Cho vay bất động sản hiện chiếm tỷ lệ chủ yếu dư nợ cho vay cá nhân của các nhà băng |
Tín dụng của các ngân hàng tăng trưởng mạnh trong năm 2015 cũng như 2 tháng đầu năm nay, được nhà băng cho biết, nhờ tăng trưởng mạnh cho vay với khối khách hàng cá nhân. Trong đó, hầu hết là nhu cầu cá nhân vay vốn mua, sửa chữa nhà, kể cả nguồn vốn cho vay tiêu dùng, đích đến cuối cùng vẫn là mua, sửa chữa nhà. Điển hình tại một số nhà băng như Sacombank, ACB, Techcombank, VPBank…, dư nợ tín dụng năm 2015 phần lớn đến từ khối khách hàng cá nhân, chiếm trên hơn phân nửa tăng trưởng tín dụng.
Lãnh đạo Sacombank cho hay, chủ trương của Ngân hàng là đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ, trong đó tập trung cho cá nhân vay mua nhà để ở. Vì thế, Sacombank không chỉ tăng cường liên kết với các chủ đầu tư mà còn đẩy mạnh việc bảo lãnh các dự án bất động sản để đẩy vốn cho vay với phân khúc này. Đồng thời, nhà băng này cũng liên tực đưa ra các gói tín dụng ưu đãi, lãi suất cho vay mua nhà dao động từ 8 - 11%/năm.
Tại Eximbank, bà Đinh Thị Thu Thảo, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, tăng trưởng dư nợ tín dụng khối cá nhân được cải thiện đáng kể. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu đẩy mạnh tín dụng nhỏ lẻ của Eximbank. Tuy nhiên, với dự thảo sửa đổi Thông tư 36, nhà băng sẽ khó tránh được ảnh hưởng đến dư nợ cho vay cá nhân.
Thời gian qua, không chỉ ngân hàng lớn mà ngay cả các nhà băng vừa và nhỏ cũng chọn phân khúc cá nhân vay mua nhà làm khách hàng mục tiêu để đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2016. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho hay, chiến lược của ngân hàng ông là đẩy mạnh tài chính bán lẻ. Riêng về cho vay bất động sản, nhà băng này chú trọng tập trung cho vay cá nhân mua nhà để ở.
“Đây là một định hướng rất rõ ràng và an toàn. Nhưng nếu dự thảo sửa đổi Thông tư 36 sớm được ban hành thì tín dụng bất động sản nói chung và cá nhân vay mua nhà sẽ bị thu hẹp”, vị Phó tổng giám đốc ngân hàng trên nhấn mạnh và cho rằng, cần có sự phân loại rủi ro với từng phân khúc bất động sản, từ đó có thể kiểm soát tốt hơn rủi ro tín dụng.
Cũng theo vị Phó tổng giám đốc trên, nhu cầu mua nhà của thị trường Việt Nam hiện nay rất lớn và nếu ngân hàng cho vay đúng với phân khúc này sẽ rất tốt, thúc đẩy được thị trường lao động, thị trường bất động sản.
Theo lãnh đạo nhiều nhà băng, cảnh báo rủi ro đối với tín dụng bất động sản là cần thiết, song điều cần nhất vẫn là làm sao để giảm bớt được hiện tượng đầu cơ trên thị trường này.
Lãnh đạo một ngân hàng đưa ra nhận định, trong năm 2015, thị trường bất động sản sôi động hơn hẳn bối cảnh chung của nền kinh tế, việc cảnh báo bong bóng bất động sản là có cơ sở, nhưng cũng cần xem xét đến một chu kỳ phát triển của một nền kinh tế. Bởi không thể nào phát triển kinh tế mà không cần đến đầu tư cơ sở hạ tầng.
Thị trường bất động sản sôi động sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều ngành khác và cả nền kinh tế. Trong khi đó, cho vay phân khúc mua nhà để ở thì không quá rủi ro với ngân hàng vì người có thu nhập ổn định mới dám đi vay mua nhà.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cũng cho rằng, nhu cầu thực của cá nhân về nhà ở tại các thành phố lớn luôn gia tăng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng tài chính để một lúc mua ngay được nhà, mà phần lớn vẫn phải nhờ đến ngân hàng tài trợ vốn, vay mua trả góp với thời hạn vay từ 10 - 15 năm.
“Những quy định tại dự thảo sửa đổi Thông tư 36 như giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và tăng hệ số rủi ro với các khoản phải đòi bất động sản vô hình trung đã siết lại tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, kể cả cá nhân vay mua nhà”, ông Minh nhận định.