Khai mạc Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng 22/2, Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra trong thời gian 1 ngày sẽ xem xét cho ý kiến quyết định 5 nội dung chính.

Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đây là 1 trong tổng số 9 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và dự kiến được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Thứ ba, xem xét Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về giao bổ sung số lượng kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân.

Thứ tư, xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 1/2024 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 12/2023).

Thứ năm, tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Qua đó chỉnh lý lại kết cấu, bố cục và nhiều nội dung trong dự thảo luật.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong tiếp thu, chỉnh lý luật, cần bám sát các quan điểm, nguyên tắc đã đề ra khi bắt đầu xây dựng luật, tránh sa vào các vấn đề mang tính kỹ thuật, bảo đảm công tác xây dựng luật đúng tầm vóc của Quốc hội, nhìn nhận rõ việc xây dựng luật đã đạt được các mục tiêu đặt ra hay chưa, đạt được ở mức độ nào. Từ đó, có định hướng đúng đắn cho công việc tiếp theo.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần rà soát tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và sự tương thích giữa luật sửa đổi với các công ước quốc tế. Đồng thời đề nghị, từ nay đến khi trình Quốc hội xem xét, thông qua và cho tới trước khi ký chứng thực, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, đặc biệt về các vấn đề như chuyển đổi số, lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đối chiếu với Luật Công nghệ thông tin, Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước…

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần đối chiếu kỹ với các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hiện nay, Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng lưu trữ quốc tế, Hiệp hội lưu trữ các nước có sử dụng tiếng Pháp. Đồng thời cũng có ký kết các thỏa thuận song phương với một số nước trong lĩnh vực này. Vì vậy, cần rà soát kỹ để bảo đảm thống nhất, không mâu thuẫn.

Chuyên đề