn hóa làng xã. Làng Đường Lâm hiện có hơn 900 ngôi nhà truyền thống, trong đó nhiều nhà có niên đại vài thế kỷ. Đặc trưng của nhà cổ ở đây là đều được xây từ đá ong. Xứ Đoài là “kho tàng” đá ong của Bắc Bộ. Ở đây, đá ong xuất hiện mọi nơi, từ gò bãi, triền đồi, thậm chí ngay trong vườn nhà; lộ thiên hay nằm sâu trong lòng đất. Qua bàn tay người thợ, đá ong được xây cất thành đình, chùa, nhà cửa và cả thành lũy…, những công trình mang biểu trưng văn hóa, hồn cốt người Việt. Đá ong gắn kết sâu đậm với cuộc sống đời thường của người dân và trong cả những tác phẩm nghệ thuật trải qua các giai đoạn lịch sử.

Người Việt thường quan niệm vạn vật hữu linh, ví như đất có thổ công, do vậy từ cây cối, đầm hồ, gò đống cho đến đình, chùa, miếu… được quan tâm bảo vệ. Bên cạnh đó là tinh thần tôn trọng quá khứ, những gì thuộc về lịch sử thì ít thay đổi, chỉ tu bổ, tôn tạo. Điều này lý giải vì sao người dân Đường Lâm qua nhiều thế hệ vẫn giữ được gần như nguyên trạng những di sản của cha ông.

Đất thiêng ắt sinh người hào kiệt. Đường Lâm là nơi ra đời của các vị vua, danh tướng, nhà chính trị, nhà ngoại giao tầm cỡ như Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Ngô Quyền, nhà ngoại giao Giang Văn Minh nổi tiếng thời Lê Trung Hưng, gần đây nhất là Phó Thủ tướng Phan Kế Toại… Các danh nhân đó đã góp phần quan trọng truyền bá tinh thần thượng võ, hiếu học, tình yêu quê hương đất nước.

Bức tranh làng cổ Đường Lâm sống động hơn khi còn là nơi tiếp nối tri thức dân gian lâu đời, ví như trong lĩnh vực ẩm thực. Nghề làm tương, làm kẹo, nấu chè lam… của người dân Đường Lâm đã tạo nên không gian văn hóa hoàn chỉnh tại ngôi làng cổ đặc trưng người Việt.

Cách đây hơn 1 năm, ngày 18 tháng Chạp năm Canh Tý, nhằm tái hiện không khí Tết cổ truyền, làng Đường Lâm đã tổ chức chương trình Chợ Tết. Người dân bày bán nhiều loại đặc sản của địa phương như chè lam, thịt quay đòn, cây cảnh, hoa tết, sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Ngày xuân, du khách đến với Đường Lâm được thầy đồ cho chữ, người dân hướng dẫn gói bánh chưng, làm kẹo lạc, chơi các trò chơi dân gian...

Ảnh: Nina May

Ảnh: Nina May

Ước vọng về bảo tàng

Giá trị văn hóa, lịch sử ở làng cổ Đường Lâm rất đậm nét. Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng, khi nói về Đường Lâm là nói về xứ Đoài với địa thế tứ giác nước. Dưới chân núi Tản có các sông nối và thông nhau, bao bọc Đường Lâm như sông Tích, sông Đà, sông Đáy. Các di tích ở Đường Lâm cũng liên thông nhiều giai đoạn lịch sử từ Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền… Ở mảnh đất này còn có rất nhiều am thờ, miếu thờ các vị có công với nước được sử sách ghi danh từ thời Hai Bà Trưng đến thời hiện đại… Trải qua nhiều thế hệ, những giá trị văn hóa đó đã trở thành tài sản của không chỉ con người nơi đây.

Nhiều ý kiến nhận định, không gian văn hóa Việt sâu đậm đã đặt Đường Lâm cao hơn vị thế của một ngôi làng cổ. Vị trí lịch sử của ngôi làng này xứng đáng ở tầm quốc gia chứ không chỉ ở các dự án tôn tạo, bảo tồn. Hiếm có mảnh đất nào của Việt Nam lại chứa đựng đa dạng các dữ liệu của cả huyền sử (Thánh Tản Viên); chính sử (Phùng Hưng, Giang Văn Minh…); văn hóa, tâm linh (đình Mông Phụ, chùa Mía…) xuyên qua nhiều giai đoạn như nơi đây.

Ví dụ như với chùa Mía. Ngôi chùa này tọa trên một đồi đá ong, lưu giữ gần 300 tượng nghệ thuật, trong đó có 6 pho tượng đồng, hơn 100 pho tượng gỗ và hơn 170 pho tượng bằng đất luyện được sơn son thếp vàng. Trên gác của chùa có treo chuông đúc năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743) và một khánh đồng đúc năm Thiệu Trị thứ 6 (1864). Ngoài ra, nơi đây còn giữ được bộ khung gỗ có nhiều phần điêu khắc thế kỷ XVII, đồng thời có bảo tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 13 mét thờ vọng xá lợi Đức Phật. Năm 1993, chùa Mía đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Với bề dày lịch sử, văn hóa đó, vị thế của Đường Lâm sẽ “uy nghi” hơn nếu trở thành bảo tàng lịch sử bảo tồn chứng tích cha ông từ thuở hồng hoang đến hiện tại.

Chuyên đề