Kinh tế tư nhân cần báo chí đồng hành để lột xác, lớn lên

(BĐT) - Kinh tế tư nhân (KTTN) ngày càng được khẳng định là có sự đóng góp to lớn và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Nhưng để KTTN tiếp tục lớn lên và trưởng thành hơn theo kỳ vọng mà Đảng và Nhà nước đặt ra, trong thời gian tới, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có sự đồng hành của báo chí.
Báo chí đã lên tiếng cổ vũ mạnh mẽ cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào hạ tầng, cung cấp các dịch vụ công. Ảnh: Hiếu Nguyễn
Báo chí đã lên tiếng cổ vũ mạnh mẽ cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào hạ tầng, cung cấp các dịch vụ công. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chia sẻ như vậy với Báo Đấu thầu khi bàn về vai trò của báo chí đối với phát triển KTTN. 

Thời gian qua, KTTN được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn, các cuộc thảo luận của lãnh đạo các cấp của Quốc hội, Chính phủ. Song song với quá trình đó, KTTN cũng được đề cập, phân tích sâu rộng trên phương tiện truyền thông, đặc biệt là các báo kinh tế. Theo ông, báo chí có đóng góp gì trong việc giúp KTTN được thấu hiểu, đánh giá một cách đúng đắn và ngày càng phát huy được vai trò?

Báo chí có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo lập nên những chính sách quan trọng đối với doanh nghiệp (DN) và kinh tế Việt Nam, đặc biệt là chính sách phát triển KTTN. Phải nói rằng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước bao giờ cũng dựa trên những thông tin từ cuộc sống, từ thực tiễn kinh doanh. Chính các nhà báo là những người cần mẫn, truyền tải hiệu quả nhất thông tin từ cuộc sống, từ thực tiễn kinh doanh.

Những mô hình kinh doanh mới hiệu quả, những mô hình DN tư nhân thành công, những triển vọng ngành nghề tươi sáng..., chúng ta đều nhìn thấy trên báo chí hằng ngày. Chắc chắn những thông tin như vậy cùng với sự mẫn cán, bền bỉ, báo chí đã có công rất lớn trong truyền đạt thông tin về khu vực KTTN.

Ở một chiều hướng ngược lại, bản thân những chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước được báo chí truyền đạt rất thành công, khiến DN và doanh nhân ngày càng yên tâm hơn.

Chẳng hạn như Nghị quyết Trung ương 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là một đột phá trong định hướng phát triển KTTN. Thời gian qua, báo chí đã đưa tin đậm nét về Nghị quyết này, từ đó khích lệ nhiều DN tư nhân, nhà đầu tư tư nhân yên tâm đầu tư.

Hay những mục tiêu tham vọng của Chính phủ trong loạt Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 hoặc Nghị quyết 02/2019..., tất cả đều được báo chí phân tích rất rõ. Trong đó, kế hoạch của Chính phủ muốn đưa Việt Nam đứng trong top 4 nước hàng đầu của khu vực ASEAN về mức độ thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh cũng được báo chí nhắc liên tục.

Một vai trò rất quan trọng nữa của báo chí phải nhắc đến là đã tạo sức ép cho việc thay đổi chính sách và hành vi của công chức nhà nước. Báo chí đã lên tiếng cổ vũ mạnh mẽ cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào hạ tầng, cung cấp các dịch vụ công, thay vì Nhà nước; cổ vũ việc Nhà nước dần thoái vốn ra khỏi những lĩnh vực mà khu vực tư nhân đủ khả năng cung cấp tốt hơn. Báo chí cũng đã gây sức ép để cắt giảm điều kiện kinh doanh, loại bỏ các quy định phiền hà vô lý giúp tạo ra những chính sách thuận lợi trong kinh doanh cho DN tư nhân hoạt động ở nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, báo chí từng góp công lớn trong việc thể chế hóa quyền tự do kinh doanh trong quá trình ban hành và thực hiện Luật DN năm 1999 và nhiều văn bản sửa đổi Luật DN sau này. Báo chí luôn luôn bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do kinh doanh của người dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp, Luật Đầu tư, Luật DN...

Báo chí có vai trò rất to lớn trong việc góp phần xác lập vai trò của DN tư nhân, xóa bỏ định kiến của đông đảo người dân và bộ máy nhà nước về KTTN. Nếu nhìn lại cách đây 10 năm, hình ảnh của những ông chủ DN tư nhân không hề tốt chút nào, được xem như những con buôn, con phe, chủ yếu làm ăn chụp giật, lừa đảo... Thì nay, hình ảnh của họ đã rất khác, được coi trọng. Kết quả đó là nhờ vai trò truyền thông của báo chí, báo chí đã giúp thay đổi nhận thức của nhiều người, điều chỉnh hành vi của nhiều cán bộ công chức nhà nước các cấp. Hiện nay, nếu cán bộ công chức có sự phân biệt đối xử, đối xử không công bằng giữa DN nhà nước và DN tư nhân thì báo chí sẽ lên tiếng phản ánh ngay lập tức.

Có thể nhìn tổng thể, vai trò của báo chí trong chính sách chung về phát triển KTTN, luật pháp, cho đến điều chỉnh hành vi của từng cán bộ công chức nhà nước... là rất đậm nét. 

Kinh tế tư nhân cần báo chí đồng hành để lột xác, lớn lên ảnh 1
Ông Đậu Anh Tuấn
Theo ông, cách thức đề cập và phân tích về KTTN trên báo chí trong thời gian qua đã đúng và đủ chưa?

Để đánh giá tổng thể góc nhìn của báo chí về KTTN đã đúng và đủ chưa thì rất khó, bởi vì còn tùy thuộc vào tôn chỉ, mục đích và năng lực chuyên môn của từng cơ quan báo chí. Nhưng nhìn nhận một cách công bằng, thực tế vẫn còn những bài báo có tình trạng phân biệt đối xử giữa DN tư nhân với DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Vẫn còn bài báo có cách nhìn quy chụp về DN tư nhân như tiểu thương, con buôn... Vẫn có cách đặt vấn đề chưa phù hợp, nặng về phân biệt vai trò của từng thành phần kinh tế... Mặc dù vậy, về cơ bản, bức tranh về KTTN trên báo chí đã có sự thay đổi rất lớn, đang rất tích cực.

Nói đến KTTN chính là nói đến kinh tế của tất cả người dân. Đây là nền tảng quan trọng cho tất cả nền kinh tế quốc gia và các địa phương. Đây là khu vực tạo ra công ăn việc làm nhiều nhất, đóng góp ngân sách và chiếm tỷ trọng GDP ngày càng lớn. Nghị quyết 10 của Đảng tiếp tục đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 2025, khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong nền kinh tế. Báo chí cũng đã dần đi theo những định hướng này.

Chúng ta có thể thấy những câu chuyện cụ thể về những mô hình kinh doanh làm ăn hiệu quả của DN tư nhân, triển vọng của những ngành hàng, doanh nhân kinh doanh tài ba, các tấm gương làm giàu... trên báo chí hàng ngày. Những ngày kỷ niệm quan trọng của doanh nhân như ngày 13/10, các sự kiện tôn vinh doanh nhân hay một số chương trình bình chọn hàng hóa, sản phẩm... đã được báo chí đưa tin đậm nét.

Việc biểu dương, khích lệ những doanh nhân làm ăn tốt và nghiêm túc, cũng như đồng hành với những DN làm ăn vất vả... là vô cùng cần thiết, nhưng không nên quá đà, “tô hồng”, tâng bốc một vài người không đúng với thực lực. Viết về doanh nhân nhưng nếu không phản ánh chính xác thực tế sẽ gây ra sự phản cảm, tạo hiệu ứng phụ, làm cho người dân và đông đảo người tiêu dùng thiếu tin tưởng, có định kiến sai lệch. Theo tôi, báo chí cần bám sát bản chất hoạt động của mình là đảm bảo tính trung thực, chính xác và khách quan. 

Theo ông, KTTN nên được thúc đẩy như thế nào trong giai đoạn hiện nay?

Nghị quyết Trung ương 10 của Đảng đã chỉ rõ, khu vực KTTN ngày càng đóng góp quan trọng hơn trong nền kinh tế, phát triển bền vững hơn.

Được xác định là khu vực kinh tế quan trọng, nhưng thực tế KTTN đang gặp nhiều khó khăn, cản trở trong việc lột xác, lớn lên. Trước tiên, so với DN FDI, DN tư nhân đang có những yếu tố phát triển kém bền vững hơn. Năng lực cạnh tranh, trình độ quản trị của DN tư nhân còn có một khoảng cách khá lớn so với DN nước ngoài. DN tư nhân còn nhiều hạn chế trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Xu hướng quy mô của DN tư nhân ngày càng bé đi... Không những thế, có nơi họ còn bị đối xử bất bình đẳng với các khu vực kinh tế khác trong việc tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn... Chẳng hạn như DN tư nhân trong nước rất khó tiếp cận đất đai trong các khu công nghiệp với diện tích tối thiểu lớn và yêu cầu trả tiền một lần cũng như các hỗ trợ về hạ tầng, mặt bằng mà các địa phương đang dành nhiều cho khu vực FDI.

Nói tóm tại, DN tư nhân còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới, nên rất cần sự đồng hành, chia sẻ của báo chí, nhất là trong vấn đề tháo gỡ các khó khăn trong hoạt động, tuyên truyền cho các DN có ý thức nâng cao trình độ quản trị chuyên nghiệp, hướng tới chuẩn mực cao và để vươn lên phát triển bền vững.

Cảm ơn ông!

Chuyên đề