Hai dự án cao tốc phía Nam: Vướng từ lúc khởi động

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các địa phương liên quan đang nỗ lực triển khai các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) để có thể khởi công các tuyến cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trong tháng 6/2023. Tuy nhiên, các dự án đều đang gặp một số khó khăn, vướng mắc, cần sớm tháo gỡ.
Nhiều khả năng xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu cho Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Nhiều khả năng xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu cho Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Tăng mức đầu tư, điều chỉnh một số đoạn tuyến

Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5 km, trong đó, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa dài 32,7 km và tỉnh Đắk Lắk dài 84,8 km. Tổng mức đầu tư 21.935 đồng, chuẩn bị đầu tư từ năm 2022, dự kiến khởi công vào tháng 6/2023 và cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2027.

Dự án gồm 3 dự án thành phần (Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản Dự án thành phần 1, Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản Dự án thành phần 2 và Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản Dự án thành phần 3).

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Đắk Lắk đã có các quyết định bố trí vốn cho Dự án thành phần 1 và Dự án thành phần 3, đảm bảo tối thiểu 50% kinh phí bồi thường, GPMB, trong đó Khánh Hòa bố trí 348,5 tỷ đồng, Đắk Lắk bố trí 916,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Dự án thành phần 2 đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Bộ GTVT cho biết, Dự án thành phần 2 đi qua khu vực địa hình khó khăn, chủ yếu là đèo dốc, chênh lệch cao độ rất lớn; điều kiện địa chất chủ yếu là đất, đá phong hóa mạnh, tiềm ẩn nguy cơ sụt trượt. Dự kiến tổng mức đầu tư Dự án thành phần 2 thiếu khoảng 900 tỷ đồng (tổng mức đầu tư hiện tại là 9.818 tỷ đồng). Bộ GTVT đang làm việc với 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk để cân đối, điều chỉnh tổng mức đầu tư của 3 dự án thành phần, không làm vượt tổng mức đầu tư Dự án đã được Quốc hội phê duyệt.

Bên cạnh đó, hiện hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng được lập trên cơ sở phương án hướng tuyến bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đã được tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Đắc Lắk, Quân khu 5 - Bộ Quốc phòng thống nhất và Hội đồng Thẩm định Nhà nước thông qua. Hồ sơ đã được trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ này đã tổ chức thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ từ tháng 10/2022.

Tuy nhiên, do điều kiện địa hình khu vực thực hiện Dự án rất khó khăn, phức tạp, Bộ GTVT đã thống nhất điều chỉnh một số đoạn tuyến so với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với các dự án thành phần 1, 2, 3 nhằm giảm thiểu chi phí xây dựng, hạn chế phải GPMB và giảm thiểu tác động đến môi trường nơi Dự án đi qua. Vì vậy, số liệu vị trí, diện tích, hiện trạng rừng để thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại một số đoạn tuyến có thay đổi so với số liệu được điều tra trước đây. Việc này dẫn đến phát sinh thủ tục rà soát hiện trạng rừng tại các vị trí, phạm vi Dự án thay đổi so với bước tiền khả thi và phải trình lại để hoàn thiện hồ sơ, xin ý kiến thẩm định của các cơ quan chức năng.

Chậm một số thủ tục, nguy cơ thiếu vật liệu

Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách trung ương với tổng chiều dài tuyến 189,48 km. Dự án đi qua 4 tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, được chia thành 4 dự án thành phần vận hành độc lập. Theo tiến độ dự kiến, Dự án hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027.

Theo báo cáo tổng hợp của các địa phương, hiện Dự án đã hoàn thành công tác bay chụp, khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn, thí nghiệm, điều tra bãi đổ thải, khảo sát mỏ vật liệu; hoàn thành đánh giá tác động môi trường, phê duyệt khung chính sách bồi thường, GPMB. Chủ đầu tư các dự án thành phần cũng đã hoàn thành phê duyệt hồ sơ và bàn giao 100% cọc GPMB cho các địa phương. Hiện nay, các địa phương đang ở giai đoạn cuối của việc đo đạc, kiểm đếm; tổ chức thẩm định giá để lập hồ sơ bồi hoàn, áp giá, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thông báo thu hồi đất...

Bộ GTVT cho biết, quá trình thực hiện các thủ tục trình phê duyệt dự án của một số dự án thành phần chậm so với kế hoạch (mốc hoàn thành theo kế hoạch là ngày 20/1/2023). Bên cạnh đó, do đặc thù điều kiện tự nhiên, nhiều địa phương có Dự án đi qua không có mỏ đá để phục vụ thi công công trình. Hơn nữa, việc triển khai đồng thời với các dự án giao thông lớn trong khu vực thời gian tới nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu, nên chủ đầu tư các dự án thành phần cần chủ động có giải pháp điều phối, ưu tiên huy động các nguồn cung vật liệu phục vụ thi công Dự án.

Để đảm bảo tiến độ, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư các tiểu dự án GPMB bám sát tiến độ đã lập để thực hiện các công việc liên quan, đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu khởi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

Chuyên đề