Các quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường. Ảnh: Lê Tiên |
Hứng khởi mới cho khởi nghiệp
Theo ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), những cải cách đột phá trong Luật Đầu tư 2014 và Luật DN 2014 đã tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thuận lợi. Ông Tuấn cho biết, sau một năm đi vào cuộc sống, Luật DN 2014 đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo ra làn sóng gia nhập thị trường trong cộng đồng DN. Số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng gần 28% so với 1 năm trước đó; số vốn đăng ký cũng tăng trên 42%... Tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2016, số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng trên 22% so với cùng kỳ năm ngoái (1/7/2014 - 1/7/2015).
Đáng chú ý hơn, theo ông Tuấn, chi phí gia nhập thị trường của DN đã giảm đáng kể nhờ đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục; đa dạng hóa phương thức hỗ trợ đăng ký kinh doanh (ĐKKD); tạo sự chủ động cho DN… Thời gian xử lý hồ sơ đăng ký DN trung bình cả nước là 2,9 ngày, thậm chí có địa phương chỉ mất hơn 1 ngày như Tiền Giang, Hậu Giang.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, nhận xét, kết quả nổi bật nhất là các quy định của Luật Đầu tư và Luật DN đã tạo điều kiện tốt nhất cho DN gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường. Hai luật này đã thực sự đi vào cuộc sống. “DN có thể không cần đến cơ quan ĐKKD, mà ngồi tại nhà có thể ĐKKD, còn cơ quan ĐKKD không phải bỏ ra nhiều nguồn lực để xử lý thông tin nhờ ứng dụng công nghệ. Chi phí không chính thức đã giảm được đáng kể” - bà Minh cho hay.
Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT Hải Dương chia sẻ, số lượng DN đăng ký mới tăng hơn, đưa tổng số DN của Hải Dương lên tới 10.000 DN. Tư duy quản lý nhà nước đối với DN cũng được thay đổi.
Tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp
Chia sẻ về một số tồn tại trong quá trình thực thi Luật Đầu tư, ông Quách Ngọc Tuấn, đại diện Vụ Pháp chế thuộc Bộ KH&ĐT thông tin, nhiều ngành, nghề không còn cần thiết là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc trùng lặp; khái niệm điều kiện đầu tư, kinh doanh chưa đủ rõ để phân biệt với các quy định khác như quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Thậm chí, nhà đầu tư còn cho rằng, quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là hai thủ tục độc lập, trong khi đó luật đang quy định chủ trương đầu tư là một bước trong quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Luật DN 2014 cho phép DN có nhiều hơn 1 người đại diện theo pháp luật và việc phân chia quyền và nghĩa vụ do điều lệ công ty quy định. Điều này có thể gây rủi ro cho bên thứ 3 khi thiết lập giao dịch với DN. Bên cạnh đó, quy định của Luật DN 2014 về quyền của cổ đông cũng chưa thực sự rõ ràng, dẫn đến cổ đông nhỏ khó tiếp cận thông tin của các cổ đông khác trong công ty nhằm liên kết cổ đông.
Là người trực tiếp hỗ trợ DN trong thủ tục ĐKKD, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ, trên thực tế, việc đăng ký DN vẫn còn khó khăn, dẫn đến phát sinh những chi phí không chính thức.
“Song, tất cả những khó khăn, vướng mắc này sẽ được giải quyết tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư, kinh doanh”, ông Phan Đức Hiếu cho biết.