Hàng loạt địa phương hụt thu từ đấu giá đất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất không đạt kế hoạch 2 - 3 năm liên tiếp ảnh hưởng lớn đến các dự án sử dụng vốn từ nguồn thu này. Nhiều địa phương đã và đang đưa ra nhiều phương án “đắp đổi” để cân đối nguồn đầu tư cho các dự án đã lên danh mục trước đó.
Đến nay, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) mới thu được 67/803 tỷ đồng kế hoạch thu tiền sử dụng đất năm 2024. Ảnh: Đông Duy
Đến nay, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) mới thu được 67/803 tỷ đồng kế hoạch thu tiền sử dụng đất năm 2024. Ảnh: Đông Duy

Ít người mua, đấu giá ế ẩm

Cuối tháng 5/2024, Công ty Đấu giá hợp danh Trí Việt và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) và Phát triển quỹ đất (PTQĐ) TP. Tuy Hòa (Phú Yên) tổ chức đấu giá quyền sử dụng 73 lô đất tại TP. Tuy Hòa với tổng giá khởi điểm 237,594 tỷ đồng; tháng 7/2024 tiếp tục đấu giá quyền sử dụng 133 lô đất ở tại Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở K2 - K6 đường Hùng Vương, tổng giá khởi điểm là hơn 628,621 tỷ đồng. Về kết quả 2 cuộc đấu giá này, ông Trà Kim Hội, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD và PTQĐ TP. Tuy Hòa cho biết, đấu giá theo hình thức lô lẻ, không đấu giá sỉ nên đến nay chưa nắm rõ kết quả. Theo Cục Thuế Phú Yên, đấu giá các khu đất thuộc khối Tỉnh và khu vực TP. Tuy Hòa chưa khởi sắc nên nguồn thu tiền sử dụng đất đạt thấp.

Tại tỉnh Bình Định, từ đầu năm 2024 đến nay, một số quyết định công nhận quyền sử dụng đất được ban hành thông qua các phiên đấu giá thành công. Đó là kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 51 lô đất ở tại các khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Định (tháng 4/2024), số tiền thu về gần 43 tỷ đồng. Cuối tháng 8/2024, tỉnh Bình Định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở với 26 lô đất tại Khu tái định cư Vinh Quang, thu về gần 20 tỷ đồng. Đó là những quyết định hiếm hoi tại địa phương này bởi bên cạnh những lô đất có người mua, có dự án đấu giá đến lần thứ 6 nhưng không thành như quyền sử dụng hơn 213 m2 đất thực hiện Dự án Khu đô thị Tây Nam xã Nhơn Lý với giá khởi điểm khoảng 640 tỷ đồng do Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định thực hiện…

Ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định cho hay, trước đây đấu giá đất chỉ cần thông báo và chờ nhà đầu tư đến, nhưng nay ngược lại, Ban phải đi tìm từng nhà đầu tư, cung cấp hồ sơ, vận động họ tham gia đấu giá.

Tình trạng ế ẩm cũng diễn ra phổ biến tại Quảng Ngãi và Quảng Nam. Tại Quảng Ngãi, sau hơn 1 năm đưa ra đấu giá, Dự án Khu dân cư Vinh Hòa, thị xã Đức Phổ chưa tìm được nhà đầu tư; Dự án Khu dịch vụ đô thị và du lịch biển Hàng Dương diện tích hơn 22.480 m2 ở Mỹ Khê, xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi được thông báo đấu giá từ tháng 11/2023, giá khởi điểm 130 tỷ đồng nhưng chưa có người đăng ký tham gia.

Tại Quảng Nam, thị xã Điện Bàn và TP. Hội An là hai địa phương có quỹ đất dồi dào và có tính khả thi cao đối với nguồn thu từ khai thác quỹ đất. Tuy nhiên, đến nay, Điện Bàn mới thu được 67/803 tỷ đồng kế hoạch thu tiền sử dụng đất được giao năm 2024; Hội An thu được hơn 18/475 tỷ đồng, tức chưa đến 4%.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 8 tháng đầu năm 2024, thu tiền sử dụng đất của các địa phương trên cả nước ước đạt 127,3 nghìn tỷ đồng, đạt 56,1% dự toán (tăng 93,6% so với cùng kỳ năm 2023). Nguồn thu này do một số địa phương tổ chức đấu giá đất, giao đất cho các dự án từ cuối năm 2023 và phát sinh số nộp tiền sử dụng đất đầu năm 2024.

Hụt thu lớn, xoay xở ra sao?

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Ngãi, năm 2024, chỉ tiêu thu từ đất của Tỉnh là 2.600 tỷ đồng nhưng mới chỉ thu được 272 tỷ đồng, tương ứng 10,5% dự toán giao. Trong 3 năm 2021 - 2023, tổng thu tiền sử dụng đất của Quảng Ngãi đạt khoảng 3.200 tỷ đồng (hụt thu bình quân mỗi năm khoảng 1.000 tỷ đồng).

Ở Quảng Nam, báo cáo vừa được ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh ký ban hành cho biết, nguồn thu sử dụng đất được Trung ương giao là 2.700 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh đưa vào cân đối là 1.072 tỷ đồng, nhưng khả năng cao sẽ không đạt.

Còn tại Bình Định, năm 2024, thu tiền khai thác quỹ đất dự kiến 3.600 tỷ đồng, nhưng đến tháng 6/2024 mới đạt gần 600 tỷ đồng (báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng của Tỉnh không có số liệu từ lĩnh vực này). Nhìn vào kết quả thu đến tháng 5/2024 từ các đơn vị được giao nhiệm vụ như Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định là 15,3/1.504 tỷ đồng được giao; Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh là 96,5/2.100 tỷ đồng được giao phần nào phản ánh bức tranh chung về nguồn thu ngân sách từ đất đai của Bình Định.

Khó khăn trong nguồn thu tiền sử dụng đất làm ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Nhiều địa phương đã phải điều chỉnh nguồn vốn theo hướng cắt giảm, giãn tiến độ và chờ vốn. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định sử dụng nguồn vượt thu và tiết kiệm chi năm 2023 (gần 568 tỷ đồng) để bù hụt thu tiền sử dụng đất, đảm bảo chi cho đầu tư hạ tầng.

Tại Phú Yên, UBND tỉnh này đã quyết định bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi (155,2 tỷ đồng) cho 7 dự án; đồng thời giảm 734,9 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có 192,7 tỷ đồng kế hoạch thu từ tiền sử dụng đất…

Một số dự án trọng điểm của tỉnh Bình Định đang chờ bổ sung vốn như Dự án Tuyến đường nối từ Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định kết nối với cảng Quy Nhơn; Dự án Xây dựng tuyến đường ven biển (ĐT.639) đoạn từ Quốc lộ 1D - Quốc lộ 19 mới…

Bên cạnh một số ý kiến nhận định khai thác quỹ đất thông qua đấu giá không thành công do thị trường chưa khởi sắc, theo đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Định, còn có yếu tố khác là việc định giá đất đang… đi ngược quy luật thị trường. “Đấu giá đất không thành, phải định giá lại nhưng giá khởi điểm sau khi định giá lại cao hơn giá đấu trước đó là không tuân theo quy luật thị trường. 5 - 6 lần đấu giá không thành, phải bỏ nhiều tiền thuê đơn vị tư vấn, nhưng định giá lại thì cao hơn giá cũ, đấu giá không có người mua, cần làm rõ trách nhiệm ở khâu này để khai thác quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả”, lãnh đạo tỉnh Bình Định đề nghị.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư