Khi doanh nhân “ngã ngựa”

Vài năm trở lại đây, dư luận không còn quá bất ngờ khi xuất hiện thông tin một tổng giám đốc hay chủ tịch HĐQT của một công ty nào đó bị “sờ gáy”. Chốn thương trường không đổ máu như chiến trường, nhưng vẫn luôn để lại những cú “ngã ngựa” đau đớn.
Bị cáo Lý Xuân Hải
Bị cáo Lý Xuân Hải

Đối diện với quan tòa, trước giờ phút số phận bị định đoạt, họ - những doanh nhân dù từng “vang bóng một thời” - đều mong muốn được ân hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Đó cũng là giây phút các bị cáo thể hiện mọi cung bậc tâm trạng. 

Dù không còn mang tính chất thời sự “nóng hổi”, nhưng những câu chuyện cũ chắc chắn vẫn là bài học đáng để suy ngẫm. 

Lời nói sau cùng 

Bức tranh kinh tế đa sắc màu bao nhiêu thì giới tội phạm trong lĩnh vực này cũng muôn hình vạn trạng bấy nhiêu. Án kinh tế hầu hết tập trung vào các tội danh chính như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tham ô, vi phạm quy định, cố ý làm trái quy định, lạm dụng tín nhiệm, rửa tiền... Thủ đoạn tội phạm đôi khi không khác nhau nhiều, song mỗi vụ án lại là những câu chuyện, số phận rất riêng biệt. 

Thông thường, theo trình tự xét xử, Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát nhân dân, luật sư tham gia xét hỏi sau đó đến phần tranh luận. Viện kiểm sát nhân dân sẽ luận tội đối với hành vi phạm tội của bị cáo và đề nghị mức án cũng như hướng giải quyết vụ án đối vớiphần dân sự. 

Kết thúc phần xét hỏi và tranh luận, bị cáo được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử bước vào phần nghị án. Lời nói sau cùng là lời mong muốn, đề đạt nguyện vọng để Hội đồng xét xử xem xét trong quá trình nghị án. Trong giờ phút ấy, mỗi bị cáo lại có cách riêng để bày tỏ nỗi niềm. 

Năm 2014, vụ án xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm được nhắc đến dày đặc trên các phương tiện truyền thông. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên mà nhiều người quen gọi với biệt danh “Bầu” Kiên, là một trong những vụ đại án kinh tế tốn nhiều giấy mực của báo giới. 

Đối với nhóm phóng viên chuyên theo dõi mảng pháp đình, phiên xét xử sơ thẩm là phiên tòa rất đặc biệt. Đặc biệt không phải vì tính chất hay mức độ hành vi, số tiền chiếm đoạt lớn, mà vì thời gian nói lời sau cùng của bị cáo này được coi là “kỷ lục” – dài hơn 40 phút. 

Trong suốt khoảng thời gian đó, “Bầu” Kiên nhiều lần kiềm chế để không bật khóc. Khó ai nghĩ đến hình ảnh một doanh nhân đầy uy quyền lại có những phút giây yếu lòng như vậy. Trong lời tâm sự đầy cay đắng, “bị cáo tóc bạc” nhắc đến rất nhiều người, gia đình, đồng nghiệp... thậm chí còn đưa ra một số kiến nghị chấn chỉnh ngân hàng để hệ thống này hoạt động lành mạnh. 

Rồi đến phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cũng gây “ấn tượng” khi cầm giấy nói lời sau cùng. Vì theo lời Bầu Kiên: “35 năm làm việc, bị cáo chưa bao giờ phải cầm giấy để nói nhưng để tránh cảm xúc, bị cáo xin được đọc lời nói sau cùng đã được viết ra”. 

Trái với lời một mực kêu oan của Nguyễn Đức Kiên, được nói lời sau cùng, bị cáo Lý Xuân Hải, từng là “Lãnh đạo ngân hàng xuất sắc nhất Việt nam” 2007 và 2010, đã bộc lộ niềm xót xa: “Tôi không oán trách bất kỳ ai, nếu oán trách, tôi chỉ trách chính mình”.  

Còn bị cáo Phạm Thanh Tân, cựu Tổng giám đốc Agribank cũng ngậm ngùi: “Tôi là người được rèn luyện, đào tạo và đóng góp rất lớn, tôi chẳng bao giờ quan tâm đến thành tích cả. Cái lớn nhất là tôi được ghi nhận của hàng chục ngàn cán bộ. Lời xin lỗi có lẽ muộn rồi. Tâm nguyện của tôi sau này là hoàn thiện những cái gì mà họ (ngân hàng) còn thiếu sót”. 

Lằn ranh pháp luật 

Trong dòng chảy hối hả của nền kinh tế thị trường, lằn ranh pháp luật, vi phạm đạo đức kinh doanh rất mong manh. Việc sa chân vào “vùng lầy” dẫn đến con đường tù tội là khoảng cách rất gần. 

Còn nhớ vụ án xảy ra tại CTCK Liên Việt (LVS), bị cáo Hoàng Xuân Quyến, nguyên Tổng giám đốc Công ty, bị truy tố thực hiện các giao dịch repo cổ phiếu trái thẩm quyền. Theo quy định tại Điều lệ Công ty và văn bản ủy quyền thì ông Quyến chỉ được  ký hợp đồng repo cổ phiếu/trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt với hạn mức 10 tỷ đồng. 

Với các giao dịch trên 10 tỷ đồng, ông Quyến phải báo cáo Chủ tịch HĐQT trước khi thực hiện. Ông Quyến cũng chỉ được ký các hợp đồng theo hạn mức được phân cấp và các hợp đồng được ĐHCĐ, HĐQT phê duyệt. 

Tuy nhiên, vào đầu năm 2011, Hoàng Xuân Quyến ký các hợp đồng repo 3 triệu cổ phiếu Cotec với tổng giá trị các thương vụ là hơn 38 tỷ đồng. Khi hợp đồng đáo hạn, giá cổ phiếu giảm mạnh, các khách hàng không có khả năng trả tiền cho LVS nên đã bỏ lại toàn bộ số cổ phiếu này. 

Hoàng Xuân Quyến bị cơ quan công tố xác định gây thiệt cho LVS là 23 tỷ đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Hoàng Xuân Quyến cho rằng đã làm theo đúng quy trình của Công ty khi ký hợp đồng repo cổ phiếu Cotec. Sau đó, tòa cho rằng, hành vi trên chưa đủ căn cứ cấu thành tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, nên tuyên phạt bị cáo 32 tháng tù giam về tội sử dụng tài sản trái phép. Do thời gian bị tạm giam tương đương với hình phạt tù, ông Quyền được trả tự do ngay tại tòa. 

Trong một vụ án khác, TAND TP. Hà Nội vừa đưa ra xét xử, bị cáo Hoàng Minh Hiệp (sinh năm 1974, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Gia) bị cáo buộc về hành vi lập hồ sơ khống để chiếm đoạt tiền ngân hàng hơn 152,6 tỷ đồng. 

Bị cáo này thừa nhận hành vi phạm tội, song lập luận việc lập hồ sơ vay vốn nhằm luân chuyển dòng tiền kinh doanh. Theo lời khai, bị cáo không chiếm đoạt tiền. Toàn bộ số tiền vay ngân hàng, bị cáo trả nợ cho các ngân hàng khác, đồng thời trả chi phí tiếp tục kinh doanh tạo vốn.             

Chuyên đề

Kết nối đầu tư