Cẩn trọng trước áp lực lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh là đòi hỏi thiết thực trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tác động đáng kể đến nền kinh tế. Trong khi đó, nhiều yếu tố tiềm ẩn có thể đẩy lạm phát tăng cao trong thời gian tới. Điều đó gây khó cho việc điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, đòi hỏi theo dõi sát sao và cân nhắc thận trọng để việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt hiệu quả tối ưu.
Trong tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,52% so với tháng trước, mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong 8 năm gần đây và tăng 1,58% so với tháng 12/2020. Ảnh: Phú An
Trong tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,52% so với tháng trước, mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong 8 năm gần đây và tăng 1,58% so với tháng 12/2020. Ảnh: Phú An

Báo cáo Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới trong ít nhất nửa đầu năm 2021 và cho đến khi việc tiêm vaccine được phổ biến rộng rãi. Do vậy, cần duy trì chính sách tiền tệ, tài khóa mở rộng; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và giá cả nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Đồng tình với kiến nghị này, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Economica Vietnam cho rằng, việc thực hiện chính sách tài khóa tiền tệ mở rộng vừa chú trọng kiểm soát lạm phát là phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Bởi thực tế doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nếu không có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng ngặt nghèo. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ có thể làm tăng lượng cung tiền trong nền kinh tế và tạo rủi ro cho lạm phát. Trong tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,52% so với tháng trước, mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong 8 năm gần đây và tăng 1,58% so với tháng 12/2020.

Bên cạnh đó, CPI các tháng tới cũng chịu áp lực tăng do giá nguyên liệu thô đầu vào trên thị trường thế giới đang trong xu thế đi lên. Do đó, các giải pháp hỗ trợ liên quan đến việc tăng cung tiền trong nền kinh tế cần được cân nhắc kỹ về liều lượng và thời điểm. Chẳng hạn, có ý kiến đề xuất cần tiếp tục giảm lãi suất điều hành để tăng thêm nguồn vốn giá rẻ cho doanh nghiệp, tuy nhiên, đây là bài toán không dễ dàng với cơ quan điều hành chính sách tiền tệ. Mặt khác, việc giảm lãi suất có thể gây ra hệ lụy với nền kinh tế nếu dòng vốn tín dụng giá rẻ đổ vào lĩnh vực rủi ro như các tài sản tài chính (cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp...), bất động sản…

Theo chuyên gia kinh tế - PGS. TS. Ngô Trí Long, năm 2021, thách thức về kiểm soát lạm phát không hề nhỏ, phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá cả thị trường. Theo đó, giá xăng dầu thế giới có xu hướng tiếp tục neo ở mức cao. Năm 2021, nền kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục, cũng có thể tác động mạnh đến lạm phát.

“Mặt khác, cần lưu ý đến khả năng kiểm soát dịch bệnh, nếu dịch bệnh không kiểm soát được sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, làm gia tăng chi phí. Nhiều yếu tố tác động như vậy cùng với diễn biến từ những năm trước cho thấy, không thể lơ là với lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh tạo nhiều biến số khó lường với nền kinh tế trong và ngoài nước”, ông Long nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, khi tổng cầu đang phục hồi rõ rệt cùng với nền so sánh thấp của năm 2020 thì áp lực lạm phát trong thời gian tới là không nhỏ. Chi phí vận tải cũng tăng mạnh do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng kéo dài từ năm ngoái. Mức tăng này sẽ gây áp lực lớn lên chi phí sản xuất cũng như giá tiêu dùng trong ngắn hạn. Do đó, SSI lưu ý cần theo dõi chặt các diễn biến của nhóm hàng thực phẩm (thịt lợn), giao thông (xăng dầu) và nhà cửa (gồm cả giá thuê nhà, giá điện)..., vì đây là các nhóm đóng góp chính cho gia tăng lạm phát thời gian qua.

Còn theo dự báo của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSC), áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh trong quý II - quý III năm nay trong bối cảnh mặt bằng giá xăng bán lẻ tạo đáy vào cùng kỳ năm ngoái. Theo nhóm nghiên cứu của công ty này, giả định giá các loại hàng hóa khác không có biến động bất thường, với việc giá xăng dầu chiếm tỷ trọng khoảng 4% trong rổ CPI, ước tính CPI bình quân 2021 có thể tăng vượt mốc 4% nếu giá xăng RON95 bình quân 2021 tăng 30% so với cùng kỳ 2020 (tương đương mức 20,500 đồng/lít, cao hơn 13,4% so với mức hiện tại).

Nếu rủi ro này xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước có thể phải áp dụng các chính sách tiền tệ thận trọng hơn để kiềm chế lạm phát (tăng lãi suất, giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng), qua đó sẽ gây ra các tác động thu hẹp dòng tiền trên thị trường chứng khoán. Dù vậy, KBSC không đánh giá cao kịch bản giá dầu sẽ tăng mạnh từ mức giá hiện tại do nguồn cung dự báo được cải thiện về cuối năm.

Chuyên đề