Lãi suất Vietinbank “giúp sức” đội vốn dự án BOT

(BĐT) - Cùng với câu hỏi về chất lượng công trình cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai đang được dư luận quan tâm, lần lại quá trình thực hiện Dự án, còn nhiều câu hỏi về số tiền thực tế nhà đầu tư BOT đã bỏ ra đầu tư con đường này...

Việc tính sai lãi vay Vietinbank đã đẩy giá công trình lên, lãi vay trong dự toán được duyệt là 162,2 tỷ đồng, kết quả thanh tra chỉ là hơn 64,3 tỷ đồng, chênh lệch 97,8 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Theo kết luận thanh tra của cơ quan quản lý, nhà đầu tư đã “tính sai” trong quá nhiều hạng mục công việc, dẫn đến vốn đầu tư Dự án bị tăng thêm 300 – 400 tỷ đồng, trong đó riêng “tính sai” lãi vay Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã làm tăng thêm trên dưới 100 tỷ đồng.

Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết – Đồng Nai theo hình thức hợp đồng BOT do Tổng công ty 319 là nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án là Chi nhánh BOT 319 Sông Phan – Tổng công ty 319. Hợp đồng BOT Dự án được ký giữa Bộ GTVT và Tổng công ty 319 vào ngày 30/10/2013, với tổng mức đầu tư 2.071 tỷ đồng, thời gian khởi công thực hiện từ 18/4/2013 đến 31/12/2014. Để hoàn vốn, Tổng công ty 319 được sử dụng Trạm thu phí Sông Phan để khai thác thu phí với thời hạn kinh doanh, chuyển giao công trình là 22 năm 7 tháng, tính từ ngày bắt đầu thu phí.

Nhiều “chiêu” để tăng vốn dự án BOT

Tổng công ty 319 có được dự án BOT này dường như là một sự may mắn đáng ngờ. Dù Bộ GTVT đã thực hiện công bố danh mục dự án đầu tư trên Báo Đấu thầu, nhưng tại thời điểm công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư, thay vì công bố kêu gọi cho cả đoạn Phan Thiết – Đồng Nai, Bộ GTVT công bố 2 dự án là: Dự án Tăng cường mặt đường đoạn Phan Thiết – cuối Bình Thuận và Dự án Tăng cường mặt đường đoạn cầu Đồng Nai – Biên Hòa. Công bố một đằng, đến khi thực hiện lựa chọn nhà đầu tư và phê duyệt dự án, Bộ GTVT lại ghép chung 2 dự án này thành 1 dự án và giao cho 1 nhà đầu tư thực hiện. Việc làm tưởng chừng chỉ mang tính kỹ thuật này thực tế có thể làm hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư dự án có quy mô lớn. Phải chăng đây là một chiêu giảm đối thủ cho Tổng công ty 319?!

Theo Báo cáo tổng hợp quyết toán dự án hoàn thành, nhà đầu tư đề nghị quyết toán dự án với tổng vốn đầu tư 1.942,996 tỷ đồng, giảm so với dự toán được duyệt 64,159 tỷ đồng. Con số đề nghị quyết toán giảm hàng chục tỷ đồng so với dự toán tưởng như là một con số “đẹp”, thực tế lại là con số đã bị đội lên rất nhiều so với thực tế.

Kết luận thanh tra về dự án này đã chỉ ra, tổng vốn đầu tư thực tế do đoàn thanh tra tính lại nhỏ hơn 360 tỷ đồng so với tổng vốn đầu tư do nhà đầu tư phê duyệt và nhỏ hơn 464 tỷ đồng so với tổng vốn đầu tư cơ sở (2.071 tỷ đồng) để xác định thời gian hoàn vốn trong phương án tài chính.

Khoản vay của Vietinbank đang đứng trước rủi ro?

Công trình cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết – Đồng Nai hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 3/2015 và không lâu sau đó đã xuống cấp trầm trọng với 11.000 m2 mặt đường bị hằn lún. Theo “tối hậu thư” của Tổng cục Đường bộ, hôm nay (20/5) là hạn chót để nhà đầu tư xử lý dứt điểm các đoạn hằn lún trên tuyến, nếu không sẽ bị tạm dừng thu phí.

Bên cạnh đó, nếu giảm trừ 464 tỷ đồng bị tính thêm thì tổng mức đầu tư của Dự án sẽ thấp hơn và thời gian hoàn vốn sẽ phải giảm đi tương ứng, không còn là 22 năm 7 tháng. Ngoài ra, việc tính lưu lượng xe chưa chính xác dẫn đến doanh thu thực tế của nhà đầu tư thấp hơn so với doanh thu theo phương án tài chính được duyệt là 25,4 tỷ đồng mỗi năm. Khi doanh thu thấp hơn thì thời gian hoàn vốn dự án có thể sẽ không như dự kiến.

Đổ 1.450 tỷ đồng vào dự án này, trước rủi ro về thu phí của Dự án, có lẽ Vietinbank sẽ phải lo lắng nhiều hơn chính nhà đầu tư!

Có rất nhiều “lỗi” nhà đầu tư vô tình sai hay hữu ý mắc phải đã góp phần vào con số mấy trăm tỷ đồng bị đội lên này. Ví dụ chỉ riêng việc áp dụng chưa chính xác giá vật liệu nhựa đường, giá nhựa đường theo thông báo giá của tỉnh Đồng Nai là 15.000 đồng/kg và của tỉnh Bình Thuận là 15.600 đồng/kg. Tư vấn tính toán trong tổng mức đầu tư chung một giá nhựa đường cho toàn bộ dự án theo báo giá của tỉnh Bình Thuận trong khi dự án đi qua 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, nếu phân chia chi tiết thì chi phí xây lắp sẽ giảm đi 19,2 tỷ đồng.

Một “lỗi” khác cũng góp vào việc nâng giá, đó là tính chi phí nhân công theo mức lương tối thiểu vùng thay vì theo mức lương tối thiểu chung, làm tăng chi phí nhân công các gói thầu thêm 12,1 tỷ đồng.

Nhưng “chiêu hữu hiệu nhất” hay “lỗi to” nhất đẩy giá công trình trong trường hợp này đó là tính sai lãi vay ngân hàng. Cụ thể, lãi vay trong dự toán được duyệt là 162,2 tỷ đồng, kết quả thanh tra chỉ là hơn 64,3 tỷ đồng, chênh lệch 97,8 tỷ đồng. Nếu so với giá trị nhà đầu tư đề nghị quyết toán là 190,7 tỷ đồng, thì số chênh lệch lên tới 126,4 tỷ đồng.

Liệu có sự “bắt tay” của ngân hàng?

Với mức vốn chủ sở hữu 282,093 tỷ đồng, Tổng công ty 319 chỉ góp vào chưa đến 14% tổng mức đầu tư Dự án, 86% còn lại, tương đương 1.789,073 tỷ đồng, là vốn vay tín dụng ngân hàng thương mại. Và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) là ngân hàng chính tài trợ vốn cho Dự án.

Theo hợp đồng tín dụng được ký kết giữa Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng và VietinBank - Chi nhánh Thành phố Hà Nội ngày 5/8/2013, Vietinbank chấp thuận tài trợ vốn cho nhà đầu tư dự án số tiền 1.450 tỷ đồng, tương đương với 80% tổng mức đầu tư thực tế trước thuế của dự án, vốn vay được giải ngân song song với vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư. Thời gian cho vay là 14 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên, thời gian ân hạn là 2 năm.

Đến ngày 25/2/2016, Vietinbank đã giải ngân gần 1.413 tỷ đồng cho dự án này. Với số vốn tài trợ lớn như vậy, vai trò của Vietinbank trong dự án quả thực không nhỏ.

Với vai trò này, dư luận đang đặt câu hỏi, việc tính toán sai, tăng thêm gần 97,8 tỷ đồng lãi vay (nếu so với dự toán) hay 126,4 tỷ đồng (nếu so với đề nghị quyết toán của nhà đầu tư) của nhà đầu tư liệu chỉ là “lỗi” từ nhà đầu tư, hay đã có sự “bắt tay” từ ngân hàng cho vay?!

Chuyên đề