Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết với tỷ lệ tán thành cao |
Chiều 23/11, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Phiên họp.
Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết về “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội”, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua nghị quyết này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo |
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 421/423 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 87,89% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội” với tỷ lệ tán thành cao.
Nghị quyết giao Chính phủ thực hiện ngay các nhiệm vụ và giải pháp:
Đối với các luật mới ban hành có liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội như Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Đất đai năm 2024, đề nghị tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền được giao. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2015 - 2023 và các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai quy định mới, tạo hành lang pháp lý an toàn, đầy đủ, thuận lợi, ổn định, khả thi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, nhất là các quy định chuyển tiếp, bảo đảm điều kiện tiếp cận, sử dụng đất và các nguồn lực khác công bằng, công khai, hiệu quả.
Các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết |
Tập trung chỉ đạo công tác hướng dẫn và tổ chức thực hiện pháp luật về tài chính đất đai, trong đó chú trọng công tác định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và các chính sách khác có liên quan, bảo đảm duy trì mặt bằng hợp lý chi phí liên quan đến đất đai là chi phí đầu vào của nền kinh tế, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết và tổ chức thi hành có hiệu quả các luật, nghị quyết có liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội sau khi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 như Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Địa chất và khoáng sản, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất và Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa…
Các đại biểu tại phiên họp |
Có phương án giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ có sự thay đổi trên cơ sở xem xét toàn diện các yếu tố thực tiễn khách quan, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí và tính khả thi của phương án giải quyết để bảo đảm quyền lợi chính đáng của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, vì lợi ích chung, tổng thể, giải phóng nguồn lực cho thị trường bất động sản, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế - dân sự; làm rõ nội hàm “không hợp thức hóa các vi phạm”.
Có giải pháp cụ thể và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quản lý, sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; có cơ chế, chính sách xử lý đối với trường hợp phương án sử dụng đất sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không còn phù hợp với quy hoạch; có giải pháp cụ thể tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đã ký kết, hoàn thành trong năm 2025.
Giao Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết này trong quý I/2025, trong đó xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, tiến độ và bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ; gửi kế hoạch cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để giám sát…