Khi Thủ tướng lắng nghe báo chí, truyền thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính phủ kiến tạo là phương châm hành động của Chính phủ và kim chỉ nam xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay từ đầu nhiệm kỳ. 
Báo chí đã trở thành cầu nối quan trọng trong việc đưa tiếng nói của người dân, doanh nghiệp… vào các hội nghị, hội thảo của Chính phủ và những ý kiến này đã được Chính phủ lắng nghe, tiếp thu và thay đổi. Ảnh: Lê Tiên
Báo chí đã trở thành cầu nối quan trọng trong việc đưa tiếng nói của người dân, doanh nghiệp… vào các hội nghị, hội thảo của Chính phủ và những ý kiến này đã được Chính phủ lắng nghe, tiếp thu và thay đổi. Ảnh: Lê Tiên

Trong đó, kênh thông tin từ báo chí luôn được người đứng đầu Chính phủ quan tâm, lắng nghe, chỉ đạo kịp thời đang góp phần quan trọng trong xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam thân thiện, năng động, cởi mở… ngày càng hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Môi trường kinh doanh (MTKD) được ví là nguồn “oxy” giúp người dân và doanh nghiệp (DN) khơi dậy, thổi bùng ngọn lửa kinh doanh, góp phần xây dựng đất nước phát triển phồn vinh. Những năm qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để không ngừng cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Một trong những giải pháp “mềm” được Chính phủ chọn lựa là lắng nghe tiếng nói từ báo chí, từ đó có những chỉ đạo điều hành kịp thời để tháo gỡ những nút thắt cũng như cổ vũ, khích lệ tinh thần kinh doanh của người dân, DN. Và thông điệp được truyền đi là bảo vệ sự an toàn của MTKD, bảo vệ người dân và DN.

Nhìn từ vụ quán cà phê Xin Chào năm 2016 cho thấy, sau khi lắng nghe phản ánh của báo chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngưng hình sự hóa một vụ án kinh tế, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan. Thông điệp luôn được nối dài và phát triển thêm đang tạo nên những hứng khởi mới trong cộng đồng DN.

Cuối tháng 8/2017, Thủ tướng yêu cầu kiểm tra phản ánh của DN sau khi Báo Tiền phong đăng bài viết: "Doanh nghiệp lại bức xúc tố hải quan "ăn" tiền không có hóa đơn". Ngay sau đó, một số cán bộ Hải quan Hải Phòng “ăn” tiền DN đã bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nhiều bài viết phản ánh về MTKD đăng trên Báo Đấu thầu đã được Thủ tướng quan tâm và có những chỉ đạo kịp thời nhằm tiếp tục kiến tạo MTKD thuận lợi cho DN. Điển hình như cuối tháng 4/2019, Báo Đấu thầu có bài: “Cắt giảm điều kiện kinh doanh “dậm chân tại chỗ”. Trong bài viết, Trưởng ban MTKD và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã cho biết, cắt giảm rào cản cho DN quý I/2019 chưa có bước tiến mới nào so với thời điểm cuối năm 2018. Một nguyên nhân lớn được chỉ ra là do các bộ, ngành gần như chưa làm gì, trong khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có những chỉ đạo rất quyết liệt. Đáng ngại hơn là trong khi một số điều kiện kinh doanh (ĐKKD) được gỡ bỏ chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho DN thì rào cản mới lại xuất hiện.

Ngay sau phản ánh trên, Văn phòng Chính phủ đã phát công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra, xử lý thông tin về chậm cắt giảm rào cản cho DN. Qua theo dõi, đến nay, hoạt động cắt giảm ĐKKD đã có những chuyển biến đáng kể, góp phần tạo lập MTKD thuận lợi cho DN. Thống kê mới nhất của Chính phủ cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 ĐKKD cùng nhiều danh mục hàng hóa, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ này ước tính hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Liên quan đến vấn đề quản trị DN - một trong những giải pháp cốt lõi nâng cao năng lực, sức cạnh tranh cho DN Việt Nam cũng được Thủ tướng chú trọng. Bài viết: “Sửa Luật DN, kỳ vọng quản trị đổi về chất” đăng trên Báo Đấu thầu tháng 3/2019 phản ánh tình trạng đa phần các công ty cổ phần ở nước ta là công ty gia đình không biết hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông là gì... Ngay sau đó, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp khắc phục hạn chế này.

Ngày 11/3/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan chức năng nghiên cứu và báo cáo về những lỗ hổng thể chế trong pháp luật bảo vệ cổ đông thiểu số sau khi đọc bài viết trên Báo Đấu thầu có tựa đề: “Lấp “lỗ hổng” thể chế bảo vệ cổ đông nhỏ”. Bài viết dẫn kết quả nghiên cứu chỉ ra nhiều bất cập trong thể chế bảo vệ cổ đông nhỏ hiện nay.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ dành sự quan tâm tới những bài viết về đấu thầu, đầu tư theo phương thức đối tác công tư trên Báo Đấu thầu. Tháng 3/2019, sau bài viết: “Nhiều nơi “ì ạch” trong đấu thầu qua mạng” phản ánh tình trạng chậm trễ đấu thầu qua mạng (ĐTQM), Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố lưu ý bảo đảm tỷ lệ tối thiểu theo yêu cầu quy định tại lộ trình ĐTQM. Đến nay, công tác ĐTQM được nhiều địa phương triển khai tích cực. Theo kết quả thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, 4 tháng đầu năm 2020, cả nước có 21.838 gói thầu được thực hiện ĐTQM, chiếm tỷ lệ 75% số lượng gói thầu nằm trong hạn mức ĐTQM. Nhiều đơn vị có số gói thầu được ĐTQM đạt 100% như: Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao…

Mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra, xử lý phản ánh của Báo Đấu thầu qua bài viết: “Doanh nghiệp kêu vướng nhiều thủ tục hải quan” đăng ngày 4/6/2020.

Trước đó, nhiều bài viết của Báo Đấu thầu liên quan đến vấn đề kinh tế khác cũng được Thủ tướng quan tâm và chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu, tìm hướng giải quyết.

Việc người đứng đầu Chính phủ quan tâm đến những vấn đề báo chí phản ánh và có những chỉ đạo kịp thời thời gian qua, theo các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, nhất là người dân và DN, đã tạo nên hiệu ứng tốt cho MTKD.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá: “Rõ ràng, nếu không có báo chí thì có thể nói việc cải thiện MTKD của Việt Nam khó đạt được kết quả như thời gian vừa qua”. Báo chí đã trở thành cầu nối quan trọng trong việc đưa tiếng nói của người dân, DN… vào các hội nghị, hội thảo của Chính phủ và những ý kiến này đã được Chính phủ lắng nghe, tiếp thu và thay đổi.

Không những vậy, báo chí còn tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần xây dựng chính sách. Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Chính phủ tổ chức họp báo hàng tháng để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan báo chí hay việc Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo làm rõ, xử lý những vấn đề báo chí nêu đã thể hiện sự lắng nghe của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành. Điều này tạo sự đồng thuận trong dư luận, tạo niềm tin kinh doanh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư