Thuế tối thiểu toàn cầu: Bài toán mới trong hội nhập quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài bởi những lợi thế về môi trường chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, lực lượng lao động dồi dào với chi phí cạnh tranh so với các nước trong khu vực... Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại quan trọng và tham gia hợp tác kinh tế khu vực. Các hoạt động giao thương, hợp tác đầu tư quốc tế ngày càng kết nối Việt Nam với toàn cầu…
Nhiều nước có nguồn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore… đang chuẩn bị áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều nước có nguồn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore… đang chuẩn bị áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên

Vị thế Việt Nam trong thu hút đầu tư quốc tế

Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế cùng với nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, Việt Nam không chỉ xây dựng được uy tín, vị thế của mình mà còn từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 506,83 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Quý I/2023, khối doanh nghiệp FDI đạt tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 59,06 tỷ USD, chiếm 74,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; tổng kim ngạch nhập khẩu 48,7 tỷ USD, chiếm 65,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2022, Việt Nam thu hút gần 27,72 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19. 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD; Nhật Bản đứng thứ 3 với hơn 4,78 tỷ USD; tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…

Năm 2023, lũy kế đến 20/4, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 8,88 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm 2023, có 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 2,2 tỷ USD; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 2 tỷ USD; Trung Quốc đứng thứ 3 với gần 752 triệu USD. Tiếp theo là Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc…

Tuy nhiên, hiện nay quy tắc thuế suất tối thiểu toàn cầu đang đặt ra bài toán mới cho Việt Nam trên bước đường hội nhập. Loại hình thuế mới sẽ tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước; nhà đầu tư; thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Thuế suất tối thiểu toàn cầu là một bước đột phá lớn trong chính sách thuế quốc tế. Nội dung này nằm trong Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận. Theo đó, các công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu EUR (tương ứng khoảng 19.500 tỷ đồng) trở lên sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Mục đích là để ngăn chặn các công ty chuyển lợi nhuận sang các quốc gia có mức thuế thấp và tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp toàn cầu.

Chủ động ứng phó với thách thức mới

Tính đến ngày 15/12/2022, có 21 nước EU và một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản đã thông qua kế hoạch áp dụng thuế suất tối thiểu 15% từ năm 2024. Bên cạnh đó, Indonesia, Malaysia, Hồng Kông, Trung Quốc cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Singapore dự kiến áp dụng từ năm 2025. Các nền kinh tế trên đều là những nước có nguồn đầu tư lớn vào Việt Nam.

Bên cạnh những lợi ích tiềm năng như giảm tình trạng trốn thuế, chuyển dịch lợi nhuận, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp, quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu đang đặt ra một số thách thức đối với Việt Nam.

Thứ nhất, ngân sách nhà nước có nguy cơ bị giảm nguồn thu thuế và nhà đầu tư bị ảnh hưởng tới lợi nhuận do Việt Nam dùng công cụ ưu đãi thuế để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Mức thuế thực tế đối với các doanh nghiệp FDI hiện nay ở Việt Nam là 12,3%, trong đó một số tập đoàn lớn có mức thuế từ 2,75% đến 5,95%, thấp hơn rất nhiều so với thuế suất tối thiểu toàn cầu là 15%.

Thứ hai, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị tăng chi phí hoạt động do thực hiện thuế suất tối thiểu toàn cầu. Họ phải dành nhiều thời gian và nguồn lực hơn để thực hiện tuân thủ các quy tắc mới. Ngân sách nhà nước sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí cho các việc hệ thống hóa, cập nhật các luật và quy định về thuế cũng như đầu tư cho hệ thống quản lý và các nguồn lực bổ sung để thực thi việc tuân thủ mức thuế tối thiểu toàn cầu.

Thứ ba là rủi ro giảm đầu tư nước ngoài do nhà đầu tư bị tăng chi phí vì có khả năng bị áp thuế hai lần, trong trường hợp hệ thống thuế của Việt Nam không phù hợp với quy tắc thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Đứng trước những thách thức và rủi ro tiềm ẩn nêu trên, Việt Nam cần đưa ra các quyết định chính sách, chiến lược cũng như kế hoạch hành động để ứng phó với những thay đổi khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.

Trước hết, cần phân tích số liệu đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (chi tiết về các công ty và quốc gia xuất xứ), gồm: tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài theo từng ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, trong đó chi tiết các loại hình đầu tư (vốn góp, vốn vay…); tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài vào từng ngành, lĩnh vực; mức thuế suất thực tế mà nhà đầu tư nước ngoài đang nộp trong từng ngành, lĩnh vực, bao gồm chi tiết về các ưu đãi hoặc miễn trừ thuế được áp dụng; tác động tiềm ẩn của thuế suất tối thiểu toàn cầu đối với từng ngành, lĩnh vực.

Thứ hai, cần xem xét các yếu tố, gồm: tốc độ tăng trưởng dự kiến của nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn; khả năng đa dạng hóa/bổ sung nguồn thu thuế trong nước; mức độ đầu tư trong nước hoặc ngành, lĩnh vực đầu tư khác có khả năng lấp đầy khoảng trống nếu có một bộ phận nhà đầu tư dịch chuyển sang quốc gia khác. Từ đó chủ động xây dựng chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần rà soát, xem xét lại các ưu đãi về thuế để bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế. Kết hợp với điều chỉnh, sửa đổi, cập nhật các luật, quy định về thuế, bảo đảm đồng bộ với hệ thống thuế của các nước và khung thuế suất tối thiểu toàn cầu. Nâng cao hệ thống quản lý thuế, hướng đến đơn giản hóa quy định, thủ tục, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Đồng thời, tích cực tham gia các cuộc thảo luận, đàm phán quốc tế trong quá trình xây dựng khung thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Tựu chung lại, để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần xem xét những thách thức một cách kỹ lưỡng, dựa trên kết quả phân tích dữ liệu chính xác. Từ đó đưa ra những cơ chế, chính sách thích ứng với sự thay đổi của hệ thống thuế suất tối thiểu toàn cầu, vượt qua các rào cản để tiếp tục duy trì khả năng cạnh tranh và sức hút đối với dòng vốn FDI.

Chuyên đề