Không để doanh nghiệp trục lợi chính sách

(BĐT) - Với nguồn lực có hạn như hiện nay, việc hỗ trợ được “phân bổ dàn trải” cho tất cả các DNNVV là không đủ...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu trước Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu trước Quốc hội

Do đó, khi bàn về Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật cần có những quy định rõ ràng về tiêu chí hỗ trợ cho DNNVV, cần hỗ trợ  có trọng tâm, trọng điểm và tập trung cho những DN có tiềm năng phát triển. 

Băn khoăn về tiêu chí “đo” doanh nghiệp?

Theo Điều 2 Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đối tượng áp dụng của Luật là DN thành lập và hoạt động theo quy định của Luật DN, đáp ứng các tiêu chí xác định DNNVV. Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) thì đối tượng áp dụng như vậy là quá rộng, trong khi nguồn lực nhà nước hiện nay là có hạn, không thể hỗ trợ tất cả.

Do đó, để xác định tiêu chí DNNVV, đại biểu Thạch Phước Bình nhất trí với Dự thảo Luật về việc lấy tiêu chí tổng nguồn vốn hoặc tổng số lao động để làm tiêu chí xác định DNNVV. Tuy nhiên, đại biểu này đề nghị giảm tổng nguồn vốn đối với DN thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản xuống (DN nhỏ có tổng vốn từ 10 tỷ đồng trở xuống, thay vì 20 tỷ đồng như Dự thảo Luật; DN vừa từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng, thay vì từ 20 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng như Dự thảo Luật) để phù hợp với thực tế nước ta chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ.

Bày tỏ quan điểm của mình, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chia sẻ câu chuyện trong lĩnh vực ngân hàng. Ông Thắng cho biết, hiện nay trên thế giới, hầu hết các nước đều sử dụng tiêu chí doanh thu là chủ yếu để xác định DNNVV. Ở Việt Nam, đa số các ngân hàng thương mại cũng sử dụng tiêu chí doanh thu khi xem xét cho vay, phân loại là DNNVV hay DN siêu nhỏ.

Do đó, ông Thắng đề nghị, Ban soạn thảo cần xem xét việc xác định DNNVV thông qua tiêu chí doanh thu và sau doanh thu mới là số lượng lao động.

Đại biểu Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) lại bày tỏ quan điểm, tiêu chí phân loại DNNVV cần căn cứ vào nguồn vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán đã được cơ quan thuế phê duyệt quyết toán hoặc xác nhận của cơ quan kiểm toán độc lập. Bởi trên thực tế, rất nhiều DN làm thủ tục vay vốn là để tăng tổng nguồn vốn nhằm bổ sung vốn lưu động cho sản xuất, tuy nhiên các DN trong khu vực này đa phần chỉ vay ngắn hạn hoặc trung hạn. Nếu không chế định các nội dung này dễ dẫn đến lợi dụng chính sách nâng mức nhận hỗ trợ từ DN nhỏ lên DN vừa.

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về tiêu chí phân loại DNNVV, cơ quan soạn thảo đã phân tích và cân nhắc rất nhiều là nên theo doanh thu, nên theo vốn, hay nên theo lao động. Báo cáo doanh thu thay đổi thường xuyên, nhưng vốn và lao động thì rất khó thay đổi. Bên cạnh đó, có một số loại hình sản xuất, kinh doanh, ví dụ như trồng cây công nghiệp lâu năm thì trong 5 năm, 7 năm đầu chưa thể có doanh thu. “Nếu dựa vào doanh thu thì không thể xác định các DN này là DNNVV và nếu không phải là DNNVV thì bản thân DN cũng không thể tiếp cận được các hỗ trợ. Điều này không đúng với mục tiêu của chúng ta là hỗ trợ các DNNVV” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ý kiến.

Loại trừ những doanh nghiệp trục lợi

“Các nguyên tắc này cũng đã được xác định rõ và việc hỗ trợ không phải là hỗ trợ những thứ Nhà nước có, Nhà nước muốn, mà hỗ trợ những DN cần; cũng không phải hỗ trợ trực tiếp cho DN, mà hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức cung cấp dịch vụ cho DN. Các DN được hưởng lợi thông qua dịch vụ công đó thì càng có lợi và khả thi”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, việc hỗ trợ DNNVV là cần thiết, nhưng vấn đề là khối DN này khi được hỗ trợ phải phát triển, chứ không chỉ là hỗ trợ để rồi ổn định và nằm im không chịu lớn lên. Do vậy, Luật cần có những quy định rõ hơn, cụ thể hơn về trách nhiệm của DN khi nhận được hỗ trợ. “Việc lợi dụng chính sách hỗ trợ để trục lợi là vi phạm pháp luật, việc nhận hỗ trợ để hưởng thụ mà không chịu lớn lên cũng cần phải loại trừ, cho nên cần có những quy định để điều chỉnh việc này theo hướng là có sự giới hạn của Nhà nước. Nên bổ sung thêm những vấn đề này để Luật được đầy đủ, chặt chẽ” - đại biểu Tám đề nghị.

Trong điều kiện thực tế hiện nay, đại biểu Lê Văn Sỹ (Thanh Hóa) chia sẻ, có nhiều DNNVV mới được khai sinh, nhưng cũng không ít DN nhanh chóng bị khai tử. Đó là vấn đề rất đáng quan tâm để Dự thảo Luật đưa ra các quy định cụ thể nhằm gắn trách nhiệm của đối tượng DN này. “Những người đứng đầu phải rất minh bạch, rõ ràng về vấn đề hạch toán, đồng nhất về số liệu báo cáo tài chính cho cơ quan thuế, ngân hàng và kiểm toán... Điều này sẽ góp phần khắc phục tình trạng lợi dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ lãi suất của các DNNVV” - ông Sỹ nhấn mạnh.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh quan điểm, Ban soạn thảo và Chính phủ đã xác định nguyên tắc hỗ trợ DNNVV phải không vi phạm các nguyên tắc thị trường, không vi phạm các cam kết thực tế và phù hợp với khả năng của ngân sách trong từng thời kỳ.“Các nguyên tắc này cũng đã được xác định rõ và việc hỗ trợ không phải là hỗ trợ những thứ Nhà nước có, Nhà nước muốn, mà hỗ trợ những DN cần; cũng không phải hỗ trợ trực tiếp cho DN, mà hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức cung cấp dịch vụ cho DN. Các DN được hưởng lợi thông qua dịch vụ công đó thì càng có lợi và khả thi”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư