Hai gam màu sáng, tối giải ngân các tỉnh phía Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Số liệu trong báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế tới cuối tháng 5/2023 thể hiện rõ 2 gam màu sáng - tối trong bức tranh giải ngân của các tỉnh phía Nam.
Lũy kế đến ngày 31/5, TP.HCM mới giải ngân được 3.815 tỷ đồng, đạt 5,41% tổng kế hoạch vốn của năm 2023. Ảnh: Anh Tú
Lũy kế đến ngày 31/5, TP.HCM mới giải ngân được 3.815 tỷ đồng, đạt 5,41% tổng kế hoạch vốn của năm 2023. Ảnh: Anh Tú

Trong khi tỷ lệ giải ngân nhiều tỉnh nằm trong TOP đầu cả nước thì một số địa phương được xem là “đầu tàu” Đông Nam Bộ lại “ì ạch” ở nhóm bét bảng. Theo thống kê, 3 địa phương gồm TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai đang còn gần 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được giải ngân…

Bộ Tài chính ước tính, đến ngày 31/5, TOP 5 địa phương có tỷ lệ thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN cao nhất đều là các tỉnh thuộc khu vực phía Nam. Cụ thể, Tiền Giang giải ngân cao nhất cả nước, đạt 45,89% so với tổng kế hoạch vốn và 49,22% so với kế hoạch Thủ tướng giao năm 2023. Kế đến là Đồng Tháp đạt 44,28% tổng kế hoạch (46,9% kế hoạch Thủ tướng giao); Long An đạt 40,06% tổng kế hoạch (43,51% kế hoạch Thủ tướng giao); Bến Tre đạt 36,06% tổng kế hoạch (37,80% kế hoạch Thủ tướng phủ giao); Tây Ninh đạt 34,14% tổng kế hoạch (40,66% kế hoạch Thủ tướng phủ giao). Dù không nằm trong 5 vị trí đầu bảng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là địa phương có tỷ lệ thanh toán vốn NSNN ấn tượng, với 27,06% so với tổng kế hoạch (35,91% so với kế hoạch Thủ tướng giao). So với tỷ lệ giải ngân trung bình cả nước 22,22%, thành tích của các địa phương kể trên có sự vượt trội.

Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy, quy mô tổng kế hoạch vốn năm 2023 của các địa phương trên không nhỏ: tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 14.320 tỷ đồng, kế đến là Long An (9.570 tỷ đồng), Đồng Tháp (5.978 tỷ đồng), Tiền Giang (5.314 tỷ đồng), Tây Ninh (4.748 tỷ đồng).

Nhìn lại kết quả giải ngân 5 tháng đầu năm nay, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, với các dự án khởi công mới, Tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phải hoàn thành thủ tục bố trí vốn sớm, nhất là các dự án có sử dụng vốn lớn. Với các dự án ở giai đoạn thực hiện đầu tư, Đồng Tháp thường xuyên rà soát kế hoạch tổng thể từng dự án để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB), bảo đảm cung cầu, kiểm soát giá thị trường vật liệu xây dựng… nhất là các dự án lớn, công trình quan trọng. Tỉnh sẵn sàng đề xuất điều chỉnh nội bộ kế hoạch vốn hằng năm của chủ đầu tư để phù hợp với tiến độ thực hiện giữa các dự án. Theo quan sát thực tế của phóng viên, nhiều dự án hạ tầng nông nghiệp, giao thông tại Đồng Tháp đang thực hiện tốt tiến độ đầu tư.

Trái với các địa phương TOP đầu, “con tàu” đầu tư công của 3 tỉnh, thành được coi là “đầu tàu” Đông Nam Bộ, nhất là TP.HCM có vẻ vẫn chưa “nóng máy”. Lũy kế đến ngày 31/5, TP.HCM mới giải ngân được 3.815 tỷ đồng, đạt 5,41 % tổng kế hoạch vốn 70.518 tỷ đồng của năm 2023. Kế đến là Bình Dương, tổng kế hoạch vốn năm 2023 địa phương này là 21.817 tỷ đồng, trong đó kế hoạch Thủ tướng giao là 12.182 tỷ đồng. Tới hết tháng 5/2023, Bình Dương mới giải ngân được 2.030 tỷ đồng, đạt 9,3% so với tổng kế hoạch và 16,66% so với kế hoạch Thủ tướng giao. Tương tự, tỉnh Đồng Nai mới giải ngân được 1.580 tỷ đồng, tương đương 12,19% tổng kế hoạch, 13,53% kế hoạch Thủ tướng giao.

Các tỉnh, thành “đầu tàu” Đông Nam Bộ sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong nửa cuối năm để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên

Các tỉnh, thành “đầu tàu” Đông Nam Bộ sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong nửa cuối năm để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên

Số liệu thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN do Bộ Tài chính báo cáo cho thấy, riêng 3 địa phương “đầu tàu” Đông Nam Bộ kể trên đang còn gần 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chờ được giải ngân (khoảng 97.868 tỷ đồng). Do đó, áp lực giải ngân đầu tư công của TP.HCM và Bình Dương, Đồng Nai trong nửa năm còn lại là rất lớn, nếu muốn khai phóng động lực tăng trưởng từ giải ngân đầu tư công.

Vừa qua, tại Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp, trọng tâm tháng 6/2023, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, trong 2 tháng vừa qua, giải ngân đầu tư công của Thành phố tăng khá rõ. Tuy nhiên, do tập trung nhiều cho Dự án Vành đai 3 - TP.HCM nên một số dự án khác lại không được đồng đều. Hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn là khâu chậm bên cạnh một số thủ tục chuẩn bị đầu tư chưa hoàn tất. Giải pháp trong thời gian tới là tập trung lãnh đạo, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, quyết tâm đến cuối tháng 6 sẽ đạt 35%. Trong đó, tập trung cao cho các thủ tục chuẩn bị đầu tư để đến cuối tháng 6 sẽ quyết định việc khởi công các dự án mới, quyết định việc điều chuyển vốn.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp do một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện phân bổ vốn. Một số dự án khởi công mới thuộc kế hoạch năm 2023 bố trí vốn chuyển tiếp, tỷ lệ giải ngân các tháng đầu năm chưa cao do phải hoàn thành phần tạm ứng hợp đồng. Ngoài ra, một số dự án vướng GPMB phải đến quý III/2023 mới hoàn thành thủ tục chi trả tiền bồi thường, nên các tháng đầu năm chưa có khối lượng để thanh toán.

Từ đầu năm, nhiều địa phương phía Nam triển khai rất quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, kết quả thực tế cho thấy, giải ngân của một số địa phương được phân bổ lượng vốn lớn còn thấp; dòng vốn đầu tư công chưa thể thẩm thấu nhanh, mạnh vào đời sống. Trong nửa cuối năm 2023, các địa phương chắc chắn sẽ phải nỗ lực hơn nữa để dòng chảy vốn đầu tư công có bước tiến đột phá, tạo đà phục hồi tăng trưởng kinh tế nói chung.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư