Với việc dồn toàn lực cho Dự án Dung Quất, nhiều khả năng Hòa Phát tiếp tục trả cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2018 với tỷ lệ 30% |
Sản lượng thép có thể đạt 7 triệu tấn vào năm 2020
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất là dự án chiến lược quy mô lớn nhất từ trước tới nay của Hòa Phát với tổng mức đầu tư 52.000 tỷ đồng. Dự án này được cấp phép từ năm 2006 do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) đầu tư với số vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD. Sau đó, Tập đoàn E-United (Đài Loan) hợp tác với Tycoons để cùng thực hiện và nâng vốn Dự án lên 3 tỷ USD.
Đến đầu năm 2012, Tập đoàn Thép JFE của Nhật Bản đã quyết định góp vốn cùng Tập đoàn E-United nghiên cứu, tiếp tục triển khai Dự án thép 4,5 tỷ USD này. Tuy nhiên, sau 10 năm không hoàn thành, năm 2016, Dự án được chuyển giao cho Hòa Phát. Đã có những nghi ngại về tính khả thi của Dự án khi về tay Hòa Phát. Ngoài ra, với quy mô đầu tư lớn, nhiều nhà đầu tư cũng quan tâm tới chi phí khấu hao của Dự án sẽ làm giảm lợi nhuận, sức cạnh tranh của Hòa Phát.
Tại ĐHĐCĐ, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cho biết, về tiến độ Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Tập đoàn đã bắt đầu lắp đặt thiết bị dây chuyền cán thép dài đầu tiên, xây dựng cảng nước sâu và các hạng mục xây dựng cơ bản khác theo tiến độ. Đến thời điểm này, Tập đoàn đã tuyển dụng gần 3.000 nhân sự cho Dự án, đào tạo vận hành thực tế tại Hải Dương nhằm phục vụ quá trình xây dựng và vận hành Khu liên hợp tại Quảng Ngãi. Tập đoàn Hòa Phát cũng cho biết đã nghiên cứu xin thủ tục nâng cấp, mở rộng diện tích Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất lên gấp đôi.
Ông Long cho biết, khi Dự án hoàn thành năm 2020, sản lượng thép của Dự án có thể lên đến 7 triệu tấn, giúp Hòa Phát nằm trong top 2 về sản lượng tại Việt Nam và lọt top 50 công ty thép lớn nhất thế giới, nhất nhì Đông Nam Á. Sản lượng 7 triệu tấn thép cũng giúp Hòa Phát cạnh tranh tốt hơn với Formosa khi suất đầu tư chỉ là 500 USD/tấn, nhỏ hơn rất nhiều so với Formosa (khoảng 1.300 USD/tấn).
Với việc dồn toàn lực cho Dự án Dung Quất, ĐHĐCĐ Hòa Phát cho biết, nhiều khả năng tiếp tục trả cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2018 với tỷ lệ 30%.
Nông nghiệp - tay ngang nhưng vẫn hiệu quả
Về chăn nuôi gà đẻ trứng, nguồn cung trứng của Tập đoàn đến từ 2 trại gà đẻ thương phẩm với quy mô 600.000 con gà mái đẻ/năm tại Đồng Nai và Phú Thọ. Ngoài ra, Hòa Phát cũng có một trang trại gà tại Phú Thọ với quy mô 22.000 - 25.000 con.
Trong năm nay, Hòa Phát dự kiến có 20 triệu trứng gà thương phẩm, dự kiến nâng sản lượng trứng gà thương phẩm lên 300 triệu trứng vào năm 2020.
Ở mảng chăn nuôi heo, lứa heo 3 máu thương phẩm đầu tiên của Hòa Phát chuẩn bị ra thị trường. Trong khi đó, mảng sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong năm 2018 dự kiến tăng 30% so với năm 2017. Hòa Phát đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ đạt 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi/năm, 450.000 đầu heo thương phẩm/năm, 75.000 bò thịt/năm và 300 triệu trứng gà sạch/năm.
Trong năm 2017, tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của mảng nông nghiệp đóng góp lần lượt là 6% và 1%. Cụ thể, tổng doanh thu đạt 3.073 tỷ đồng, tăng 70,7% so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 47,4 tỷ đồng, tăng 70,5% so với năm 2016.
Ban lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cho biết sẽ tiếp tục duy trì, phát triển mảng nông nghiệp nhưng không mở rộng quy mô trong vòng 3 - 5 năm tới.