Hòa Bình: Cần tư duy đột phá, táo bạo trong phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, Hòa Bình đã đạt được một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, nhưng cần phải thấy rằng sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Do vậy, Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 cần có yếu tố mới, tư duy đột phá, thậm chí phải có những tính toán táo bạo hơn để phát triển nhanh, bền vững.

Đây là quan điểm được Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gợi ý tại Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được tổ chức vào chiều ngày 5/6/2023.

Tìm yếu tố mới cho Hòa Bình

Hòa Bình: Cần tư duy đột phá, táo bạo trong phát triển ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Ảnh: Lê Tiên

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh Hòa Bình trong công tác xây dựng quy hoạch và cho rằng đây là cơ hội tốt để Hòa Bình tìm ra điểm nghẽn, động lực mới, giá trị mới để phát huy, đột phá, đạt được mục tiêu đề ra.

Theo Bộ trưởng, Hòa Bình có vị trí quan trọng, thuận lợi với vai trò là trung tâm kết nối giữa Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Tây Bắc; trong đó Hòa Bình là cầu nối, bệ đỡ cho cả vùng Tây Bắc và rất hiếm tỉnh có được vị trí, cơ hội thuận lợi như vậy. Tuy nhiên, thời gian qua Hòa Bình vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế khoáng sản, thiên nhiên, khí hậu, vị trí địa lý; nguồn lực đất đai còn nhiều, công nghiệp chưa phát triển được bao nhiêu. "Hòa Bình giờ đây cần phải tìm ra giá trị mới, yếu tố mới, động lực mới cho phát triển trong giai đoạn tới. Trong đó, Quy hoạch Tỉnh cần có những tư duy đột phá, có thể phải táo bạo hơn cho bài toán phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận xét.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi ý, Hòa Bình có lẽ không chỉ đầu tư hạ tầng, làm đường cao tốc về Hà Nội, không chỉ dựa vào Quốc lộ 6 như hiện nay mà có thể tính mở đường nối ra Thanh Hóa để tạo động lực mới cho phát triển, kết nối với cảng Nghi Sơn, sân bay, khu công nghiệp, khu kinh tế…

"Hay có nên lựa chọn phát triển công nghiệp ở mức độ phù hợp với lợi thế sát với Hà Nội trong bối cảnh dư địa phát triển công nghiệp của Hà Nội sẽ giảm dần và mật độ phát triển công nghiệp trong tương lai sẽ phải san ra cho Hòa Bình… Cần bài toán để đón đầu xu hướng này không? Hay đối với dịch vụ, Hòa Bình có nên làm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, có làm thủ phủ sân golf của phía Bắc nhờ địa hình đồi núi (khó làm được nông nghiệp, đất công nghiệp). Các loại hình du lịch gần Hà Nội với cự ly, phạm vi vừa phải đang có nhu cầu lớn, và cơ hội cho Hòa Bình là hiện hữu…", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng

Hòa Bình: Cần tư duy đột phá, táo bạo trong phát triển ảnh 2

Ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Lê Tiên

Chia sẻ về Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình cho biết, Quy hoạch Tỉnh là bản quy hoạch được lập theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, phù hợp với các quy hoạch quốc gia và quy hoạch của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Quy hoạch tỉnh Hòa Bình có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030; từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Hòa Bình trong thời kỳ quy hoạch.

Ông Nguyễn Phi Long thông tin thêm: "Hiện Hòa Bình đang tập trung nhiều nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng. Trong năm nay, Hòa Bình phấn đấu khởi công tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đây là tuyến đường mà các tỉnh khu vực Tây Bắc rất mong chờ. Sang năm, có thể khởi công cao tốc tiếp nối của đoạn từ Hà Nội - Hòa Bình (đoạn còn 23km sẽ mở đường hoàn thiện). Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong thời điểm này là động lực quan trọng trong phát triển của Tỉnh thời gian tới. Hiện có một số nhà đầu tư lớn về du lịch dịch vụ đã vào Hòa Bình để đầu tư hệ thống cáp treo Hương Bình tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội…".

5 đột phá phát triển, 6 nhiệm vụ trọng tâm

Hòa Bình: Cần tư duy đột phá, táo bạo trong phát triển ảnh 3

Phương án phát triển khu vực có vai trò động lực và vùng khó khăn. Ảnh: Lê Tiên

Về một số định hướng lớn, Quy hoạch tỉnh Hòa Bình tập trung 5 khâu đột phá phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc Mường và Nền văn hóa Hòa Bình; Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ; Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Tập trung thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Tỉnh. Trong 5 khâu đột phá này, 2 khâu được xác định là đột phá có vị trí then chốt là phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.

Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2003, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo 2 hành lang kinh tế gồm:

- Hành lang kinh tế Đông - Tây (gắn với QL.6 và CT.03): Phát triển Hành lang kinh tế Đông - Tây tỉnh Hòa Bình là một bộ phận của hành lang kinh tế Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên.

- Hành lang kinh tế phía Đông (gắn với đường Hồ Chí Minh và CT.02): Phát triển hành lang kinh tế phía Đông tỉnh Hòa Bình gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc CT.02 qua Lương Sơn (giáp Thành phố Hà Nội) - Lạc Thủy - Yên Thủy - Lạc Sơn (giáp tỉnh Thanh Hóa).

Hòa Bình đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Quy hoạch. Trong đó bao gồm: Tạo dựng và phát triển các ngành sản phẩm động lực (ngành quan trọng) cho tăng trưởng kinh tế của Tỉnh. Động lực của Tỉnh trong dài hạn sẽ là các ngành sản phẩm liên quan đến: ngành công nghiệp điện và sản xuất cơ khí, thiết bị điện, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch văn hóa, lịch sử dân tộc Mường và sản phẩm “ngôi nhà thứ hai” theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, kết nối giao thông thuận tiện; nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả, sản phẩm thực phẩm sạch chất lượng cao.

Tập trung phát triển vùng kinh tế động lực của tỉnh dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trọng tâm là thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn để các vùng này trở thành đầu tàu tăng trưởng, có vai trò lan tỏa đến các vùng khác.

Giải quyết tốt mối liên kết kinh tế, đóng vai trò là trung tâm kết nối giữa Hà Nội với vùng Tây Bắc. Đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và các kết cấu hạ tầng khác để thực hiện các mối liên kết kinh tế này.

Đẩy mạnh và phát triển đồng bộ, phù hợp và phát huy có hiệu quả kinh tế số. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Có kế hoạch, lộ trình cụ thể trong việc đầu tư, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế số và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có khả năng vận hành, sử dụng kinh tế số.

Phát triển hệ thống doanh nghiệp đủ mạnh cả về số và chất lượng để tăng cường năng lực cạnh tranh đối với các ngành sản phẩm động lực. Đây được xác định là các hạt nhân tăng trưởng kinh tế, biến các nhiệm vụ ở trên thành hiện thực.

Tạo sự lan tỏa tích cực các thành quả của phát triển kinh tế đến nâng cao chất lượng cuộc sống và môi trường sống của người dân và được bảo đảm bằng nền an ninh, quốc phòng vững mạnh. Cần có sự phân phối hợp lý các kết quả kinh tế cho các mục tiêu phát triển con người, an sinh xã hội, giảm thiểu chênh lệch mức sống giữa đô thị - nông thôn, giữa các dân tộc trong Tỉnh.

Chuyên đề