Khơi thông dòng vốn đầu tư vào năng lượng sạch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hướng tới xây dựng ngành năng lượng bền vững, Việt Nam đã và đang thực hiện chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, sạch. Các cơ chế, chính sách khuyến khích được ban hành gần đây bước đầu tạo động lực thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tiến trình đầu tư còn không ít “nút thắt” cần tháo gỡ.
Đang có những khoảng trống về cơ chế, chính sách đầu tư phát triển năng lượng sạch
Đang có những khoảng trống về cơ chế, chính sách đầu tư phát triển năng lượng sạch

Sớm có khung pháp lý ổn định cho phát triển năng lượng tái tạo

Ông Nguyễn Bá Sản, đại diện Ban Quản lý năng lượng Tập đoàn T&T

Phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn, đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, cũng như Nghị quyết số 140/NQ-CP của Chính phủ. Từ đó, nguồn điện mặt trời và điện gió gia tăng nhanh chóng trong các năm gần đây. Tuy nhiên, sau ngày 1/1/2021 gần như điện mặt trời không phát triển, sau ngày 1/11/2021 điện gió gần như “án binh bất động” cho thấy cơ chế chính sách chưa liên tục, đang bị đứt gãy và gián đoạn.

Đến nay vẫn chưa có chính sách giá điện nên chưa có môi trường ổn định lâu dài làm cơ sở cho các nhà đầu tư đánh giá chi phí, hiệu quả của dự án đầu tư. Việc chưa có cơ chế áp dụng nối tiếp đã gây khó khăn cho nhà đầu tư trong dài hạn. Đây là một điểm nghẽn khiến cho năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ thì gần như yên ắng.

Rất mong Nhà nước nhanh chóng ban hành các chính sách hướng tới tạo môi trường đầu tư ổn định, lâu dài làm cơ sở có thể dự đoán/mô phỏng được vấn đề chi phí, phân tích, đánh giá tính kinh tế cũng như xem xét dòng doanh thu của dự án, đặc biệt là các dự án đã đầu tư, xây dựng nhưng mới đưa vào vận hành thương mại một phần…

Ưu đãi về giá, lãi suất quyết định sự bền vững của dự án năng lượng sạch

TS. Nguyễn Mạnh Hiến, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam

Mặc dù đã có nhiều chủ trương, quyết sách nhằm phát triển năng lượng sạch nhưng đây vẫn là lĩnh vực khá mới mẻ, nhiều rủi ro đối với các nhà đầu tư. Đối với năng lượng sinh khối, các dự án điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối có hệ số công suất cao nhưng đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế. Để thúc đẩy phát triển cần có cơ chế, chính sách ưu tiên về giá điện, lãi suất vốn vay.

Riêng đối với điện gió, cần đẩy mạnh phát triển các dự án ngoài khơi, nơi có tốc độ gió cao và ổn định, có thể nhận được công suất và sản lượng cao, giá thành hạ. Trong khi đó, với điện mặt trời, Nhà nước cần quan tâm khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp mái vì có thể huy động được nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, lại không cần phải đầu tư lưới điện đấu nối.

Đối với các nhà đầu tư vào ngành điện, nên khuyến khích đầu tư theo loại hợp đồng BOT vì sẽ mang lại nhiều hiệu quả. Đơn cử, vốn BOT là của nhà đầu tư, dự án sẽ sử dụng nguyên liệu trong nước, vận hành theo điều độ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)… Đặc biệt, những nhà đầu tư BOT phần lớn của nước ngoài, rất mạnh về vốn và công nghệ, yếu tố kỹ thuật, an toàn được bảo đảm lâu dài, quản trị doanh nghiệp năng lượng sạch hiệu quả, sáng tạo. Đây chính là nguồn vốn đầu tư chất lượng, đáng để các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thu hút, dẫn dắt dòng vốn đầu tư trong nước.

Khơi thông “đầu ra” cho các dự án điện mặt trời

Ông Lê Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Trường Phát Solar

Mặc dù đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có các dự án điện mặt trời được đánh giá là nhiều tiềm năng, song thực tiễn triển khai lại có không ít bất cập. Nhà đầu tư gặp hàng loạt chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” do việc đấu nối hệ thống thu mua điện không đồng bộ, giá bán điện không thống nhất, phải tách nhỏ công suất dự án để thuận tiện trong việc cấp phép và làm các thủ tục hành chính để được phê duyệt đầu tư, hạ tầng truyền tải điện không thể tiếp nhận được hết sản lượng dự án… gây lãng phí đầu tư.

So với các loại hình đầu tư, việc đầu tư vào dự án điện mặt trời khá phù hợp với năng lực tài chính của nhà đầu tư Việt Nam (chỉ khoảng vài chục tỷ đồng cho mỗi dự án vừa và nhỏ), diện tích sử dụng đất không lớn (một vài hec ta là có thể làm được). Việc triển khai dự án điện mặt trời ít gây tổn hại đến môi trường, có thể tận dụng để làm đất nông nghiệp, đặc biệt có thể làm dự án điện mặt trời nổi trên mặt nước với hiệu quả tăng thêm khoảng 20 - 25%. Vấn đề nhà đầu tư điện mặt trời quan tâm nhất hiện nay là các chính sách “khơi thông” đầu ra sản phẩm, đảm bảo hạ tầng truyền tải điện “hấp thụ” được toàn bộ sản lượng điện thành phẩm của dự án, tránh nghịch lý làm ra điện nhưng không biết đấu nối vào đâu. Đồng thời, cần có cơ chế về giá thu mua rõ ràng, cụ thể để nhà đầu tư an tâm đầu tư và có lộ trình phát triển các dự án điện mặt trời một cách bài bản, chứ không phải làm dự án theo phong trào hoặc “giữa đường đứt gánh”.

Cần cơ chế, chính sách rõ ràng và minh bạch cho đầu tư năng lượng sạch

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Tuấn Phong

Việc đầu tư dự án năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời là hướng đi đúng đắn và tất yếu hiện nay, rất được nhà đầu tư và xã hội quan tâm, đón nhận. Thực tế triển khai các dự án điện mặt trời tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) và huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đã đem lại “quả ngọt”. Các dự án đều hoàn thành và đưa vào vận hành trước ngày 31/12/2020.

Tuy nhiên hiện nay, chính sách về đầu tư dự án điện mặt trời chưa rõ ràng, minh bạch và đồng bộ nên nhiều nhà đầu tư từ năm 2021 trở lại đây rất lúng túng, phân vân không rõ số phận dự án thế nào, giá bán điện ra sao, có phù hợp và tương xứng với vốn đầu tư đã bỏ ra không. Khung pháp lý cho đầu tư lĩnh vực này chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ trong công tác ký đấu nối cũng như hậu kiểm nên dự án năng lượng mặt trời thời gian qua phát triển “nóng”, thi nhau ào ạt làm khi chưa đủ thủ tục hành chính, gây mất cân đối “đầu ra”.

Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, các cơ quan chức năng cần sớm phê duyệt cơ chế mua điện từ dự án điện mặt trời mới (từ năm 2021 trở lại đây), sớm hoàn thiện khung pháp lý rõ ràng và minh bạch để các nhà đầu tư tự tính toán, cân nhắc hiệu quả trước khi quyết định đầu tư.

Chính sách chưa theo kịp yêu cầu của nhà đầu tư

Ông Trần Đình Sính, chuyên gia năng lượng

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng xanh, năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, năng lượng thủy triều, dòng chảy đại dương, địa nhiệt... và có thể phát triển trong thời gian dài.

Theo Viện Năng lượng (IEVN), tiềm năng điện mặt trời ở Việt Nam khoảng 434 GW, trong đó điện mặt trời mặt đất là 309 GW, điện mặt trời nổi (trên các hồ) là 77 GW và điện mặt trời trên mái nhà là 48 GW. Về điện gió, tiềm năng điện gió là 214 GW, trong đó điện gió trên bờ là 54 GW và điện gió ngoài khơi là 160 GW (theo một đánh giá khác do Ngân hàng Thế giới thực hiện là 475 GW). Trong khi đó, tổng công suất của hệ thống điện Việt Nam hiện nay khoảng 77 GW (năm 2021).

Như vậy, tiềm năng điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam lần lượt gấp gần 6 lần và 3 lần công suất hệ thống điện hiện có.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, các dự án phát triển năng lượng tái tạo gặp khó khăn do dịch Covid-19. Nhiều dự án điện gió, điện mặt trời bị chậm tiến độ do không đáp ứng được vật tư và máy móc để lắp đặt, làm tăng giá thành công trình và giảm lợi nhuận của chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, chính sách về năng lượng tái tạo chưa đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư. Một số chính sách đã hết hiệu lực từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định thay thế. Đơn cử như Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời hết hiệu lực vào cuối năm 2020, Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ các dự án điện gió hết hiệu lực vào cuối tháng 10/2021…

Mặt khác, suất đầu tư điện gió khá lớn, đòi hỏi Nhà nước cần có chính sách huy động vốn từ nhiều bên như khối tư nhân, các đối tác, tổ chức quốc tế... Năm 2020, suất đầu tư điện gió trên bờ khoảng 1.500 USD/kW, điện gió gần bờ khoảng 2.000 USD/kW và điện gió ngoài khơi khoảng 3.150 USD/kW. Theo ước tính tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII, mỗi năm cần khoảng 13 tỷ USD để đầu tư cho ngành điện.

Thu hút đầu tư thông qua chính sách ổn định, xuyên suốt, liên tục

Bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc điều hành Tổ chức Sáng kiến chuyển dịch năng lượng Việt Nam

Năm 2018, năng lượng tái tạo tại Việt Nam chỉ chiếm 1%, đến năm 2021, công suất lắp đặt năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã chiếm 29% tổng công suất lắp đặt các nguồn điện. Điều này cho thấy năng lượng tái tạo đang mở ra xu hướng mới trong đầu tư phát triển nguồn điện ở Việt Nam.

Bên cạnh những đột phá về mặt chính sách, cơ chế giá ưu đãi (FIT) cho điện mặt trời và điện gió của Chính phủ đã góp phần kích hoạt, phát triển năng lượng tái tạo. Mặc dù vậy, đang có những khoảng trống về cơ chế, chính sách, cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.

Ngoài ra, các chính sách về phát triển năng lượng tái tạo chưa có lộ trình xuyên suốt, liên tục, làm giảm cam kết của nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án theo quy hoạch. Do đó, cần thiết phải xây dựng các chính sách nhất quán, có lộ trình rõ ràng, đồng thời, xây dựng cơ chế triển khai các vòng đấu thầu cạnh tranh, minh bạch. Hiện nay, giá mua điện năng lượng tái tạo từ các nhà máy mới thường được so sánh với các nhà máy thủy điện, nhiệt điện đã phát triển từ nhiều năm trước. Trong bối cảnh giá than, khí, dầu gia tăng, các chính sách phát triển năng lượng cần có độ linh hoạt cao theo xu thế thị trường. Cập nhật thông tin thị trường làm cơ sở so sánh giá một cách đầy đủ giữa các nguồn điện rất quan trọng để có được định hướng về an ninh năng lượng cho quốc gia. Chính vì vậy, cần có cơ chế bình đẳng hơn giữa các nguồn như tổ chức đấu thầu theo loại hình năng lượng hoặc công suất; đấu thầu dịch vụ bảo trì lưới điện và cơ sở hạ tầng ngành điện.

Bên cạnh đó, cần có chiến lược chuyển dịch năng lượng tổng thể quốc gia trong dài hạn như nội địa hóa công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, giảm chi phí phát triển nguồn bằng chính sách số hóa, minh bạch quy trình phê duyệt một cửa cho các dự án năng lượng tái tạo hoặc công bằng trong tiếp cận dự án. Đây sẽ là các tiền đề quan trọng thúc đẩy thị trường đầu tư.

Chuyên đề