Kiểm soát lạm phát trong bối cảnh khó lường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, các gói hỗ trợ tăng trưởng kinh tế dự kiến tiếp tục được áp dụng là những yếu tố dự báo sẽ gây áp lực với nỗ lực kiểm soát lạm phát trong năm nay. Một số chuyên gia cho rằng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để tạo cân đối cung cầu hàng hóa và ổn định kinh tế - xã hội là cần thiết, nhưng cần thận trọng và kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các gói hỗ trợ nhằm giảm áp lực cho lạm phát.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2021 tăng 0,06% so với tháng trước, giảm 0,97% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Phú An
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2021 tăng 0,06% so với tháng trước, giảm 0,97% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Phú An

Vẫn nhiều thách thức

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2021 tăng 0,06% so với tháng trước, giảm 0,97% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 1 năm 2021 tăng 0,49% so với cùng kỳ năm 2020, ghi nhận mức tăng thấp nhất của tháng 1 trong 5 năm gần đây. Đó là những con số tích cực, đặc biệt trong nỗ lực kiềm chế lạm phát cả năm ở mức khoảng 4% như mục tiêu của Quốc hội tại Nghị quyết 124/2020/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, năm 2021, vẫn còn nhiều yếu tố có tác động bất lợi đến tình hình giá cả như nhóm mặt hàng nhiên liệu, xăng dầu diễn biến khó lường, dự báo giá xăng dầu trong năm nay sẽ có xu hướng tăng. Đối với nhóm các mặt hàng thiết yếu, giá cả mặt hàng thịt lợn cũng đáng quan ngại nếu như chúng ta không thể kiểm soát tốt dịch bệnh. Ngoài ra, tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa. Tất cả đều là áp lực đối với công tác điều hành giá năm 2021.

PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, diễn biến lạm phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tốc độ tăng trưởng kinh tế, chính sách tài chính - tiền tệ, công tác quản lý giá cả thị trường. Năm ngoái, chúng ta đặt mục tiêu lạm phát 4% và đã hoàn thành tốt. Cần lưu ý rằng, mức lạm phát này đạt được trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 2,91%. Còn năm nay, mục tiêu tăng trưởng GDP là 6% với dự báo về khả năng hồi phục kinh tế tích cực. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư dự kiến tiếp tục thực hiện trong năm nay có thể sẽ là thách thức với mục tiêu lạm phát 4%.

Cân đối cung cầu, thận trọng các gói hỗ trợ

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, để kiểm soát được lạm phát, cần làm tốt công tác dự báo, gồm cả khó khăn và thuận lợi để có biện pháp và kịch bản điều hành phù hợp. Năm 2021, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn hết sức phức tạp, do đó cần phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ có thúc đẩy sản xuất, kinh doanh mới có thể điều hòa cung cầu, từ đó kiểm soát tốt lạm phát.

Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành theo chức năng tiếp tục bám sát tình hình giá cả thị trường để điều hành cụ thể. Ví dụ như mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để điều hành giá xăng dầu vừa tính đến yếu tố thị trường, kết hợp với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để điều hành.

Đối với mặt hàng điện, cần đánh giá kỹ yếu tố chi phí tác động đến giá thành để xem xét mức độ ảnh hưởng đến giá điện và có kịch bản điều hành phù hợp. Ngoài ra, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ cần nỗ lực hơn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, với mặt hàng thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần kiểm soát chặt dịch bệnh, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nguồn cung, điều hòa cung cầu để giảm áp lực về giá.

“Điều quan trọng là phải kiểm soát giá cả thị trường theo chức năng, nhiệm vụ từ Trung ương đến địa phương. Tôi tin rằng kinh nghiệm điều hành thành công của năm 2020 và những năm trước đó là tiền đề để tiếp tục kiểm soát lạm phát năm 2021 và các năm tiếp theo”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Còn theo ông Ngô Trí Long, dịch bệnh đang gây khó khăn cho một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nên có thể tác động đến cung cầu hàng hóa, từ đó ảnh hưởng đến lạm phát. Điểm lợi là chúng ta đã có kinh nghiệm vừa kiểm soát dịch bệnh vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định. Do đó, có niềm tin là chúng ta sẽ tiếp tục đạt mục tiêu kép trong năm nay. “Tuy nhiên, để điều đó trở thành hiện thực, ngay từ bây giờ không thể chủ quan với công tác kiểm soát lạm phát. Đặc biệt, cần thận trọng áp dụng và kiểm soát chặt chẽ hiệu quả của các chính sách tài khóa - tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Long nhấn mạnh.

Chuyên đề