Loạt khu đất tại TP.HCM thuộc Bộ Giao thông vận tải xây chung cư vướng sai phạm về chuyển nhượng
Ba thửa số 108-112B-114 đường Hồng Hà, 428 và 430 Nguyễn Tất Thành, TP.HCM vướng sai phạm về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, theo Thanh tra Chính phủ.
Một góc trung tâm TP.HCM nhìn từ trên cao |
Thông tin trên được Thanh tra Chính phủ nêu trong kết luận thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh sang xây dựng nhà ở tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giai đoạn 2011 - 2021. Kết luận cho biết có 12 lô đất, cơ sở đất do các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT quản lý vướng sai phạm. Trong đó, có nhiều thửa đất để thực hiện dự án căn hộ thương mại.
Cụ thể, tại thửa đất số 108-112B-114 đường Hồng Hà, Phường 2, quận Tân Bình, Bộ GTVT và UBND TP.HCM đã cho liên doanh Sasco và Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova thực hiện Khu thương mại căn hộ cao cấp Sasco khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dự án này còn có tên thương mại là Botanica Premier, hiện đã chuyển nhượng các căn hộ dù liên doanh chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính ngân sách nhà nước.
Tương tự, tại khu đất số 428 Nguyễn Tất Thành, Quận 4, Công ty Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư thực hiện Dự án Căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ với Công ty Trung Thuỷ Lancaster trước thời điểm công ty này có đầy đủ các quyền sử dụng đất.
Ngay cạnh lô đất trên, thửa đất số 430 Nguyễn Tất Thành, Quận 4 được UBND TP.HCM giao cho Cảng Sài Gòn và Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 4 với diện tích hơn 4.600 m2. Sau đó thửa đất cũng được thoả thuận chuyển nhượng cho Công ty Trung Thuỷ Lancaster với giá trị 150 tỷ đồng, cao hơn giá trị do đơn vị thẩm định giá lập theo giá môi trường là 18,7 tỷ đồng. Việc chuyển nhượng Dự án chưa được Công ty MTV Dịch vụ công ích tổ chức đấu giá.
Tại 2 khu đất 428-430 Nguyễn Tất Thành, Công ty Trung Thuỷ đã phát triển Dự án Lancaster Lincoln nhưng hiện đã dừng triển khai nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.
Thanh tra Chính phủ cũng nêu tại cơ sở nhà đất số 1 bến Vân Đồn, Quận 4, Công ty CP Đại lý hàng hải Việt Nam có thoả thuận vốn góp 46,5 tỷ đồng để đầu tư trung tâm điều hành sản xuất kinh doanh (trước khi thuê đất trả tiền một lần) chưa đúng theo Luật Đất đai 2003. Việc góp vốn không lập thành phương án cụ thể để trình Tổng công ty Hàng hải Việt Nam phê duyệt.
Các hãng hàng không tăng cường bổ sung máy bay trước cao điểm Tết
Các hãng bay trong nước liên tục thuê thêm tàu bay để tăng nguồn lực khai thác, chuẩn bị cho dịp cao điểm Tết sắp tới.
Một tàu bay thuê ướt cho cao điểm Tết của Bamboo Airways. |
Vietravel Airlines vừa nhận tàu bay thân hẹp thuộc Avion Express - nhà cung cấp dịch vụ cho thuê máy bay trụ sở tại Litva. Đây là tàu bay hãng này thuê ướt (gồm máy bay và phi hành đoàn) để phục vụ dịp cao điểm cuối năm nay và Tết Nguyên đán.
Đầu tháng này, Bamboo Airways cũng bổ sung thêm một chiếc Airbus A320 qua hình thức thuê tương tự. Với 8 máy bay hiện tại, doanh nghiệp này đang làm việc với các đối tác để nhận thêm một số tàu bay trước Tết.
Trước đó, hồi tháng 10, Vietjet nhận tàu bay mới A321neo - chiếc thứ 80 trong đơn đặt hàng 206 tàu bay của hãng này với nhà sản xuất Airbus. Theo kế hoạch năm nay, hãng bay chi phí thấp sẽ đón 10 máy bay mới, gồm phần lớn A321neo.
Vietnam Airlines cũng đang tìm đối tác để thuê thêm 4 tàu bay Airbus A320/A321, trong đó 2 tàu thuê khô (chỉ máy bay) và 2 tàu thuê ướt. Mỗi tàu bay dự kiến khai thác 180 chuyến trong dịp cao điểm Tết 2025. Nếu thuê 2 tàu, hãng sẽ có thêm 64.800 chỗ, còn 4 tàu số chỗ tăng thêm 129.600 cho thị trường dịp cuối năm.
Giai đoạn vừa qua, thị trường hàng không Việt Nam thiếu máy bay trầm trọng do sự cố liên quan đến động cơ và việc tái cơ cấu của Bamboo Airways, Pacific Airlines. Cụ thể, đội tàu bay của các hãng giảm 40 - 45 chiếc so với năm ngoái, góp phần đẩy giá vé máy bay lên cao ở nhiều thời điểm. Việc bổ sung thêm tàu bay cũng gặp khó khăn khi nhiều thị trường nước ngoài ghi nhận nhu cầu cao, đẩy giá thuê lên theo.
Đại diện một hãng hàng không trong nước cho biết thời điểm hiện tại giá thuê tàu bay hạ nhiệt hơn do vào mùa thấp điểm du lịch, di chuyển của châu Âu. Bởi vậy, việc thuê với các hãng Việt Nam "dễ thở hơn".
Theo Cục Hàng không Việt Nam, các hãng tung ra hơn 5 triệu vé dịp cao điểm Tết sắp tới. Trong đó, Vietnam Airlines chiếm hơn 2,5 triệu vé, Vietjet Air mở bán sớm 2,6 triệu chiếc.
Thời gian này mọi năm, nhiều chặng bay đã hết vé từ sớm. Tuy nhiên, khảo sát năm nay cho thấy lượng vé dồi dào, chỉ một vài chặng bay trong ngày cao điểm mùng 4 và 5 tháng Giêng Âm lịch mới ghi nhận tình trạng hết vé tạm thời.
TP.HCM thí điểm thu phí đỗ ôtô dưới lòng đường bằng công nghệ mới
TP.HCM sẽ thí điểm thu phí đỗ ôtô bằng công nghệ RFID tại ba tuyến đường Hai Bà Trưng, Lê Lai, Quận 1 và Phạm Hữu Chí, Quận 5, thay ứng dụng trước đó.
Đường Lê Lai, một trong các tuyến chuẩn bị thu phí đỗ xe bằng công nghệ mới |
Phương án trên vừa được Sở Giao thông vận tải đề nghị Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong (đơn vị thu phí) thí điểm với thời gian ba tháng.
Đây là hình thức thu phí áp dụng công nghệ tự động nhận diện xe vào ô đỗ và trừ tiền trong tài khoản ví điện tử VETC (xe có trang bị thẻ Etag và tài khoản VETC còn tiền), hoặc qua mã QR thanh toán một chạm VETC (xe không có thẻ Etag hoặc có nhưng tài khoản hết tiền).
Theo Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong, giải pháp trên giúp hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên thu phí với người lái xe, tránh phát sinh xung đột, tranh cãi, tiêu cực. Ngoài ra, phương án này cũng giảm thời gian tải ứng dụng và thanh toán như cách thu phí hiện nay, thông qua phần mềm MyParking.
Sau khi thí điểm ở ba tuyến đường, các đơn vị sẽ đánh giá hạn chế, ưu điểm của giải pháp mới và đề xuất nhân rộng nếu phù hợp.
Từ năm 2018, TP.HCM thu phí đỗ ôtô ở hơn 20 đường thuộc Quận 1, 5, 10, nhằm giảm ùn tắc, tạo nguồn thu cho ngân sách. Mức phí thấp nhất 20.000 - 25.000 đồng cho giờ đầu tiên, thông qua ứng dụng MyParking, không dùng tiền mặt.
Sau thời gian triển khai, tình trạng ôtô đậu "chây ì" trên các tuyến đường đã giảm, song số tiền thu được hầu như luôn thấp hơn chi phí quản lý. Trong 6 tháng đầu năm nay, số phí thu được hơn 3,8 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng gần 640 triệu đồng.
Sân bay Đà Nẵng sẽ thu phí dịch vụ lối đi riêng
Hành khách muốn nhanh chóng, tiện lợi kiểm tra soi chiếu tại sân bay quốc tế Đà Nẵng có thể chi tiền để sử dụng dịch vụ lối đi riêng.
Khách chật kín tại Nhà ga quốc tế Đà Nẵng, |
Việc thu phí lối đi riêng tại điểm kiểm tra soi chiếu nhà ga hành khách quốc nội T1 sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2025. Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đang phối hợp với các doanh nghiệp liên quan xây dựng mức giá cho dịch vụ này.
"Dự kiến, giá khoảng 100.000 đồng/người, áp dụng chung cho khách trong nước và quốc tế. Trẻ em dưới 2 tuổi được miễn phí, trẻ 2 - 12 tuổi giảm 50%", ông Phan Kiều Hưng, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cho biết.
Ông Hưng cho biết, thu phí lối đi riêng tại khu kiểm tra soi chiếu là dịch vụ phi hàng không, không nằm trong hệ thống dịch vụ hàng không do Nhà nước ban hành. "Theo nghị định về quản lý cảng hàng không, dịch vụ này do doanh nghiệp cảng thực hiện, không làm ảnh hưởng đến các dây chuyền phục vụ khác", ông Hưng nói thêm.
Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã khảo sát khách hàng, nhận thấy nhiều người có nhu cầu đi lối riêng để nhanh hoàn thành thủ tục lên máy bay, đỡ phải chờ đợi và tạo sự thoải mái trước chuyến đi.
"Dịch vụ này không bắt buộc", ông Hưng khẳng định và cho biết, những hành khách không muốn sử dụng vẫn có thể xếp hàng qua cửa soi chiếu như trước đây. Nhà ga hành khách quốc tế T2 chưa áp dụng dịch vụ này.
Loại hình dịch vụ thu phí lối đi riêng không còn mới mẻ trên thế giới. Ở Việt Nam, các sân bay đều có lối đi ưu tiên, áp dụng cho những trường hợp như lãnh đạo cấp cao, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng...
Hơn 10 tháng đầu năm 2024, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đón hơn 13,4 triệu khách, trong đó hơn 6,2 triệu hành khách quốc tế và hơn 7,2 triệu khách trong nước, doanh thu hơn 1.615 tỷ đồng.
350 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất
Để phục vụ cho các dự án trọng điểm, Quảng Ngãi chi 350 tỷ đồng nâng cấp giao thông ở Khu kinh tế Dung Quất giai đoạn 2024 - 2027.
Đường Thanh Niên ở Khu kinh tế Dung Quất chi chít ổ gà vào mùa mưa |
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Dự án nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn; tạo điều kiện cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và giao thông cho người dân.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn của Tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đã bố trí 100 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất. Phần vốn còn lại của Dự án sẽ được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. Tỉnh đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn để hoàn thành.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã giao Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Tỉnh phối hợp các sở ngành, địa phương rà soát, tập trung đầu tư xây dựng các công trình cấp thiết theo thứ tự ưu tiên; đồng thời chú trọng việc giải phóng mặt bằng, không để ảnh hưởng đến tiến độ Dự án.
Dung Quất là khu kinh tế mở được thành lập năm 2005 theo quyết định của Thủ tướng Phan Văn Khải. Khu kinh tế này gắn liền với sự ra đời của Nhà máy lọc dầu đầu tiên của cả nước - Dung Quất.
Sau gần 20 năm hoạt động, Khu kinh tế đã đóng góp vào ngân sách Trung ương khoảng 175.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 80 - 90% tổng thu ngân sách hàng năm của Quảng Ngãi.
Hạ tầng giao thông tại Khu kinh tế Dung Quất gồm khoảng 120 km đường trục chính và nội khu, được xây dựng từ lâu nhưng ít được duy tu, sửa chữa. Hiện, nhiều tuyến đường trong khu vực này đang xuống cấp nghiêm trọng. Các tuyến giao thông huyết mạch dẫn vào khu kinh tế, như: quốc lộ 24C, tuyến Dốc Sỏi - Dung Quất, cùng nhiều tuyến đường trọng yếu khác cũng trong tình trạng tương tự.
Khu kinh tế Dung Quất hiện là nơi triển khai nhiều dự án lớn, bao gồm Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 và 2, bến cảng tổng hợp container Hòa Phát Dung Quất và Nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn 2. Các đại công trường tỷ USD này đang tăng tốc thi công, kéo theo nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng và hàng hóa tăng đột biến, gấp hàng trăm lần so với trước.
Dệt may Thắng Lợi (Vigatexco) bị xử phạt 92,5 triệu đồng
Công ty CP Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt 92,5 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Vigatexco bị xử phạt 92,5 triệu đồng do không công bố thông tin theo quy định |
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành Quyết định số 484/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Dệt may Thắng Lợi (Vigatexco), có trụ sở chính đặt tại số 02 Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM.
Theo đó, Vigatexco sẽ bị phạt tiền hơn 92 triệu đồng do không công bố thông tin trên hệ thống của UBCKNN đối với loạt báo cáo và văn bản gồm: Báo cáo thường niên 2023; Nghị quyết và Biên bản ĐHĐCĐ thường niên 2023; công bố thông tin về việc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024; công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống của UBCKNN về Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2024.
Công ty CP Dệt May Thắng Lợi (Vigatexco) thành lập vào tháng 7/2006, có trụ sở chính đặt tại số 2 Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM.
Dệt may Thắng Lợi hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vải dệt thỏi, sản xuất hàng dệt sẵn và kinh doanh bất động sản.
Người đại diện pháp luật là doanh nhận Nguyễn Lê Mỹ Hưng. Ngoài ra, vị doanh nhân này còn là người đại diện pháp luật của các công ty như: Công ty CP Phát triển Đất Việt, Công ty CP Nova Richstar, Công ty CP Điện tử và Dịch vụ công nghệ Sài Gòn, Công ty TNHH Nova Sasco, Công ty TNHH Nova Sagel, CTCP Đầu tư và Phát triển Chấn Phong, Công ty TNHH Mega Tie…
Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024 cho thấy, Công ty chỉ lãi ròng gần 4 tỷ đồng, nhưng vẫn sáng sủa hơn so với tình cảnh thua lỗ mà Vigatexco đã trải qua trong gần thập kỷ (2012 - 2021). Tổng tài sản công ty dệt may còn 600 tỷ đồng và đang lỗ lũy kế hơn 325 tỷ đồng.
Được biết, doanh nghiệp dệt may này cũng từng nhận án phạt 350 triệu đồng năm 2019 do không đăng ký giao dịch chứng khoán.
Nhiều cơ sở làng nghề ở Bắc Ninh bị xử phạt
Chủ đầu tư và 93 cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá ở huyện Yên Phong vi phạm quy định về môi trường, xây dựng, bị phạt hơn 38 tỷ đồng.
Bắc Ninh xử phạt hàng loạt cơ sở ở các làng nghề |
Ngày 24/11, UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết phát hiện 776 hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, quy hoạch, xây dựng ở cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá. Đoàn liên ngành đã lập 99 biên bản vi phạm hành chính với tổng mức xử phạt hơn 38 tỷ đồng. Đây là kết quả của đợt kiểm tra từ ngày 8 - 21/11 tại Công ty CP Tập đoàn Hanaka, Chủ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá và 94 cơ sở sản xuất trong cụm này.
Trong đó, riêng Công ty CP Tập đoàn Hanaka bị lập biên bản 5 hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, quy hoạch, xây dựng. UBND Tỉnh đã xử phạt công ty 888 triệu đồng và đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường tại Cụm công nghiệp trong 4 tháng 15 ngày.
Đối với 94 cơ sở trong làng nghề, qua kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện 771 hành vi vi phạm, lập 98 biên bản vi phạm hành chính đối với 92 cơ sở với tổng mức xử phạt hơn 37 tỷ đồng và 61 hình phạt bổ sung.
Trong đó, 92 cơ sở vi phạm về xây dựng; 82 cơ sở vi phạm về môi trường; 85 cơ sở vi phạm về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Công ty TNHH Nhôm Tanama bị xử phạt lớn nhất 1,8 tỷ đồng vì vi phạm ở tất cả nội dung kiểm tra.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đồng loạt kiểm tra, xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy tại các cụm công nghiệp, làng nghề. Đến ngày 31/12, các cơ sở sản xuất, cô đúc, tái chế trong khu dân cư vi phạm về môi trường, phòng cháy chữa cháy và an toàn điện sẽ phải dừng sản xuất.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 xác định, Bắc Ninh có 6 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và môi trường đầu tư.
Xe khách tăng giá vé 40 - 60% dịp Tết
Khách qua các bến xe lớn ở TP.HCM dịp Tết Nguyên đán 2025 dự báo xấp xỉ so với cùng kỳ, giá vé tăng 40 - 60% để bù chiều ôtô chạy rỗng.
Khách chờ lên xe tại Bến Miền Đông mới, TP Thủ Đức |
Theo kế hoạch phục vụ đi lại dịp Tết tại bến xe Miền Đông mới, TP. Thủ Đức, trong 20 ngày cao điểm trước và sau Tết, từ 19/1 - 7/2/2025 (20/12 tới 10/1 âm lịch), lượng khách qua nơi này dự báo đạt gần 140.000 người. Mức này tăng nhẹ so với cùng kỳ dịp Tết năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn nhiều kỳ vọng khi đây là bến liên tỉnh lớn nhất nước.
Ban Quản lý bến Miền Đông mới dự báo, khách đông nhất thời gian trước Tết từ 24 - 26/1/2025 (25 - 27/12 âm lịch), nhưng mỗi ngày chỉ khoảng 11.300 - 13.000 khách. Các ngày còn lại trước Tết, bình quân lượng khách chỉ khoảng 7.000 - 8.000 lượt.
Phía bến xe khuyến khích đơn vị vận tải không tăng giá vé dịp Tết năm nay, nhưng nếu điều chỉnh sẽ không quá 40 - 60% so với ngày thường để bù chiều xe chạy rỗng. Việc tăng giá vé áp dụng tuỳ mức, theo chặng đường, thời gian, doanh nghiệp phải niêm yết các thông tin cụ thể để bến kiểm soát.
Tương tự, tại bến xe Miền Đông cũ, quận Bình Thạnh, lãnh đạo bến xe Miền Đông cũ cho biết, dịp Tết năm nay, tổng lượng khách qua nơi này dự báo hơn 181.000 người, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Hiện, bến xe chỉ còn một số tuyến cố định từ TP.HCM đi Bình Dương, Bình Phước, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk. Với lượng khách dự báo như trên, bến xe lên kế hoạch bố trí hơn 9.300 chuyến xe đáp ứng nhu cầu. Đồng thời, giá vé xe tại bến tăng 40 - 60%.
Trong khi đó, khách qua bến xe Miền Tây, quận Bình Tân dịp Tết năm nay dự báo tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng thời gian trước Tết, từ 19/1 - 7/2/2025, bến dự kiến phục vụ hơn 437.000 khách, tương đương 16.400 chuyến xe. Do đặc thù đường về miền Tây ngắn, khách tập trung đến bến mua vé những ngày giáp Tết. Trong đó, ngày cao điểm nhất dự báo hôm 27/12 âm lịch, với khoảng 62.550 lượt khách qua nơi này. Giá vé xe Tết tại bến xe Miền Tây cũng tăng tối đa 40%.