Hủy thầu, hệ lụy không đáng có từ HSMT tiêu chuẩn cao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thực tiễn hoạt động đấu thầu thời gian qua ghi nhận số lượng các gói thầu bị hủy thầu ngày một gia tăng, thậm chí hủy thầu nhiều lần. Bên cạnh những lý do khách quan, chính đáng, vẫn phổ biến tình trạng hủy thầu do nhà thầu không thể đáp ứng các điều kiện khắt khe, nằm ngoài yêu cầu cần thiết của gói thầu.
Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 tại huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đã 3 lần phải hủy thầu do tiêu chuẩn đánh giá tính hợp lệ của hàng hóa bất khả thi. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 tại huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đã 3 lần phải hủy thầu do tiêu chuẩn đánh giá tính hợp lệ của hàng hóa bất khả thi. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế vừa quyết định hủy Gói thầu Mua sắm, lắp đặt bảng led và các thiết bị phục vụ công tác tại hội trường tầng 5 - Cơ quan Liên đoàn lao động Tỉnh. Theo tìm hiểu, Gói thầu có quy mô rất nhỏ (351 triệu đồng), với danh mục thiết bị đơn lẻ, song phải hủy thầu do nhà thầu duy nhất tham dự là Công ty TNHH MTV Viễn thông MMD không đáp ứng hàng loạt tiêu chí bất cập tại hồ sơ mời thầu (HSMT). Cụ thể, HSMT yêu cầu nhà thầu đề xuất 3 nhân sự chủ chốt, gồm: quản lý (chỉ huy trưởng); cán bộ kỹ thuật trực tiếp lắp đặt, vận hành và chuyển giao công nghệ; cán bộ phụ trách an toàn lao động - vệ sinh môi trường - phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, HSMT không bảo đảm cạnh tranh khi chỉ định xuất xứ thiết bị như: Module led P3 fullcolour indoor Pro, xuất xứ: Trung Quốc, hãng sản xuất: Scree...

Trước đó, Gói thầu Mua sắm trang thiết bị, dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai (giá dự toán 3,2 tỷ đồng), do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Cửu làm chủ đầu tư cũng liên tục bị “tố” hạn chế cạnh tranh khi yêu cầu đến 5 vị trí nhân sự chủ chốt. Trong đó, một số vị trí yêu cầu chứng chỉ hành nghề lĩnh vực xây dựng như: cán bộ kỹ thuật lắp đặt thiết bị yêu cầu có chứng chỉ hành nghề giám sát lắp đặt thiết bị cơ điện vào công trình hạng III trở lên; cán bộ quyết toán công trình có chứng chỉ định giá xây dựng hạng III trở lên; cán bộ kỹ thuật xây dựng có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình dân dụng/hạ tầng kỹ thuật hạng III trở lên... Theo đánh giá của các nhà thầu, đây đều là các yêu cầu nằm ngoài sự cần thiết của gói thầu mua sắm hàng hóa quy mô nhỏ, kỹ thuật lắp đặt, hồ sơ thanh quyết toán đơn giản. Bên cạnh đó, HSMT còn xây dựng một loạt tiêu chuẩn đánh giá không được pháp luật về đấu thầu quy định như: yêu cầu nhà thầu đề xuất đơn vị thí nghiệm vật liệu, biện pháp bảo vệ môi trường...

Đến thời điểm hiện tại, gói thầu tưởng chừng đơn giản này vẫn chưa hoàn tất lựa chọn nhà thầu sau 2 lần hủy thầu, do các nhà thầu tham dự không thể đáp ứng trọn vẹn yêu cầu tại HSMT.

Ngày 4/3/2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn thông báo hủy lần 3 đối với Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 năm học 2021 - 2022 cho các trường học trên địa bàn Huyện. Nguyên nhân khiến gói thầu có giá dự toán 1,4 tỷ đồng khó chọn nhà thầu được cho là xuất phát từ loạt tiêu chuẩn đánh giá tính hợp lệ của hàng hóa cao đến mức bất khả thi như: chứng chỉ ISO 9001:2015; ISO 14001:2015; chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn; chứng nhận sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia; chứng nhận thương hiệu tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương; phiếu kết quả thử nghiệm lớp sơn trên nền thép (đối với bàn, ghế)...

Theo chuyên gia đấu thầu, khung pháp lý về đấu thầu ở thời điểm hiện tại khá đồng bộ, thống nhất và hoàn thiện, tạo thuận lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu tham chiếu xây dựng HSMT đảm bảo minh bạch, cạnh tranh. Do vậy, để xảy ra tình trạng các gói thầu quy mô nhỏ, tính chất đơn giản lại yêu cầu hàng loạt tiêu chuẩn đánh giá tùy tiện, không cần thiết, dẫn đến không lựa chọn được nhà thầu, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư/bên mời thầu. Bên cạnh đó, cần xem xét lại vai trò của tư vấn thẩm định HSMT. Bởi, đơn vị thẩm định phải độc lập, khách quan mới giúp loại bỏ khỏi HSMT những yếu tố làm triệt tiêu tính cạnh tranh.

Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) dự kiến bổ sung quy định: “Trường hợp HSMT có các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, thì các nội dung này sẽ bị coi là vô hiệu, không phải là căn cứ để đánh giá hồ sơ dự thầu”. Các chuyên gia về đấu thầu cho rằng, theo tinh thần đột phá này, những nội dung hướng dẫn triển khai sẽ được đề cập rõ trong các văn bản dưới luật, tạo điều kiện cạnh tranh sòng phẳng giữa các nhà thầu.

Chuyên đề