Không còn ưu đãi thuế, làm gì để giữ “đại bàng”?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Việt Nam ủng hộ và tham gia một cách thiết thực, hiệu quả quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC). Đồng thời, để giữ sức hút với các nhà đầu tư lớn, Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu về những hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế TTTC nhằm bảo đảm sức cạnh tranh, hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.
Các chính sách hỗ trợ đầu tư trong trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu sẽ hướng tới những dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao… Ảnh: Lê Tiên
Các chính sách hỗ trợ đầu tư trong trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu sẽ hướng tới những dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao… Ảnh: Lê Tiên

Nhà đầu tư chờ đợi

Theo Bộ KH&ĐT, thuế TTTC được áp dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn FDI toàn cầu, trong đó các nước thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thông qua các ưu đãi thuế như Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút vốn FDI và tác động đến kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án hiện hữu.

Trên thực tế, số liệu thu hút đầu tư nước ngoài 7 tháng đầu năm 2023 cho thấy có tín hiệu các tập đoàn, nhà đầu tư lớn đang thận trọng đối với hoạt động đầu tư mới cũng như kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư Hàn Quốc như Samsung, SK, một số đối tác gia công sản xuất của Apple và các nhà đầu tư Nhật Bản cũng bày tỏ quan ngại về khả năng mất đi sự hấp dẫn của môi trường đầu tư nếu Việt Nam không có những quyết sách phù hợp để triển khai và ứng phó với các tác động của thuế TTTC.

Qua thống kê sơ bộ, Bộ KH&ĐT cho biết, cập nhật đến tháng 3/2023, có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD (trong đó có 25 dự án trên 1 tỷ USD; 18 dự án từ 500 triệu đến 1 tỷ USD…) hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thấp hơn 15%. Tuy chỉ chiếm khoảng 1% số dự án, nhưng tổng vốn đăng ký của các dự án loại này chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam. Với việc hưởng các ưu đãi thuế TNDN thấp hơn mức 15%, đây là các dự án có khả năng sẽ bị ảnh hưởng do thuế TTTC chỉ áp dụng cho các DN có doanh thu hợp nhất toàn cầu trên 750 triệu Euro.

Đại diện một số tập đoàn toàn cầu tại Việt Nam như Samsung, Canon, Foxconn cho biết, việc áp dụng thuế TTTC sẽ tác động trực tiếp đến sức cạnh tranh của DN. DN rất quan tâm đến các giải pháp cụ thể khi áp dụng thuế TTTC của Chính phủ Việt Nam để quyết định các kế hoạch đầu tư, phân bổ đóng thuế, trong đó đặc biệt quan tâm chính sách bất hồi tố. Pháp luật về đầu tư của Việt Nam luôn nhất quán nguyên tắc bất hồi tố đối với các ưu đãi đầu tư đã được cấp, hoặc đã cam kết với nhà đầu tư khi bắt đầu triển khai dự án tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT, cho rằng, nếu không bảo đảm chính sách bất hồi tố và ổn định chính sách thì niềm tin với nhà đầu tư mà Chính phủ Việt Nam xây dựng hơn 30 năm nay sẽ bị lung lay.

Giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp được xây dựng trên tinh thần hài hòa lợi ích của các bên, khuyến khích nhà đầu tư hiện hữu cũng như nhà đầu tư mới. Ảnh: Lê Tiên

Giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp được xây dựng trên tinh thần hài hòa lợi ích của các bên, khuyến khích nhà đầu tư hiện hữu cũng như nhà đầu tư mới. Ảnh: Lê Tiên

Chính sách ưu đãi ngoài thuế hài hòa lợi ích hai bên

Hiện nay hầu hết các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… đã có động thái rõ ràng về kế hoạch triển khai quy tắc thuế TTTC. Đồng thời, các quốc gia cạnh tranh thu hút FDI với Việt Nam trong khu vực đã và đang nghiên cứu, ban hành những hình thức ưu đãi đầu tư mới, vượt trội nhằm bảo đảm lợi thế cạnh tranh, duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Trong đó, Thái Lan - đối thủ lớn của Việt Nam, dự kiến xây dựng gói pháp lý chính sách gồm ưu đãi thuế nội địa, mức thuế tối thiểu trong nước và các quy định hỗ trợ đầu tư như hỗ trợ chi phí phát triển hạ tầng, trợ giá điện trong năm 2023.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Chính phủ nêu rõ, việc nghiên cứu, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế TTTC là cần thiết nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ DN không trái với quy định và cam kết quốc tế trên tinh thần hài hòa lợi ích của các bên, khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu cũng như các nhà đầu tư mới, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các DN.

Bộ KH&ĐT cho rằng, xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư cần có tính chọn lọc, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư, ưu tiên dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao… Đồng thời, tác động tối thiểu đến ngân sách nhà nước; phù hợp với quy tắc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm khả thi, dễ thực hiện.

Bên cạnh đó, nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng chia sẻ, dù chính sách ưu đãi thuế là rất quan trọng trong thu hút đầu tư, nhưng yếu tố quan trọng hơn là tiềm năng tăng trưởng, quy mô thị trường, môi trường đầu tư của Việt Nam.

Theo ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Chính phủ cần nhanh chóng chuyển từ cơ chế ưu đãi thuế sang tạo môi trường đầu tư thuận lợi, giảm chi phí không chính thức, chi phí logistic, có cam kết mạnh mẽ để nhà đầu tư tin tưởng.

Đánh giá cao lợi thế cạnh tranh, định hướng thu hút mới của Việt Nam, Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cho rằng, nếu mặt bằng thuế bằng nhau, là nhà đầu tư, ông vẫn chọn Việt Nam. Việt Nam cần tiếp tục có giải pháp để thu hút vào những lĩnh vực ưu tiên là chuyển đổi số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững... để tạo ra sức hút mới đối với nhà đầu tư.

Chuyên đề