Hòa Phát: Không có lý do để tăng giá thép

(BĐT) - Sáng 31/3/2016, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã tiến hành cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2016 với sự tham gia của hơn 100 cổ đông đại diện cho 73,34% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Không phủ nhận khó khăn

Theo báo cáo kết quả kinh doanh, năm 2015, Hòa Phát đạt 1,2 tỷ USD doanh thu, vượt 24% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 3.504 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch đề ra. Nhóm ngành sản xuất thép vẫn là mảng sản xuất kinh doanh có đóng góp trọng yếu vào tổng doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn, tương đương 79% doanh thu và 82% LNST. Tổng sản lượng thép năm 2015 của Hòa Phát đạt 1,38 triệu tấn, tăng 38% so với năm 2014, tiếp tục dẫn đầu thị trường thép xây dựng với 21,3% thị phần. Bên cạnh thép xây dựng, ống thép Hòa Phát cũng tăng trưởng đáng kể. Trong năm 2015, sản lượng tiêu thụ ống thép Hòa Phát tăng hơn 40% so với năm 2014, đóng góp hơn 7.000 tỷ đồng doanh thu và tiếp tục dẫn đầu thị phần tiêu thụ ống thép trong cả nước.

Tăng trưởng lạc quan nhưng Hòa Phát cũng không phủ nhận những khó khăn mà Công ty đã phải đối mặt trong năm vừa qua. Giá quặng sắt trên thế giới giảm mạnh, dao động quanh mức 40 USD/tấn khiến LNST của nhóm ngành này suy giảm. Sự lao dốc này được dự báo sẽ tiếp tục trong vài năm tới. Hòa Phát đã chủ trương giảm sản lượng khai thác quặng sắt tại các mỏ của mình, tăng cường nhập khẩu quặng từ nước ngoài và ưu tiên cải tiến công nghệ nhằm thu hồi tối đa hàm lượng sắt trong quặng. 

Kế hoạch dè dặt, thù lao khủng

Năm 2016, Hòa Phát đặt kế hoạch doanh thu đạt 28.000 tỷ đồng, LNST đạt 3.198 tỷ đồng, thấp hơn hơn 300 tỷ đồng so với kết quả đạt được năm 2015. Đại diện Hòa Phát cho biết, kế hoạch lợi nhuận ban đầu được đặt ra là 2.500 tỷ đồng – vào tháng 10 năm ngoái, trong tình hình hoạt động kinh doanh cực kỳ khó khăn. Kế hoạch gần đây được điều chỉnh lên mức gần 3.200 tỷ đồng – đã là sự cố gắng của Ban lãnh đạo Công ty.

Biến động giá thép “nhảy múa” ngoài thị trường trong thời gian vừa qua là kết quả của việc các đại lý găm giữ thép. Trên thực tế, giá thép hiện tại đang dần ổn định, không ít đại lý “thua đau” khi găm giữ hàng.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT HPG, cổ đông lớn nhất của Hòa Phát (nắm giữ trên 25% cổ phần Công ty) là người “khát khao lợi nhuận” nhất. Tuy nhiên, “xung đột” muôn thuở giữa cổ đông và Ban điều hành Công ty luôn là mức lợi nhuận kỳ vọng. Với vai trò Chủ tịch HĐQT, ông Long cho biết sẽ cố gắng dẫn dắt Công ty đạt mức lợi nhuận tối thiểu như năm 2015 vừa qua.

Tại ĐHCĐ, ông Long cũng hé lộ mức lợi nhuận đạt được trong quý I/2016 ước đạt 900 tỷ đồng sau thuế. Ông Long cũng bày tỏ sự tự hào khi Hòa Phát là một trong rất ít doanh nghiệp ở Việt Nam thường xuyên mở rộng sản xuất đồng thời chia cổ tức đều đặn cho cổ đông. Năm 2015, mức cổ tức tiền mặt chi trả của Hòa Phát là 15%, điều này đồng nghĩa Công ty đã phải rút khoảng 1.000 tỷ đồng tiền mặt khỏi kinh doanh. “Đó là việc không hề dễ dàng” – người đứng đầu Hòa Phát cho biết.

Một nội dung được các cổ đông quan tâm là mức thưởng của Ban lãnh đạo Hòa Phát. Theo tính toán, với kết quả kinh doanh đạt được năm 2015, căn cứ Nghị quyết ĐHCĐ năm 2015, mức thưởng của Ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát ở vào khoảng 35 tỷ đồng (1% LNST). Một số cổ đông cho rằng, mức thưởng như vậy là quá cao.

Chia sẻ tại ĐHCĐ, ông Trần Đình Long cho biết, với quy mô và tầm cỡ của Hòa Phát, mức thưởng  35 tỷ đồng chia cho toàn bộ Ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát, thì mỗi thành viên cũng chỉ nhận về từ 3-4 tỷ đồng/năm. Đó không phải là mức thù lao quá cao so với những thành tích mà Hòa Phát đã đạt được. Lần đầu tiên, ông Trần Đình Long công khai mức lương của CEO Trần Tuấn Dương hiện đang ở mức 70 triệu đồng/tháng (trước thuế). Một CEO ở công ty tầm cỡ như Hòa Phát, thông thường mức lương sau thuế không dưới 300 - 400 triệu đồng/tháng. Chính vì thế, mức thưởng căn cứ vào kết quả kinh doanh là hoàn toàn phù hợp. Ông Long cũng cho biết đây là lần cuối cùng ông trả lời những thông tin liên quan đến thưởng Ban lãnh đạo. 

Thuế tự vệ là bảo vệ cả ngành thép, không riêng Hòa Phát

Mức thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu cũng là một trong những nội dung được cổ đông quan tâm. Với thời hạn 200 ngày, đại diện Hòa Phát cho rằng, đó là thời gian để cho các doanh nghiệp trong ngành thích ứng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh. Hòa Phát, với vai trò là doanh nghiệp thép đầu ngành, lợi thế đối với Công ty là không nhỏ - ông Long thừa nhận. Tuy nhiên, ông Long nhấn mạnh, mức thuế này là nhằm bảo vệ cả ngành thép trong nước, chứ không riêng Hòa Phát.

Trao đổi bên lề Đại hội, ông Trần Đình Long cho biết, từ 17/3/2016, Hòa Phát chủ trương không tăng giá bán thép. Biến động giá thép “nhảy múa” ngoài thị trường trong thời gian vừa qua là kết quả của việc các đại lý găm giữ thép. Trên thực tế, giá thép hiện tại đang dần ổn định, không ít đại lý “thua đau” khi găm giữ hàng. Tháng 6 tới đây, thời gian thấp điểm xây dựng, giá thép chắc chắn sẽ giảm – ông Long nhận định.

Khi được hỏi về cơ sở để Hòa Phát quyết định sẽ giữ giá thép, ông Long cho biết, căn cứ vào nhu cầu không biến động nhiều thì không có lý do gì để Công ty đẩy giá thép lên.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư