Khơi dòng vốn tín dụng cho nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều tín hiệu về việc nới lỏng chính sách tiền tệ đã được phát đi khi lãi suất điều hành được giảm 4 lần, hạn mức tín dụng được cấp hết 14% ở khoảng giữa năm. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục nêu rõ chủ trương kiểm soát chặt chất lượng tín dụng để đảm bảo tăng trưởng lành mạnh và an toàn cho hệ thống, dù tăng trưởng tín dụng năm nay dự báo sẽ ở mức dưới chỉ tiêu định hướng 14%.
Lãi suất cho vay có xu hướng giảm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng. Ảnh: Lê Tiên
Lãi suất cho vay có xu hướng giảm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng. Ảnh: Lê Tiên

Nới lỏng và tạo điều kiện tiếp cận tín dụng

NHNN cho biết, đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Từ đầu năm 2023, căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm thấp hơn so với kịch bản đề ra, các nguồn vốn gặp khó khăn, ngày 10/7/2023, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng (TCTD) với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.

Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời theo dõi, rà soát tình hình tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống những tháng cuối năm để có giải pháp điều hành phù hợp.

Về lãi suất, tại Nghị quyết số 97/NQ-CP vừa ban hành, Chính phủ giao NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất 1,5 - 2%), nghiên cứu áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ. Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn, cả năm khoảng 13 - 15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn. Rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn cho người vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

Cùng với chủ trương nới lỏng chính sách tiền tệ, NHNN khẳng định không hạ chuẩn tín dụng và tăng kiểm soát dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực có thể dẫn đến rủi ro.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, các ngân hàng rất muốn đẩy mạnh tín dụng bởi huy động vốn mà không cho vay được thì ngân hàng cũng vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, hoạt động cho vay dựa trên cơ sở người vay giải trình minh bạch về mục đích vay và chứng minh được khả năng trả nợ, vì phải đảm bảo nguyên tắc không hạ chuẩn tín dụng. Việc hạ chuẩn tín dụng có thể dẫn đến nợ xấu, gây ra rủi ro và bất ổn cho cả hệ thống. Hiện tại, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng vẫn được kiểm soát ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn của một số ngân hàng đã có biểu hiện tăng nhanh. Do đó, nếu tiếp tục đẩy vốn ngân hàng ra thị trường mà thiếu kiểm soát bằng các chuẩn tín dụng thì rủi ro sẽ càng cao.

Các tổ chức tín dụng kỳ vọng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 12,5% trong năm 2023. Ảnh: St

Các tổ chức tín dụng kỳ vọng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 12,5% trong năm 2023. Ảnh: St

Cân đối với sức hấp thụ của nền kinh tế

Ngày 28/6/2023, NHNN ban hành Thông tư số 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của TCTD. Thông tư 06 có 3 nội dung chính là: bổ sung các mục đích vay vốn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao không được cho vay; đốc thúc các ngân hàng thương mại tăng cường giám sát các khoản vay phục vụ mục đích đầu tư kinh doanh chứng khoán, mua/kinh doanh bất động sản; tạo hành lang pháp lý cho các khoản vay được duyệt thông qua phương tiện điện tử.

Các nhu cầu không được vay theo Thông tư 06 bao gồm: bù đắp tài chính cho các khoản vay; gửi tiền; thanh toán tiền góp vốn, mua chuyển nhượng phần vốn góp tại các công ty cổ phần chưa niêm yết; thanh toán tiền góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư với các dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.

Theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, việc bổ sung các quy định này sẽ giúp phản ánh chính xác chất lượng tín dụng. Sau 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN, nhiều ngân hàng thương mại đã giảm đồng loạt 0,5 - 1 điểm % lãi suất cho vay với các khoản vay hiện hữu và vay mới; hoặc giảm từ 1 điểm % trở lên với các khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản đảm bảo, bổ sung vốn lưu động, hoặc vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc lãi suất cho vay giảm tiềm ẩn rủi ro khi nguồn vốn giá rẻ có thể chuyển sang phục vụ cho các dự án/mục đích dưới chuẩn, tạo nên bong bóng tín dụng cho nền kinh tế. Do đó, việc tăng cường các quy định đối với giải ngân cho vay tại Thông tư 06 sẽ giúp hướng dòng vốn tín dụng đến các dự án/mục đích lành mạnh, đem lại giá trị cao cho nền kinh tế.

Với các quy định cho vay thắt chặt tại Thông tư 06, VNDirect cho rằng có thể làm chậm lại tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn, tuy nhiên dài hạn sẽ đảm bảo an toàn hơn cho toàn bộ nền kinh tế. Nhóm nghiên cứu của công ty chứng khoán này kỳ vọng, năm 2023 tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt mức 10% - thấp hơn so với mục tiêu của NHNN.

NHNN khẳng định không hạ chuẩn tín dụng và tăng kiểm soát dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực có thể dẫn đến rủi ro.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý III/2023, các TCTD kỳ vọng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 4,4% trong quý III/2023 và tăng 12,5% trong năm 2023, giảm 0,6 điểm % so với mức dự báo 13,1% tại kỳ điều tra quý II/2023.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, song tăng trưởng tín dụng năm nay vẫn có thể đạt mức 12 - 13%. Trong đó, lực đẩy chính là Chính phủ và NHNN đang thúc đẩy giảm lãi vay, phân bổ sớm hạn mức tăng trưởng tín dụng của cả năm, khuyến khích cho vay mua nhà, sửa nhà, kích cầu tiêu dùng, cho vay các doanh nghiệp xây lắp, tháo gỡ vướng mắc pháp lý để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Bên cạnh đó, nền kinh tế đang đón nhận các tín hiệu tích cực từ thị trường thế giới và kỳ vọng sự phục hồi. Đồng thời, quý III và quý IV là chu kỳ đầu tư và phát triển kinh doanh, nếu các chính sách hỗ trợ tín dụng được thực thi, sẽ giúp vốn ngân hàng ngấm nhanh vào nền kinh tế.

Theo ông Lực, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng về cả số lượng và chất lượng, giải pháp là phải kích cả cung và cầu. Về cầu tín dụng, lãi suất đã và đang có xu hướng giảm, việc cải cách thủ tục vay vốn sẽ có tác dụng kích thích doanh nghiệp vay vốn. Tuy nhiên, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tìm kiếm và phát triển thị trường để mở rộng đầu ra cho hàng hóa xuất nhập khẩu, tăng kích cầu tiêu dùng, tháo gỡ ách tắc về giải ngân đầu tư công để tạo sức lan tỏa và động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

“Mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12 - 13% là phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh còn nhiều thách thức trong và ngoài nước. Không phải đẩy tín dụng bằng mọi giá mà cần cân đối với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đảm bảo cả số lượng và chất lượng”, ông Lực nói.

Chuyên đề