Bộ máy sau sắp xếp sẽ giảm 13 tổng cục, 519 cục, 219 vụ, 3.303 chi cục…
Tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan sau khi sắp xếp dự kiến sẽ giảm tới 13 tổng cục, 519 cục, 219 vụ, 3.303 chi cục, 203 đơn vị sự nghiệp công lập…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp |
Chiều 13/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ về "tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" chủ trì Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo.
Báo cáo tại phiên họp cho biết, bộ máy của Chính phủ sau khi sắp xếp dự kiến có 22 bộ, cơ quan, gồm 17 bộ, cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ, cơ quan) và 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan).
Về tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan, dự kiến sẽ giảm tới hơn 4.250 đầu mối, trong đó, giảm 100% tổng cục, giảm gần 86% cục và tổ chức tương đương; giảm hơn 54% vụ và tương đương; giảm gần 92% chi cục và tương đương. Cụ thể, dự kiến giảm 13/13 tổng cục, 519 cục, 219 vụ, 3.303 chi cục, 203 đơn vị sự nghiệp công lập (các số liệu này chưa tính việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng).
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng rà soát, dự kiến sẽ cắt giảm thêm một số tổng cục, cục, vụ viện. Bộ Công an đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện Đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy công an địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh lại nguyên tắc không bỏ các chức năng, nhiệm vụ trong các ngành, lĩnh vực, mà chỉ sắp xếp lại để các ngành, cơ quan hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhất, gắn việc tinh gọn bộ máy với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tiếp tục rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền về sắp xếp các đơn vị, cơ quan theo kết luận, chủ trương, định hướng của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ.
Đối với việc sắp xếp tổ chức hệ thống cơ quan thanh tra, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần thiết phải tổ chức, sắp xếp lại để hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn. Trong đó, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu phương án sắp xếp các cơ quan chuyên môn thanh tra ở các cấp phù hợp để phát huy hiệu quả cao nhất, giảm khâu trung gian, bảo đảm tính thống nhất và độc lập trong thực thi công vụ.
Đề xuất không tổ chức HĐND quận, phường ở cả nước
Bộ Nội vụ đề xuất không tổ chức HĐND cấp quận, phường để giảm đầu mối trung gian, tiết kiệm ngân sách, bảo đảm các chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính được thông suốt.
Quốc hội phải ban hành các Nghị quyết riêng biệt để quy định tổ chức chính quyền đô thị cho Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng |
Đề xuất được nêu trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, đang được Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ.
Bộ Nội vụ cho rằng, ở khu vực đô thị gồm quận, thành phố thuộc tỉnh; phường thuộc quận; phường, xã của thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, không cần thiết tổ chức HĐND. Những đơn vị hành chính này chỉ tổ chức UBND, hoạt động theo cơ chế thủ trưởng hành chính và trực thuộc UBND cấp trên. Chủ tịch và các phó chủ tịch UBND sẽ do chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm.
Ngược lại, đối với khu vực nông thôn, bao gồm tỉnh, huyện, xã, thị trấn (ngoại trừ xã thuộc thành phố thuộc tỉnh và xã thuộc thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương), Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức đầy đủ cấp chính quyền địa phương gồm cả HĐND và UBND.
Theo Bộ Nội vụ, việc tổ chức chính quyền địa phương hiện nay bộc lộ một số bất cập, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện hành chưa thực sự phù hợp với đặc thù của địa bàn đô thị, dẫn đến việc Quốc hội phải ban hành các Nghị quyết riêng biệt để quy định tổ chức chính quyền đô thị cho Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng. Một điểm chung trong các nghị quyết này là đều quy định không tổ chức HĐND cấp quận, phường.
Trên phạm vi cả nước, phần lớn các đơn vị hành chính vẫn tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm cả HĐND và UBND. Điều này khiến bộ máy chính quyền địa phương các cấp cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chưa đáp ứng được mục tiêu tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Nhằm bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ cũng đề xuất nguyên tắc xác định số lượng đại biểu HĐND trên cơ sở quy mô dân số, đặc điểm vùng miền và điều kiện kinh tế xã hội của từng địa bàn. UBND hoạt động theo chế độ tập thể kết hợp với trách nhiệm cá nhân của chủ tịch UBND và từng thành viên. Ngoài ra, dự Luật hướng đến mở rộng thẩm quyền riêng của chủ tịch UBND; bổ sung quy định về giao phụ trách, điều hành hoạt động của UBND (trong thời gian khuyết chủ tịch UBND và chưa giao quyền chủ tịch UBND) nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Dự án Luật này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp bất thường tháng 2.
Hà Nội và Hội An là điểm đến tốt nhất thế giới 2025
Hà Nội và Hội An lọt top 25 điểm đến tuyệt vời nhất trên thế giới do Tripadvisor công bố.
Hội An có nhiều điểm tham quan cũng như hoạt động thú vị cho du khách trải nghiệm |
Tripadvisor đã công bố top 25 điểm đến tuyệt vời nhất trên thế giới. Đây là những cái tên nằm trong hạng mục "Best of the Best" thuộc khuôn khổ giải thưởng Travelers' Choice Awards do chính người dùng trên nền tảng du lịch này bình chọn.
Không chỉ tôn vinh địa điểm du lịch độc đáo, đây là danh sách gợi ý tiềm năng cho người yêu xê dịch trên khắp thế giới.
Việt Nam có 2 thành phố lọt vào danh sách là Hà Nội và Hội An. Hà Nội đứng ở vị trí thứ 7, được đánh giá cao vì vừa có sự nhộn nhịp, hiện đại, trẻ trung của một thành phố đang phát triển, vừa giữ được nét hoài cổ, xưa cũ với di tích, kiến trúc văn hóa lịch sử lâu đời.
Ngoài những điểm đến nổi tiếng như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Di tích Nhà tù Hỏa Lò..., Tripadvisor nhấn mạnh, Hà Nội có nhiều hồ, công viên rợp bóng mát, với không gian khoáng đạt để người dân và du khách hòa mình vào thiên nhiên. Ngoài ra, những ngôi đền, chùa hàng trăm năm tuổi cũng là điểm khám phá lý tưởng cho du khách nước ngoài.
Trong khi đó, Hội An được xếp thứ 11 trong danh sách, được yêu thích nhờ giữ trọn kiến trúc, không khí, nếp sống... hoài cổ, xưa cũ.
Đến Hội An, du khách có thể tham quan những di tích như Chùa Cầu, miếu Quan Công, trải nghiệm ngồi thuyền và thả đèn hoa đăng trên sông Hoài thơ mộng. Đặc biệt, dịch vụ may đo quần áo cấp tốc tại đây cũng khiến khách nước ngoài ấn tượng vì nhanh, đẹp, giá thành rẻ.
Theo Sở Du lịch TP. Hà Nội, Thành phố đã đón hơn 6 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, con số này ở Hội An là 3,5 triệu, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Trong danh sách do Tripadvisor công bố bao gồm nhiều địa điểm quen thuộc nổi tiếng khác như London (Anh), Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất), Paris (Pháp)...
Ngoài ra, Thủ đô Hà Nội còn xếp thứ 2 trong tiểu mục Top 10 điểm đến văn hóa toàn cầu. Hội An xếp thứ 4 trong tiểu mục Top 10 điểm đến trăng mật toàn cầu năm 2025.
Trước đó, hồi tháng 1/2024, Tripadvisor cũng vinh danh Hà Nội ở hạng mục Điểm đến hàng đầu thế giới 2024 và Điểm đến ẩm thực 2024.
Cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Nguyễn Đức Thái nhận hối lộ 25 tỷ đồng
Ông Nguyễn Đức Thái - cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục bị xét xử cùng 7 người khác, do cáo buộc nhận 25 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 2 doanh nghiệp trúng thầu.
Ông Nguyễn Đức Thái và Nguyễn Thị Thanh Thủy - cựu Trưởng Ban Kế hoạch Marketing Nhà xuất bản Giáo dục |
Theo quyết định, ngày 14/1, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử 8 bị cáo trong vụ án "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (viết tắt là NXB Giáo dục).
Trong đó, bị cáo Nguyễn Đức Thái - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), cựu Giám đốc NXB Giáo dục, bị xét xử về tội "Nhận hối lộ". Bị cáo Tô Mỹ Ngọc - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Nguyễn Trí Minh - cựu Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát, cùng bị xét xử về tội "Đưa hối lộ".
5 bị cáo khác là các cựu lãnh đạo, nhân viên NXB Giáo dục gồm: Nguyễn Thị Thanh Thủy - cựu Trưởng Ban Kế hoạch Marketing; Đinh Quốc Khánh - cựu Phó trưởng Phòng in, Phát hành NXB Giáo dục Hà Nội - thời điểm phạm tội đang làm việc tại NXB Giáo dục; Phạm Gia Thạch - cựu Thành viên HĐTV; Hoàng Lê Bách và Lê Hoàng Hải - đều là cựu Phó Tổng Giám đốc bị xét xử về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 4 ngày.
Theo cáo trạng, từ năm 2017 - 2021, ông Thái có hành vi trao đổi, thỏa thuận, thống nhất, để tạo điều kiện cho Công ty Phùng Vĩnh Hưng, Công ty CP Giấy CP trúng 13 gói thầu, gói mua sắm giấy in trị giá hơn 2.156 tỷ đồng.
Từ năm 2017 - 2020, ông Thái thỏa thuận với ông Nguyễn Trí Minh, Giám đốc Công ty Minh Cường Phát để công ty này trúng 5 gói thầu, gói mua sắm cung cấp giấy in trị giá hơn 209 tỷ đồng.
Để nhận hối lộ, năm 2017, ông Thái đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu; tạo điều kiện đưa Công ty Phùng Vĩnh Hưng, Công ty Minh Cường Phát vào danh sách ngắn các nhà thầu được nhận yêu cầu báo giá và hồ sơ yêu cầu đối với các gói thầu mua sắm năm 2018 - 2021.
Qua đó, Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Công ty Minh Cường Phát được trúng thầu và ông Nguyễn Đức Thái đã nhận gần 25 tỷ đồng từ hai doanh nghiệp trên…
Hành vi của các bị can Nguyễn Đức Thái, Hoàng Lê Bách, Lê Hoàng Hải, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phạm Gia Thạch và Đinh Quốc Khánh đã gây thiệt hại cho NXB Giáo dục số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Ông Lê Đức Thọ được trả lại 97 miếng vàng và 133 sổ tiết kiệm
Cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ được HĐXX TAND TP.HCM trả lại 97 miếng vàng và 133 sổ tiết kiệm do không liên quan vụ án, nhưng bị buộc nộp lại hàng chục tỷ đồng.
Bị cáo Lê Đức Thọ tại phiên tòa sơ thẩm. |
TAND TP.HCM công bố bản án sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.
Theo bản án, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cựu Chủ tịch Ngân hàng VietinBank Lê Đức Thọ bị tuyên tổng mức án 28 năm tù về 2 tội danh Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác.
Ông Thọ bị buộc nộp lại 1,47 triệu USD và 300 triệu đồng, tiếp tục bị tạm giữ hơn 440.000 USD, 25,6 tỷ đồng và một sổ tiết kiệm để đảm bảo thi hành án.
Tòa cũng quyết định tịch thu, nộp ngân sách nhà nước 1 ôtô Mercedes Benz S450 (trị giá khoảng 6,6 tỷ đồng) và 5 chiếc đồng hồ hiệu Patek Philippe, trong đó có 1 chiếc trị giá 421.000 USD (gần 10 tỷ đồng). Đây là những tài sản ông Thọ nhận từ chủ Công ty Xuyên Việt Oil khi còn đương chức.
Tuy nhiên, ông Thọ được trả lại 97 miếng vàng và 133 sổ tiết kiệm do không liên quan đến vụ án.
Đối với bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Xuyên Việt Oil, HĐXX xác định, từ năm 2016 đến 2022, dù Công ty không đủ điều kiện cấp phép xuất nhập khẩu xăng dầu, bà Hạnh vẫn tìm cách tiếp cận và nhờ cậy sự giúp đỡ từ các quan chức Bộ Công Thương. Bà đã 22 lần đưa hối lộ cho 8 cá nhân với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng.
Trong quá trình điều hành công ty, bà Hạnh chỉ đạo cấp dưới không trích lập và nộp Quỹ bình ổn giá xăng dầu, gây thất thoát 219 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo lập báo cáo đầy đủ về khoản thuế bảo vệ môi trường trị giá 1.244 tỷ đồng, nhưng không nộp mà sử dụng cho mục đích cá nhân, dẫn đến thất thoát lớn.
Tòa tuyên phạt bà Hạnh 19 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và 11 năm tù về tội Đưa hối lộ, tổng hợp hình phạt 30 năm tù - mức cao nhất đối với hình phạt tù có thời hạn. Đồng thời, bà bị buộc bồi thường tổng cộng hơn 1.700 tỷ đồng.
Nhiều cán bộ thuộc Bộ Công Thương và Cục Thuế TP.HCM được xác định đã bị bà Hạnh mua chuộc hoặc tác động trong quá trình điều hành công ty.
Hoàn thành nâng cấp đê Yên Nghĩa trong năm 2025
Với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, tuyến đường đê Yên Nghĩa sẽ được mở rộng từ 4 m lên 9 m, trong đó 7 m dành cho lòng đường xe chạy.
Mặt đường đê Yên Nghĩa hư hỏng nặng, gây cản trở và ảnh hưởng lớn đến giao thông. |
Thông tin về tiến độ nâng cấp đê Yên Nghĩa, ông Đặng Ngọc Thư, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông cho biết, hiện tại, mặt đường đê Tả Đáy chỉ rộng hơn 4 m. Với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, tuyến đường sẽ được mở rộng lên 9 m, trong đó 7 m dành cho lòng đường xe chạy.
Dự án cũng sẽ bao gồm hệ thống lề đường hai bên và đèn chiếu sáng. Mục tiêu giúp giảm tối đa tai nạn giao thông. Đồng thời, đảm bảo lưu thông thông suốt, an toàn, kết nối đồng bộ với tuyến quốc lộ 6. Dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế và đi lại.
Theo ông Thư, Dự án được yêu cầu hoàn thành trước ngày 31/12/2025. Do tuyến đường thi công xen kẽ nhiều đoạn có phương tiện lưu thông, công tác phân luồng, cảnh báo và vệ sinh môi trường đang được chú trọng.
Đặc biệt, trong thời gian cao điểm từ nay đến Tết Nguyên Đán, khi mật độ giao thông tăng cao, những biện pháp này càng trở nên cấp thiết. Các tổ đội thi công đang hoạt động trên toàn phạm vi công trường. Nhà thầu đặt mục tiêu trước Tết Nguyên Đán sẽ đạt ít nhất 10% khối lượng công việc.
Trước đó, đầu tháng 12/2024, quận Hà Đông đã khởi công dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đê Tả Đáy với chiều dài 5,6km, đi qua hai phường Yên Nghĩa và Đồng Mai. Tuyến đường đê Yên Nghĩa đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường hư hỏng nặng, gây cản trở và ảnh hưởng lớn đến giao thông. Sau một số sự cố sạt lở, chính quyền phải cấm phương tiện lưu thông trên đoạn đê Tả Đáy.
Nhiều sai sót trong việc sử dụng nguồn kinh phí đầu tư ở Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La
Quá trình sử dụng nguồn kinh phí đầu tư và nguồn kinh phí cải tạo sửa chữa do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La và các đơn vị trực thuộc Sở này làm chủ đầu tư, cơ quan Thanh tra phát hiện có những sai sót, với tổng số tiền gần 260 triệu đồng.
Nhiều công trình đầu tư xây dựng, cải tạo sửa chữa trường, lớp học trong năm 2023 - 2024 đã được bàn giao đưa vào sử dụng |
Theo Kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đầu tư và nguồn kinh phí cải tạo sửa chữa do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La và các đơn vị trực thuộc làm chủ đầu tư mà Thanh tra tỉnh Sơn La vừa công bố, trong quá trình thực hiện, Sở này và các đơn vị trực thuộc đã có những sai sót, với tổng số tiền gần 260 triệu đồng.
Cụ thể, trong thời kỳ thanh tra (năm 2023 - 2024), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La và các đơn vị trực thuộc đã thực hiện 97 dự án, công trình đầu tư xây dựng, cải tạo sửa chữa trường, lớp học, với tổng giá trị dự toán được phê duyệt hơn 516 tỷ đồng. Kết quả thanh tra cho thấy, quá trình triển khai thực hiện dự án, Sở và các đơn vị trực thuộc đã cơ bản chấp hành đúng các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, trong việc chấp hành thủ tục và dự toán chi phí xây dựng, Sở và các đơn vị trực thuộc còn có những tồn tại, khuyết điểm, như: trong sử dụng nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, cải tạo sửa chữa trường, lớp học, Sở và các đơn vị trực thuộc chưa thực hiện đủ thủ tục trong đầu tư xây dựng; việc thương thảo, ký kết và thực hiện hợp đồng xây lắp các dự án, công trình thì chủ đầu tư và nhà thầu không thực hiện rà soát bảng khối lượng công việc theo hồ sơ thiết kế; công tác nghiệm thu, thanh toán còn có sai sót ở một số hạng mục công việc tại một số dự án, công trình, với tổng số tiền 245.930.488 đồng (trong đó, Sở 5 dự án, công trình, số tiền gần 101,5 triệu đồng; các đơn vị trực thuộc Sở 12 công trình, số tiền hơn 144,4 triệu đồng).
Trong mua sắm trang thiết bị, 2 năm 2023 và 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã triển khai 35 gói thầu mua sắm trang thiết bị với tổng kinh phí gần 170 tỷ đồng, nhưng chỉ mới giải ngân được 75,6 tỷ đồng; 2 gói thầu lớn mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu (lớp 4, lớp 8, lớp 11 và lớp 5, lớp 9, lớp 12) với tổng giá trị lên tới 89,42 tỷ đồng đang bị chậm tiến độ triển khai…
Công ty Dowaco ở Đồng Nai bị phạt 120 triệu đồng vì khai thác nước "chui"
Công ty Dowaco đã có hành vi vi phạm "Khai thác, sử dụng nước mặt cho mục đích kinh doanh của mình mà không có giấy phép khai thác, bị Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định xử phạt 120 triệu đồng.
Công ty CP Cấp nước Đồng Nai bị xử phạt 120 triệu đồng do khai thác nước "trộm" |
Theo quyết định xử phạt của UBND tỉnh Đồng Nai, từ năm 2022, Công ty CP Cấp nước Đồng Nai (Dowaco) có trụ sở tại số 48, đường Cách mạng tháng Tám, phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa, Đồng Nai do bà Phạm Thị Hồng làm Giám đốc đã khai thác, sử dụng nước mặt tại Nhà máy Nước Vĩnh An vào mục đích kinh doanh từ năm 2022 đến nay với lưu lượng khai thác 5.017 m3/ngày đêm (lưu lượng cao nhất vào ngày 31/1/2022), nhưng không có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định.
Căn cứ vào Điểm c khoản 7 Điều 9 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai xử phạt Công ty Dowaco với số tiền 120 triệu đồng.
Quyết định trên được giao cho bà Phạm Thị Hồng là người đại diện của tổ chức bị xử phạt có tên tại Quyết định này để chấp hành. Tổ chức có tên tại quyết định phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt này.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thi hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty CP Cấp nước Đồng Nai và theo dõi việc chấp hành của Công ty.