Cụ thể, theo Công ty, hàm lượng sắt trong quặng thấp, trung bình khoảng 30% - 40% TFe; Chi phí khai thác quá cao, gồm chi phí bóc tách đất đá và các chi phí khác. Tỷ lệ bóc đất đá lến tới 10 tấn/1 tuấn quặng khai thác, trong khi giá quặng sắt thô thế giới giảm sâu, giảm từ 30% - 50% so với thời điểm đầu năm 2014.
Do vậy, với đặc thù thân quặng có chiều dày mỏng, kéo dài và hàm lượng nghèo như mỏ Tùng Bá, chi phí khai thác không thể cạnh tranh được so với các mỏ lớn trên thế giới dẫn đến thua lỗ lớn của Công ty. Đến hết 2015, Công ty bị lỗ lũy kế 204 tỷ đồng.
Chi phí khắc phục để đảm bảo môi trường quá cao khi phân bổ vào 1 tấn quặng khai thác. Các nghĩa vụ phí với Nhà nước như tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền sử dụng số liệu thông tin địa chất phải nộp quá cao trong bối cảnh khó khăn hiện tại.
Các yếu tố trên dẫn đến tổng chi phí khai thác một tấn quặng sắt quá cao so với chi phí khai thác của các mỏ sắt lớn trên thế giới,nếu tiếp tục duy trì sẽ dẫn đến Công ty càng khai thác, càng thua lỗ, dẫn đến nguy cơ phá sản. Đây cũng là tình trạng chung của ngành khai thác chế biến quặng sắt của Việt Nam.
Mặc dù Chính phủ và Bộ Công thương đã có chính sách cấm xuất khẩu quặng sắt, khuyến khích phục vụ sản xuất trong nước, chống chảy máu tài nguyên, nhưng việc giá thành khai thác trong nước cao, điều kiện khai thác khó khăn cộng thêm nhiều thuế phí quá cao dẫn đến giá thành không cạnh tranh được với quặng của các mỏ lớn trên thế giới. Bằng chứng là Hòa Phát đang nhập khẩu quặng sắt quy mô lớn từ các nước với giá rất cạnh tranh, chất lượng quặng tốt.
Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ xin trả lại mỏ của Hòa Phát từ ngày 23/11/2015. Tuy nhiên đến nay, Công ty vẫn phải chờ Tổng cục đưa ra hướng dẫn cụ thể để thực hiện đúng theo quy định Luật khoáng sản và các quy định khác của pháp luật liên quan.