Khéo léo trong điều hành lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo một số chuyên gia, dù lạm phát chưa trở thành một mối đe dọa kinh tế vĩ mô trong năm nay nhưng rủi ro đang tiếp tục tích tụ. Trong bối cảnh hiện nay, cần điều hành lạm phát khéo léo để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng không kiểm soát thái quá khiến kinh tế không phục hồi được.
Lạm phát được dự báo sẽ tăng nhanh bắt đầu từ tháng 4 do phục hồi kinh tế khiến nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng. Ảnh: Quang Tuấn
Lạm phát được dự báo sẽ tăng nhanh bắt đầu từ tháng 4 do phục hồi kinh tế khiến nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng. Ảnh: Quang Tuấn

Kỳ vọng kinh tế năng động trở lại

Trong Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I/2021, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, việc thành lập bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ mới hứa hẹn triển vọng kinh tế năng động trở lại trong năm 2021 và sau đó. Hơn nữa, với điều kiện dịch Covid-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, VEPR dự báo kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 6 - 6,3%. Trong năm 2021, những thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ và Trung Quốc dự báo sẽ có sự phục hồi đáng kể, hứa hẹn nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Lạc quan hơn, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực dự báo tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,5 - 7%. Cơ sở cho dự báo này, theo ông Cấn Văn Lực, là do nền tảng tăng trưởng của năm 2020 rất thấp, Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi để phục hồi. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ gói kích cầu của Mỹ. Gói kích cầu này có tác dụng thiết thực với Mỹ, thế giới và cả Việt Nam về xuất khẩu, đầu tư. Nếu gói kích cầu của Mỹ tiêu hết như kế hoạch sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 0,76 điểm phần trăm trong năm nay. Tuy nhiên, ông Cấn Văn Lực khẳng định sẽ rất thách thức để đạt được 6,5 - 7%, vì quý II phải đạt 7,2 - 7,4%, quý III và quý IV phải từ 6,6 - 6,8%.

Về giải pháp chính sách, nhóm nghiên cứu của VEPR khuyến nghị, trong mọi tình huống, ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định. Chính sách hữu ích nhất hiện nay là các chính sách trọng cung, nhằm củng cố các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc vào một số đối tác kinh tế lớn. Cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính cần tiếp tục được đẩy mạnh. Từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu Covid-19, hoặc những diễn biến bất ngờ của chính bệnh dịch này trong những năm tới... Đồng thời, cần tiếp tục các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng nên hướng vào các lĩnh vực phòng chống dịch bệnh trực tiếp, giữ lại việc làm cho người dân và hỗ trợ đến đúng đối tượng.

Lưu ý sức ép lên lạm phát

Theo ông Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô Trường Đại học kinh tế quốc dân, lạm phát có xu hướng tăng chậm trong quý I/2021 cho thấy lượng cầu còn yếu. Tuy nhiên, lạm phát được dự báo sẽ tăng nhanh bắt đầu từ tháng 4 do phục hồi kinh tế khiến nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng. Đồng thời, duy trì các giải pháp nới lỏng tiền tệ và tài khóa có thể dẫn đến giá cả tiêu dùng không đạt được mục tiêu dưới 4% vào cuối năm.

Trong đó, ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh sự phục hồi của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Trung Quốc, Mỹ, châu Âu dẫn đến nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh. Thêm vào đó, khi mức tăng giá trên các thị trường tài sản đủ lớn để tạo ra hiệu ứng của cải, một bộ phận dân cư giàu lên thì mức tiêu dùng sẽ tăng đối với các mặt hàng không phải thiết yếu. Điều này dẫn tới sự lan tỏa tăng giá từ thị trường tài sản sang thị trường tiêu dùng, dù chậm chạp, nhưng có thể cảm nhận được.

Dù nhận định có nhiều yếu tố tăng sức ép lên lạm phát trong năm nay, nhưng chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng áp lực không quá lớn do 2 lý do lớn. Thứ nhất là sức cầu còn yếu, đặc biệt là cầu tiêu dùng, thứ hai là vòng quay đồng tiền chậm. Vòng quay càng nhanh thì lạm phát càng bị đẩy lên, nhưng hiện tiền bị đọng lại ở bất động sản, chứng khoán… Vì thế, theo ông Cấn Văn Lực, trước mắt áp lực lạm phát không quá lớn, nhưng lại tiềm ẩn rủi ro về lâu về dài vì tiền không đi vào sản xuất, kinh doanh, dự báo lạm phát cả năm khoảng 3,5 - 3,7%.

Về điều hành, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh cần hết sức thận trọng, ứng xử khéo léo khi điều hành lạm phát, không nên hành động thái quá để kiểm soát lạm phát khiến kinh tế không phục hồi được. Còn theo ông Phạm Thế Anh, đây là thời điểm khó khăn đối với chính sách tiền tệ vì việc thắt chặt trở lại trong bối cảnh nền sản xuất vẫn chưa có cải thiện ở cấp độ căn bản sẽ dẫn tới khó khăn hơn nữa cho khu vực doanh nghiệp. Do đó, phải cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

Chuyên đề