Hiện đại hóa hạ tầng giao thông để Đông Nam Bộ đột phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 11/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. Đây là mô hình hội đồng điều phối vùng đầu tiên của cả nước với kỳ vọng duy trì và tạo đột phá cho khu vực “ đầu tàu” kinh tế trong bối cảnh mới. Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là tạo dựng hình hài các trục kết nối hạ tầng giao thông khu vực Đông Nam Bộ.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 khoảng 738.500 tỷ đồng, tập trung vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa. Ảnh: Lê Tiên
Tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 khoảng 738.500 tỷ đồng, tập trung vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa. Ảnh: Lê Tiên

Những kết quả bước đầu

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ Nguyễn Chí Dũng, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế động lực, một cực tăng trưởng quan trọng bậc nhất của cả nước. Tuy nhiên, mạng lưới kết cấu hạ tầng nội vùng và liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ, chênh lệch về phát triển giữa các địa phương trong vùng chưa được rút ngắn; liên kết trong vùng vẫn còn hạn chế, chưa thực chất và hiệu quả; lợi ích kinh tế của từng địa phương bó buộc theo địa giới hành chính, thậm chí còn cạnh tranh nhau, làm triệt tiêu lợi thế chung của toàn vùng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng thì cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông và đã đạt được những kết quả nhất định.

Về đường bộ cao tốc, đã đưa vào khai thác 103 km; đang thi công 178 km và chuẩn bị khởi công 126 km, phấn đấu đến 2025 sẽ có trên 400 km đường cao tốc đưa vào khai thác.

Về đường sắt, đang triển khai nâng cấp, cải tạo đường sắt Thống Nhất đoạn Nha Trang - TP.HCM; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương; nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành.

Về đường thủy nội địa, đã đưa vào hoạt động các tuyến vận tải ven biển, nâng cao khối lượng vận chuyển container đến các cảng biển; đang cải tạo, nâng cao tĩnh không cầu trên các tuyến đường thủy phía Nam, nâng cấp hành lang đường thủy Bắc - Nam và Đông - Tây kết nối cảng Cái Mép. Đối với cảng biển, đã hình thành cảng trung chuyển quốc tế tại Cái Mép; đang đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải vào khu bến cảng container Cái Mép; nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Riêng cảng hàng không, đã hoàn thành nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn, nhà ga Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất; đang gấp rút triển khai thi công CHKQT Long Thành, Nhà ga T3 CHKQT Tân Sơn Nhất; nghiên cứu nâng cấp, cải tạo CHK Côn Đảo, Biên Hòa.

“Tuy nhiên, đây mới là những kết quả bước đầu, hệ thống hạ tầng giao thông của Vùng vẫn còn hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…”, người đứng đầu Bộ GTVT khẳng định.

Hạ tầng giao thông là vấn đề chiến lược

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ là thảo luận và đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của Vùng và của Vùng với các địa phương lân cận, nhất là hạ tầng giao thông, xem đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược.

Để huy động vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực ngoài nhà nước. Đồng thời, ưu tiên nguồn ngân sách trung ương từ nguồn dự phòng, tăng thu để đầu tư các dự án cấp bách liên vùng. Đối với TP.HCM, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho phép vay một khoản đủ lớn (khoảng 20 tỷ USD) để hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch; mở rộng không gian bằng cách kéo dài đường sắt TP.HCM sang các địa phương lận cận. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho TP.HCM; đồng thời góp phần quan trọng để phát triển các đô thị vệ tinh, tận dụng không gian ngầm và phát triển mô hình TOD dọc các tuyến đường sắt đô thị.

“Ưu tiên nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ cho Vùng là nhiệm vụ cấp bách”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định. Theo các quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ khoảng 738.500 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 342.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 396.500 tỷ đồng, tập trung vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa.

Cụ thể là hoàn thiện đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP.HCM; tiếp tục đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy hoạch.

Ngoài ra, sẽ nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam và khu đầu mối TP.HCM hiện có. Tiếp tục đầu tư đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM; nghiên cứu sớm đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu nối TP.HCM, Đồng Nai với thành phố Vũng Tàu ra cảng Cái Mép - Thị Vải, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

Đối với đường thủy nội địa, cải tạo, nâng cấp và hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa như các tuyến TP.HCM đi Kiên Lương, TP.HCM đi Cà Mau, TP.HCM đi Bến Kéo, TP.HCM đi Bến Súc... Đầu tư và nâng cấp các cảng thủy nội địa... để thu gom, giải tỏa hàng hóa cho các cảng biển lớn trong vùng; thực hiện các dự án phát triển hành lang đường thủy và logistics phía Nam.

Về hàng hải, nâng cấp luồng hàng hải từ phao số 0 vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, luồng Xoài Rạp; kêu gọi đầu tư các cảng biển, trung tâm logistics Cái Mép Hạ, các cảng cạn trong vùng để hình thành các trung tâm logistics lớn; hoàn thành di dời các cảng trên sông Sài Gòn; tiếp tục hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; xúc tiến xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Đặc biệt, đầu tư đưa vào khai thác Nhà ga T3 CHKQT Tân Sơn Nhất, CHKQT Long Thành giai đoạn 1 và tiếp tục đầu tư CHKQT Long Thành giai đoạn 2 để nâng công suất lên 50 triệu lượt hành khách/năm; nghiên cứu nâng cấp CHK Côn Đảo, CHK Biên Hòa.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, để vùng Đông Nam Bộ huy động đủ nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia. Cần xây dựng các cơ chế, chính sách tăng tính hấp dẫn và hiệu quả đầu tư của dự án PPP; triển khai cơ chế tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ hai bên tuyến đường bộ cao tốc, các công trình nhà ga của tuyến đường sắt qua đô thị.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư