Lãi suất cho vay khó đứng yên

Không chỉ tăng lãi suất huy động tiền tiết kiệm, các nhà băng còn đẩy mạnh nhiều chương trình khuyến mãi quà tặng, cộng tiền mặt nhằm thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư. 
Lãi suất tiết kiệm VND có thể nhích nhẹ thời gian tới nhưng khó tăng đột biến
Lãi suất tiết kiệm VND có thể nhích nhẹ thời gian tới nhưng khó tăng đột biến

Cạnh tranh huy động vốn được cho là chưa chấm dứt, khả năng lãi suất đầu vào sẽ tăng thêm khoảng 1-2%/năm, do đó lãi suất cho vay khó có thể giữ nguyên.

Lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm tăng dần trong những tháng sau Tết Nguyên Đán, với mức cao nhất trên thị trường hiện nay là 8,2%/năm thuộc về các ngân hàng quy mô nhỏ. Nguyên nhân khiến lãi suất tăng, nhất là ở các kỳ hạn dài, chủ yếu do ảnh hưởng bởi Dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN về việc sẽ giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống còn 40% và nâng hệ số rủi ro các khoản phải đòi đối với bất động sản từ 150% hiện nay lên 250% trong thời gian tới.

Bởi vậy, các nhà băng phải tăng lãi suất huy động dài kỳ, nhằm cân đối lại nguồn tiền, nhất là ở những ngân hàng đã sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nhiều. Theo các chuyên gia, lãi suất tiết kiệm tiền đồng sẽ còn tăng trong thời gian tới, nhưng khó tăng đột biến, dao động ở 1-1,5%.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Huỳnh Trung Minh cho rằng, sức ép tỷ giá vẫn chưa hết, nhất là khi lộ trình tăng lãi suất của Fed đã được dự báo. Chính sức ép tỷ giá đã tạo áp lực lên lãi suất tiền đồng. Đây cũng là lý do vì sao lãi suất huy động ngoại tệ đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kéo về 0%/năm, nhưng vẫn nhiều khách hàng gửi tiết kiệm USD, bởi kỳ vọng tỷ giá tăng nên muốn giữ ngoại tệ.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, nguyên nhân chính khiến lãi suất đầu vào tăng, nhất là kỳ hạn dài trong những tháng gần đây chủ yếu do ảnh hưởng từ Dự thảo sửa đổi Thông tư 36.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng nhận định, mặt bằng lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục nhích nhẹ, khó tăng đột biến. Tuy lãi suất cho vay chưa thể tăng theo lãi suất huy động trong thời gian ngắn, nhưng khả năng sẽ khó giữ mặt bằng ổn định như hiện nay. Đáng chú ý, lãi suất cho vay vốn trung, dài hạn sẽ chịu áp lực tăng thêm mức khoảng 1-2%/năm trong thời gian gần cuối năm, nếu NHNN sớm ban hành Dự thảo Thông tư 36.

Một số chuyên gia nhận định thị trường tài chính ngân hàng đang vấp phải áp lực về thanh khoản khiến lãi suất huy động, cũng như cho vay có chiều hướng tăng từ cuối năm 2015 và vẫn chưa dừng lại. Ngoài ra, nếu dự thảo sửa đổi Thông tư 36 sớm được ban hành thì khó có thể tránh được lãi suất cho vay bất động sản tăng.

Nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy dự báo, áp lực thanh khoản đang có dấu hiệu tăng lên. Lãi suất tiếp tục tăng và theo tính toán có thể cao hơn 1-2%/năm so với mặt bằng năm 2015. Như vậy, theo ông Thúy, không thể đơn giản nói rằng doanh nghiệp vẫn có thể mở rộng sản xuất kinh doanh như năm 2015.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn thừa nhận, năm 2016, có nhiều thách thức đối với hoạt động của các nhà băng. Ở góc độ của người làm ngân hàng, bản thân ông chú trọng đến 2 vấn đề, đó là tỷ giá và lãi suất. Tỷ giá đã thay đổi bởi cơ chế của NHNN, được điều chỉnh và biến đổi theo cơ chế thị trường. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của khách hàng, mà trước hết là các doanh nghiệp. Đồng thời đòi hỏi đội ngũ nhân viên phụ trách công tác ngoại hối của ngân hàng cập nhật thông tin, hội ý liên tục để đưa ra các quyết sách trong việc kinh doanh ngoại hối hàng ngày.

Vấn đề thứ hai là lãi suất. Lãi suất cho vay bằng VND theo đánh giá của vị tổng giám đốc trên hiện đang ở mức thấp nhất và khả năng có thể điều chỉnh tăng lên trong thời gian tới. Tất nhiến, ở góc độ quản lý của NHNN, mục tiêu của NHNN là luôn luôn ổn định để phát triển nền kinh tế.

Chuyên đề