Khắc phục bất cập do thiếu thuốc, thiết bị y tế: Cần cơ chế bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế (TBYT) thời gian qua khiến nhiều người bệnh phải bỏ tiền túi tự đi mua thuốc bên ngoài, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) cần bổ sung các quy định về việc thanh toán trực tiếp cho người bệnh trước khi ra viện và cơ chế điều chuyển trong trường hợp thiếu thuốc, TBYT dù đã mua sắm, đấu thầu để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người bệnh.
Khắc phục bất cập do thiếu thuốc, thiết bị y tế: Cần cơ chế bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT

Tại Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật BHYT bổ sung một số nội dung sửa đổi mới mang tính cấp bách đã có thông tin, dữ liệu rõ ràng để khắc phục các vướng mắc, bất cập, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT. Trong đó, Dự thảo Luật sửa đổi Điều 31 Luật BHYT theo hướng bổ sung cơ chế thanh toán trực tiếp cho người có thẻ BHYT; điều chuyển thuốc, TBYT giữa các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT trong trường hợp không có sẵn (dù đã mua sắm theo các quy định thuận tiện nhất của Luật Đấu thầu năm 2023, nhưng vẫn thiếu thuốc) và không thể thay thế bằng thuốc, TBYT khác. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc và bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, không để người bệnh phải tự mua và được bảo đảm quyền lợi.

Dự thảo Luật cũng cập nhật quy định về ban hành nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc, TBYT được hưởng BHYT và sửa đổi, bổ sung phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT để đồng bộ với Luật KCB như: chi phí vận chuyển người bệnh; chi phí điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi; chi phí sử dụng máu, chế phẩm máu, khí y tế, vật tư, công cụ, dụng cụ sử dụng trong KCB thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT…

Liên quan đến việc thanh toán cho người bệnh tự mua thuốc, TBYT do cơ sở KCB thiếu thuốc, TBYT thuộc danh mục BHYT chi trả, trước thềm Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuốc, TBYT trực tiếp cho người có thẻ BHYT, trong đó nêu rõ điều kiện, tiêu chí và định mức được thanh toán.

Cụ thể, trường hợp thuốc, TBYT thuộc phạm vi thanh toán là thuốc thuộc Danh mục thuốc hiếm; TBYT loại C hoặc D (trừ TBYT chẩn đoán in vitro, thiết bị y tế đặc thù cá nhân, TBYT thuộc Danh mục TBYT do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành được mua, bán như các hàng hóa thông thường). Đơn giá thuốc, TBYT làm căn cứ để xác định mức thanh toán không được vượt quá đơn giá thanh toán tại thời điểm gần nhất đối với trường hợp thuốc, TBYT đã trúng thầu tại cơ sở KCB nơi người bệnh đã KCB… Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025.

Mặc dù ghi nhận nỗ lực này của Bộ Y tế, nhưng một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, những quy định trên vẫn chưa giải quyết được triệt để các vướng mắc hiện nay và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân tham gia BHYT.

Về thanh toán trực tiếp cho người bệnh, theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM), điều này có nghĩa là chỉ những nhóm thuốc hiếm và một số TBYT… mới được thanh toán. Tình trạng thiếu thuốc, TBYT của các cơ sở y tế (CSYT) công lập thời gian qua kéo dài từ năm 2020 đến nay, đồng nghĩa với việc người bệnh phải tự bỏ tiền túi ra mua ngoài các thuốc, TBYT thuộc Danh mục BHYT chi trả, nhưng không được thanh toán. Theo đó, quyền lợi của người dân tham gia BHYT chưa được bảo đảm đầy đủ, ảnh hưởng tới chính sách an sinh xã hội.

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, danh mục thuốc hiếm hiện chỉ có 443 lượt hoạt chất trong tổng số danh mục 1.096 lượt hoạt chất được Quỹ BHYT chi trả, chưa tính đến 578 loại thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Mặt khác, trên thực tế, nhu cầu sử dụng thuốc hiếm là rất thấp. Tương tự, Thông tư số 22/2024/TT-BYT chỉ giải quyết được phần nào những trường hợp bệnh nặng đặc thù (đặt stent, phẫu thuật bắt nẹp vít…), trong khi thực tế có nhiều TBYT loại A hoặc B thường xuyên được sử dụng và rất cần thiết trong công tác KCB như găng tay, dây truyền dịch, bơm kim tiêm các loại, kim luồn... lại không được thanh toán trực tiếp. Bên cạnh đó, điều kiện, hồ sơ, thủ tục thanh toán rất phức tạp, gây khó khăn khi triển khai thực hiện. Do đó, đại biểu Trần Chí Cường đề xuất Cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung nội dung này.

Từ bất cập trong việc thanh, quyết toán thuốc, TBYT BHYT, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cũng đề nghị xem xét bổ sung quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở KCB về việc bảo đảm đầy đủ và kịp thời thuốc, TBYT cho người bệnh trong phạm vi quyền lợi được hưởng; đồng thời, có trách nhiệm thanh toán cho người bệnh chi phí tự mua thuốc, TBYT theo chỉ định của bác sỹ trước khi hoàn tất thủ tục ra viện, tổng hợp thanh toán và chịu trách nhiệm về hồ sơ đề nghị thanh toán với cơ quan BHXH.

Về điều chuyển thuốc, TBYT giữa các cơ sở KCB BHYT trong trường hợp không có sẵn và không thể thay thế bằng thuốc, TBYT khác, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) đề nghị, Dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về việc điều chuyển thanh toán chi phí thuốc, TBYT giữa các cơ sở KCB để tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời phục vụ người bệnh.

“Việc điều chuyển thuốc, TBYT giữa các cơ sở KCB BHYT là điểm mới đáng ghi nhận của Dự thảo Luật, mở ra hướng xử lý khi thiếu hụt. Nhưng nếu điều kiện thanh toán quá phức tạp, phải đáp ứng đồng thời nhiều điều kiện, thì sẽ gây ra rào cản cơ chế, khó thực hiện hiệu quả”, đại diện Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) lưu ý.

Để đảm bảo tính hiệu quả và minh bạch cũng như tăng cường trách nhiệm mua sắm của cơ sở KCB, đại biểu Trần Thị Nhị Hà khuyến nghị, cần quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm điều phối thuốc, TBYT; bổ sung quy định mỗi cơ sở KCB không được điều chuyển quá 10% trong tổng số tiền mua sắm thuốc trong một năm.

Về phạm vi thanh toán BHYT, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cũng cho rằng, Quỹ cần cân nhắc bổ sung việc thanh toán cho các dịch vụ có tính chất dự phòng, sàng lọc các bệnh đang chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí điều trị như: ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường… Việc sàng lọc các bệnh này chưa được BHYT chi trả gây lãng phí tiềm năng phòng ngừa bệnh tật của hệ thống y tế. Đại biểu kiến nghị bổ sung điểm 1 khoản 1 Điều 21 về phạm vi thanh toán BHYT cho danh mục dự phòng sàng lọc định kỳ. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể danh mục bệnh, tần suất, khung giá các dịch vụ này.

Giải trình và tiếp thu ý kiến của các ĐBQH đóng góp xây dựng Dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá, nhìn chung, tất cả các góp ý đều tập trung kiến nghị các giải pháp để nâng cao chất lượng KCB BHYT cho người dân thuận lợi nhất. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra của Quốc hội tiếp tục rà soát, tiếp thu tối đa để chỉnh lý về quy định điều chuyển thuốc, TBYT và cơ chế thanh toán trực tiếp cho người bệnh khi cơ sở KCB thiếu thuốc, TBYT để hoàn thiện Dự án Luật một cách tốt nhất để có thể thông qua tại Kỳ họp lần này.

Chuyên đề