Khổ như doanh nghiệp siêu nhỏ

(BĐT) - Câu chuyện lạm quyền tố tụng ông chủ quán cà phê Xin Chào ở TP.HCM thực tế chỉ là một trong những vô vàn “chông gai” mà các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp thuộc dạng siêu nhỏ đang phải đối mặt.
Doanh nghiệp siêu nhỏ hiếm khi được chính quyền địa phương quan tâm, ưu đãi. Ảnh: Nhã Chi
Doanh nghiệp siêu nhỏ hiếm khi được chính quyền địa phương quan tâm, ưu đãi. Ảnh: Nhã Chi

Mong manh dễ vỡ

Ông Nguyễn Văn Thân, Giám đốc Công ty TNHH Con Đường Việt (TP.HCM) ví von người kinh doanh siêu nhỏ như một công trình xây dựng vừa yếu vừa mong manh rủi ro, nếu bị “hành” bởi các cán bộ công an và Viện Kiểm sát thiếu tâm và thiếu tầm, lại có động cơ thiếu minh bạch thì không thể “ngóc đầu” lên nổi.

Đơn cử như mới đây, ông Nguyễn Chính Huy, Giám đốc Công ty TNHH Luật VNQT (trụ sở tại phường 4, quận 8, TP.HCM) đã gửi đơn tố cáo trường hợp công ty của ông, có quy mô rất nhỏ, vừa thành lập với nhiều bề bộn cần giải quyết, từ tháng 3/2016 đến nay đã bị chính quyền địa phương nhiều lần đến kiểm tra “bất thường” những chuyện vụn vặt. Theo ông Huy, việc kiểm tra nói trên có dấu hiệu lạm quyền, bởi Công ty hoạt động không có gì sai trái.

Ông Huy bức xúc cho rằng, đây chính là tình trạng cố ý áp dụng sai các quy định pháp luật, gây rối, nhũng nhiễu,­­­­ khó khăn, mất thời gian và cản trở trái phép hoạt động của doanh nghiệp (DN), nhất là các DN siêu nhỏ, mới thành lập.

Và theo một kết quả thăm dò, đa số DN siêu nhỏ cho biết hành vi nhũng nhiễu là phổ biến. Thái độ của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ DN siêu nhỏ tìm kiếm thông tin kinh doanh, tư vấn pháp luật, tìm kiếm đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại, công nghệ… luôn có tỷ lệ thấp nhất so với DN nhỏ và vừa hay DN lớn.

Sân chơi cần bình đẳng

Theo số liệu được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố năm 2014, Việt Nam có 96 - 97% DN là nhỏ và siêu nhỏ, chưa đầy 2% là DN lớn và gần 2% là DN cỡ vừa. Số DN siêu nhỏ (sử dụng dưới 10 lao động) chiếm 66 - 67% trong số DN nhỏ và siêu nhỏ. Nếu tính luôn cả hộ kinh doanh cá thể (khoảng 4,6 triệu hộ) thì tỷ lệ DN siêu nhỏ chiếm tới trên 99,9% số DN tư nhân.
Luật sư Hoàng Văn Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư VNC cho rằng, chính sách của các địa phương hiện nay là tận thu, chứ không phải là nuôi nguồn thu. Vì vậy, các địa phương luôn trải thảm đỏ đối với các dự án đầu tư lớn, có khả năng nộp ngân sách cho địa phương nhanh chóng, thu đủ mọi thứ có thể thu. Còn với nhóm các DN nhỏ và vừa (gồm cả siêu nhỏ) thì họ lơ đi, không coi trọng, không dành ưu đãi cho các DN nhỏ để nuôi nguồn thu bền vững.

Luật sư Hoàng Văn Sơn nhận định, trong môi trường tiêu cực thì người yếu thế là đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất. DN nhỏ cũng như người nghèo luôn luôn là đối tượng bị tác động và tổn thương nhiều nhất. Vì vậy, cần đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực nhằm tạo niềm tin, giúp cho họ an tâm trong công việc kinh doanh của mình, chứ không thể để họ suốt ngày lo lắng sợ cái này, sợ cái kia được.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, cần cắt giảm các loại phí, lệ phí để tạo điều kiện cho DN siêu nhỏ có khả năng phát triển. Các loại phí đối với các DN lớn thì không đáng kể, nhưng đối với các DN siêu nhỏ, nhiều khoản chi cộng lại là gánh nặng đối với họ. Hiện nay, các DN siêu nhỏ thực hiện các thủ tục thay đổi dù lớn hay nhỏ, đơn giản hay phức tạp đều nộp một khoản lệ phí tương đối lớn đối với họ (vì đã siêu nhỏ thì phải hay thay đổi). Trong khi hàng năm họ vẫn phải đóng các loại thuế để phục vụ cho việc chi tiêu của bộ máy nhà nước.

Còn nói như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu muốn nâng cao năng lực khu vực kinh tế tư nhân thì bắt buộc phải cải thiện môi trường kinh doanh và tạo sân chơi bình đẳng cho khu vực tư nhân, nhất là phải có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho những DN siêu nhỏ.

Chuyên đề