Tinh thần khởi nghiệp sẽ lan tỏa mạnh nếu được Chính phủ hỗ trợ một cách hiệu quả hơn. Ảnh: Nhã Chi st |
Những đánh giá trong Báo cáo từ khảo sát 60 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã đưa ra góc nhìn chân thực và khách quan về hiệu quả của hoạt động khởi nghiệp.
Nhiều chỉ số yếu kém
Kết quả khảo sát của Báo cáo GEM Việt Nam cho thấy, nhận thức về cơ hội kinh doanh ở Việt Nam năm 2015 đã tăng mạnh so với năm 2014 và 2013. 56,8% người trưởng thành ở Việt Nam nhận thức có cơ hội để khởi sự kinh doanh trong năm 2015, xếp thứ 9/60. Tuy nhiên, nhận thức về năng lực kinh doanh vẫn chưa được cải thiện. Cụ thể, người trưởng thành nhận thức là có năng lực kinh doanh năm 2015 là 56,8%, xếp thứ 19/60. Tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam lo sợ thất bại trong kinh doanh tiếp tục xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, 45,6%, xếp thức 53/60. Thanh niên (18 - 35 tuổi) tuy nhận thức về khả năng kinh doanh thấp hơn trung niên (36 - 64) nhưng họ lại là nhóm nhạy bén hơn về các cơ hội kinh doanh, mạo hiểm hơn, có ý định khởi sự cao hơn và có tỷ lệ khởi nghiệp cao hơn. Một điều đáng lưu ý, ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ tham gia khởi nghiệp cao hơn nam giới trong năm 2015.
Nếu so sánh với các nước ASEAN, trong số 12 chỉ số của hệ sinh thái khởi nghiệp, không có chỉ số nào của Việt Nam được đánh giá tốt hơn 4 nước là Philipines, Indonesia, Thái Lan và Malaysia và có tới 8 chỉ số của Việt Nam kém 4 nước này.
Đặc biệt, tỷ lệ khởi nghiệp trong doanh nghiệp ở Việt Nam ở mức rất thấp, 0,6%, xếp thứ 51/60, thấp hơn cả mức trung bình (1,1%) của các nước phát triển ở giai đoạn 1. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam đa phần không mang tính đổi mới. Báo cáo đã chỉ rõ, chỉ số đổi mới sáng tạo trong các hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam chỉ đạt 16,5%, xếp thứ 50/60. Trong số 12 chỉ số về điều kiện kinh doanh, 3 chỉ số mà Việt Nam có thứ hạng cao nhất là tính năng động của thị trường nội địa (11/60), văn hóa và chuẩn mực xã hội (14/60), chính sách của Chính phủ (15/60). 4 chỉ số mà Việt Nam có thứ hạng thấp nhất là giáo dục kinh doanh sau phổ thông (47/60), giáo dục kinh doanh bậc phổ thông (47/60), chương trình hỗ trợ của Chính phủ (50/60), tài chính cho kinh doanh (50/60).
Cần tiếp tục cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp
TS. Lương Minh Huân, Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc VCCI nhận định, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng lại lòng tin cho người làm kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. “Nhà nước cần kiên định với các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, cần cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và phát triển kinh doanh ở Việt Nam. Hoàn thiện mạng lưới các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thông qua phát triển các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân, các hiệp hội doanh nghiệp” - ông Huân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.HCM nhận định: “Rõ ràng đây là những vấn đề mà Việt Nam cần phải cải thiện để thúc đẩy các hoạt động khởi sự và kinh doanh. Nếu không có những giải pháp kịp thời cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, sẽ dẫn tới tình trạng các nhà đầu tư và các nhà khởi nghiệp sẽ lựa chọn các quốc gia khác ngay trong khu vực ASEAN, nơi có hệ sinh thái khởi nghiệp tốt hơn để tiến hành các hoạt động khởi nghiệp. Đồng thời, Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn khởi nghiệp các hoạt động kinh doanh xã hội để làm bệ đỡ cho hoạt động khởi nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ, trẻ”.
Riêng Tổng lãnh sự quán Canada tại TP.HCM Richard Bale lại chia sẻ: “Các bạn đã có một chỉ tiêu có thứ hạng cao là chính sách của Chính phủ đối với hoạt động khởi nghiệp. Do đó, nếu nâng cao hiệu quả của các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, tinh thần khởi nghiệp sẽ được lan tỏa mạnh mẽ. Và hệ sinh thái khởi nghiệp của các bạn sẽ ổn định, bền vững hơn trong bối cảnh hội nhập toàn cầu”.