Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đưa ra các quy định khuyến khích sự tham gia của tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước trong hỗ trợ DNNVV. Ảnh: Lê Tiên |
Nguồn nội lực thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế
Tính đến tháng 10/2016, Việt Nam có 590.000 DN đang hoạt động và đang thực hiện các nghĩa vụ thuế (trong tổng số 959.000 DN đã đăng ký kinh doanh). Nếu đạt mục tiêu Việt Nam sẽ có 1 triệu DN thực sự đi vào sản xuất kinh doanh và có thực hiện các nghĩa vụ về thuế vào năm 2020, như vậy, trong vòng 4 năm tới Việt Nam sẽ có thêm 410.000 DN mới được thành lập và thực sự đi vào hoạt động. Các DN này sẽ tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất kinh tế qua chuyển dịch kinh tế ngành.
Ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng Phòng Phát triển DNNVV, Cục Phát triển DN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư – đại diện cơ quan soạn thảo Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV tính toán, hiện quy mô vốn đăng ký bình quân của một DN là 7.5 tỷ đồng/DN thì đến năm 2020 sẽ có ít nhất 3.075 nghìn tỷ đồng (khoảng 136.6 tỷ USD) được đưa vào đầu tư sản xuất kinh doanh. “Nếu con số này được hiện thực hóa trong 4 năm tới cùng với những chính sách hỗ trợ của Luật Hỗ trợ DNNVV, mỗi năm sẽ có khoảng 34,17 tỷ USD được các DN trong nước đăng ký đưa vào sản xuất kinh doanh (chưa bao gồm con số tăng vốn của các DN hiện tại do các chính sách hỗ trợ DNNVV trở nên thuận lợi hơn). Con số này cao gấp 1,5 lần mức vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam năm 2015 và gấp hơn 2 lần vốn FDI thực hiện trong cùng năm và càng có ý nghĩa hơn khi các nguồn lực cho phát triển từ nguồn vốn ODA bị thu hẹp”, ông Khương nhẩm tính. Và theo vị đại diện cơ quan soạn thảo, nguồn nội lực quan trọng này nếu được giải phóng, sẽ góp phần trực tiếp cho việc nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cung ứng dịch vụ, đóng góp trực tiếp vào việc tạo ra sản phẩm và GDP.
Đánh giá cao những nội dung quan trọng của Dự án Luật, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài nhìn nhận: Sau Luật DN, Luật Đầu tư mới được ban hành, ý tưởng xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV là một ý tưởng rất phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay. “Giá mà Luật này được ban hành sớm hơn thì các DNNVV được hỗ trợ sớm hơn, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình được thúc đẩy nhanh hơn”, ông Toàn chia sẻ.
Bước đệm cho doanh nghiệp vươn lên
Đề cập về sự cần thiết phải ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV, ông Toàn nhận xét, đây là Dự án Luật cực kỳ quan trọng. Ông Toàn cho rằng, hầu hết các DN Việt Nam hiện nay là các DN nhỏ và siêu nhỏ, năng lực hạn chế. Do vậy, Luật này ra đời có thể sẽ có được những hỗ trợ giúp DN lớn lên, từ đó cải thiện quy mô DN Việt Nam. Cũng theo ông Toàn, nhiều đề xuất từ cộng đồng DN đã được chấp thuận và đưa vào Dự thảo Luật. Hơn nữa, Dự án Luật có điểm khá mới, có ý nghĩa đối với các DNNVV nói riêng cũng như các DN nói chung là đề cập đến vai trò của các hội và hiệp hội DN. “Đây là lần đầu tiên vai trò của các hiệp hội DN được đưa vào Luật nhằm phản biện chính sách tập trung hơn”.
Cho ý kiến về những quy định hỗ trợ DNNVV trong khía cạnh về vốn tại Dự án Luật, ông Toàn nhận xét, dù hiện nay chúng ta có nhiều chương trình, quy định hỗ trợ về vốn cho DNNVV như các quỹ: Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Quỹ hỗ trợ DNNVV... Tuy nhiên, công tác giải ngân đến tận tay DN hiện vẫn còn khó khăn. Hy vọng rằng, khi Luật ra đời cùng với những hướng dẫn cụ thể, chính sách hỗ trợ DN và công tác giải ngân vốn sẽ tốt lên.
Đại diện cho các DN là nhà thầu, ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Nhà thầu xây dựngViệt Nam đánh giá: Một trong những nội dung đáng lưu ý trong Dự án Luật, đồng thời là nội dung được nhiều nhà thầu đánh giá cao là gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng và gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ có giá gói thầu không quá 3 tỷ đồng do các cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm công chỉ dành cho nhà thầu là các DN nhỏ, siêu nhỏ. Ông Cận cho rằng: “Thực tế là chúng ta đang có nhiều nhà thầu có quy mô nhỏ và vừa có khả năng tham gia các gói thầu như Dự án Luật đề xuất. Và khi các nhà thầu này được hỗ trợ, chắc chắn cơ hội thắng thầu sẽ được tăng lên, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động”.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng cho hay, thống kê thời gian qua của các tổ chức tín dụng cho thấy, nợ xấu của các ngân hàng không phải nằm ở nhóm DNNVV mà nằm ở các “ông lớn”, “các đại gia”. Các chủ DNNVV họ rất trách nhiệm. Vì thế, ông Đông tin tưởng, với cách tiếp cận hỗ trợ toàn diện cho DNNVV như Dự án Luật đề xuất cùng với các chính sách, chương trình hỗ trợ chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế của từng địa phương thì các DNNVV Việt Nam sẽ nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập thành công”.