Halico từng kỳ vọng phát triển mạnh sau những năm hoàng kim đầu thập kỷ. |
Công ty Cồn rượu Hà Nội (Halico) tiền thân là Nhà máy rượu Hà Nội do hãng rượu Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898. Đây là nhà máy lớn nhất trong 5 cơ sở được xây dựng ở khu vực Đông Dương thời bấy giờ.
Trải qua hơn một thế kỷ phát triển, Halico từng bước lên đỉnh cao huy hoàng với doanh thu kỷ lục và được so sánh như một "thương hiệu thế kỷ" hay "thương hiệu vượt qua thời gian". Đây chính là ông chủ của hàng loạt nhãn hiệu như Vodka Hà Nội, Lúa mới, Nếp mới, Vodka 94 Lò Đúc, Ba Kích Sealion...
Giai đoạn 2008-2012 là lúc Halico vươn mình mạnh mẽ, doanh thu tăng trưởng nhanh chóng, khẳng định vị trí số một trong ngành rượu của cả nước. Doanh thu và lợi nhuận năm 2008 đạt lần lượt khoảng 680 tỷ đồng và hơn 160 tỷ đồng, vọt lên gần 1.060 tỷ và 220 tỷ chỉ một năm sau đó.
Halico khi ấy chiếm lĩnh phần lớn phân khúc rượu bình dân tại Việt Nam. Vodka Hà Nội trở thành đồ uống phủ sóng khắp các nhà hàng, quán ăn. Những năm 2011-2012, doanh thu của đơn vị đều vượt ngưỡng nghìn tỷ, lợi nhuận sau thuế trên 200 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2012, Halico xây dựng nhà máy sản xuất rượu Bắc Ninh - một trong những nhà máy hiện đại bậc nhất châu Á với công suất 40 triệu lít rượu và một triệu lít cồn mỗi năm.
Halico sa sút trong khoảng 4 năm gần đây.
Với vị thế danh giá, Halico được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chú ý. Năm 2011, Tập đoàn Diageo - đại gia rượu lớn nhất thế giới đến từ Anh đã phải chi ra tới 800 tỷ đồng để sở hữu 18,67% cổ phần của Halico với mức giá lên tới 214.000 đồng một cổ phiếu. Sau đó, Diageo tăng sở hữu lên 45,5% và trở thành cổ đông lớn số 2 tại đây. Ước tính, hãng này đã phải bỏ ra trên 1.900 tỷ đồng vào thương vụ này. Như vậy, Diageo đã định giá Halico khoảng 4.300 tỷ đồng thời điểm đó. Ngoài ra, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội cũng nắm 54,3% vốn tại đây.
Tuy nhiên sau giai đoạn này, thị phần Halico giảm đột ngột, nhiều thương hiệu nổi tiếng mất tích trên thị trường trước làn sóng xâm nhập của rượu ngoại. Năm 2013, doanh thu của hãng sụt mạnh còn 640 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ 29 tỷ đồng. Cú trượt dài tiếp tục sang năm 2014 khi doanh thu công ty mẹ xuống còn 397 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 30 tỷ đồng. Cũng trong năm này, lãnh đạo và nhân viên Halico đã rơi vào vòng lao lý như trường hợp nguyên Giám đốc - Hồ Văn Hải vì có hành vi trốn thuế.
Năm 2015, tình hình kinh doanh tiếp tục lao dốc khi doanh thu đạt 453 tỷ đồng, lỗ 21 tỷ đồng (lỗ từ hoạt động kinh doanh là 26 tỷ đồng). Năm 2016, công ty đặt kế hoạch doanh thu 549 tỷ đồng, lợi nhuận 13 tỷ song kết thúc quý I đã lỗ 10 tỷ, doanh thu nội địa sụt giảm 30% so với cùng kỳ.
Cuối năm 2014, sau khi Giám đốc Hồ Văn Hải bị khởi tố, ông Mai Văn Lợi - người từ vị trí Giám đốc Khách sạn Lam Kinh - được cơ quan quản lý điều chuyển về đây. Năm 2015, ông Mai Văn Lợi giữ chức Giám đốc Halico, trước khi trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Tuy vậy, trong thời gian điều hành doanh nghiệp, bên cạnh kết quả kinh doanh không lấy gì làm khả quan, ông Lợi còn được biết đến với mối quan hệ và nhiều quyết định lạ liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh - người được dư luận hết sức chú ý thời gian gần đây với vụ lùm xùm đi xe biển xanh, điều chuyển về tỉnh Hậu Giang sai quy trình... Mối quan hệ này băt nguồn tư khi ông Mai Văn Lợi làm việc tại Công ty CP Xây lắp và vật liệu xây dựng Dầu khí sông Hồng, một trong những đơn vị trực thuộc Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) do ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Cụ thể, sau khi nắm quyền tại Halico, ông Lợi đã quyết định chuyển 500 triệu đồng ủng hộ tỉnh Hậu Giang khi ông Trịnh Xuân Thanh vừa được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch tỉnh mà chưa được thông qua bởi Hội đồng quản trị. Ông Lợi còn bổ nhiệm con trai của ông Thanh là Trịnh Hùng Cường (sinh năm 1992) làm Phó phòng phụ trách Phòng truyền thông Marketing và bổ nhiệm con trai của Chủ tịch Habeco - Đỗ Xuân Hạ là Đỗ Xuân Long (sinh năm 1990) giữ chức Phó giám đốc phụ trách kinh doanh. Gần đây nhất là vụ việc Halico cho Bộ Công Thương mượn chiếc xe Mercedes-Benz tiền tỷ theo quyết định của ông Lợi…