Gợi mở “con đường xanh” xây trung tâm tài chính quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với quy mô GDP 430 tỷ USD năm 2023, Việt Nam ghi danh nền kinh tế đứng thứ 35 thế giới, có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực, đồng thời nằm ở múi giờ khác với hơn 20 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu.
Trung tâm tài chính tại Việt Nam có thể tập trung phát triển các khoản vay xanh, cung cấp cho những dự án xanh như năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và nông nghiệp bền vững. Ảnh: Đông Giang
Trung tâm tài chính tại Việt Nam có thể tập trung phát triển các khoản vay xanh, cung cấp cho những dự án xanh như năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và nông nghiệp bền vững. Ảnh: Đông Giang

Những lợi thế trên khiến Việt Nam nhận được nhiều đánh giá tích cực về tính khả thi trong xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, chọn mô hình nào, sản phẩm nào để “khởi nghiệp” đang là những câu hỏi lớn trong quá trình định hình con đường tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Trong bức tranh chung…

Mô hình trung tâm tài chính quốc tế (IFC) được nhiều quốc gia trên thế giới phát triển. Đó là nơi cung cấp đầy đủ dịch vụ tài chính với quyền truy cập trực tiếp vào các nguồn vốn lớn từ các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và thị trường vốn niêm yết... Loại trung tâm này có hạ tầng hiện đại, đủ sức thực hiện hàng tỷ giao dịch và khuôn khổ pháp lý thúc đẩy sự minh bạch cũng như trách nhiệm giải trình. Tính đến nay, New York (Hoa Kỳ) đang là trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, với tổng giá trị vốn hóa 46 nghìn tỷ USD (cuối năm 2023), chiếm 40% tổng vốn hóa toàn cầu. Sau New York, London (Vương quốc Anh) đứng thứ 2 và Singapore đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng, Hồng Kông đứng thứ 4, San Francisco và Los Angeles đứng thứ 5, thứ 6. Thành phố Thượng Hải của Trung Quốc đứng thứ 7, là nơi có sàn chứng khoán lớn nhất châu Á với vốn hóa 6,6 nghìn tỷ USD. Paris, Frankfurt, Seoul, Amsterdam, Luxembourg, Melbourne… đều có trung tâm tài chính, đóng vai trò là “xương sống” cho hoạt động của thị trường vốn, đồng thời tạo nên thương hiệu, uy tín và sức hấp dẫn rất lớn cho các thành phố hàm chứa loại định chế tài chính này.

Tại Việt Nam, tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) làm Cơ quan thường trực, với nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng phương hướng, giải pháp để xây dựng Đề án. Tại cuộc làm việc với các tổ chức quốc tế về Đề án IFC mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ, Việt Nam hiện nay xác định 3 vấn đề trụ cột là mô hình quản lý; lĩnh vực, sản phẩm đặc thù hấp dẫn nhà đầu tư; chính sách hỗ trợ trung tâm tài chính phát triển. Do vậy, trong quá trình xây dựng, Việt Nam mong muốn nhận được ý kiến từ các tổ chức, chuyên gia về những bài học thành công, thất bại, kinh nghiệm của các trung tâm tài chính trên thế giới; đánh giá thực trạng của Việt Nam và những vấn đề khó khăn, thách thức cần phải vượt qua…

GS. TS. Andreas Stoffers, cựu CEO Deutsche Bank Việt Nam đánh giá cao cơ hội cho Việt Nam khi quy mô nền kinh tế liên tục tăng trưởng. Người dân Việt Nam rất nhanh chóng làm quen với giải pháp fintech (ngân hàng trực tuyến, ví điện tử, ứng dụng chuyển tiền...), trong khi trên thị trường chứng khoán, những rào cản với nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng nới lỏng, các doanh nghiệp không thuộc ngành nghề phải hạn chế đầu tư đã và sẽ được thúc đẩy nới room đến 100%. “Quá trình xây dựng IFC sẽ giúp thị trường tài chính ở Việt Nam trở nên lành mạnh và hiệu quả, bắt kịp với các chuẩn mực quốc tế, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững”, ông Andreas Stoffers nhận định.

Gợi mở con đường tài chính xanh cho Việt Nam

Tại Việt Nam, 2 địa phương đang được định hướng xây dựng IFC là TP.HCM và Đà Nẵng. Trong đó, Đà Nẵng đề xuất phát triển theo mô hình trung tâm tài chính hải ngoại, là một khu vực tài chính riêng biệt với các quy định về thuế, điều tiết giám sát mang tính mở và cạnh tranh cao. UBND TP.HCM đề xuất định hướng xây dựng IFC từng bước, phát triển thị trường tài chính quốc gia, sau đó trở thành thị trường tài chính khu vực và quốc tế. TP.HCM dự kiến phát triển ngân hàng số và thị trường chứng khoán số, từng bước gỡ bỏ kiểm soát ngoại tệ để tăng khả năng hội nhập và thu hút vốn quốc tế.

Về chọn lựa trọng tâm phát triển, tổ chức Fulbright khuyến nghị nên lựa chọn Fintech và thị trường phái sinh hàng hóa cho giai đoạn “khởi nghiệp” IFC tại Việt Nam. Ở góc nhìn khác, đề xuất với Bộ KH&ĐT mới đây, Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) cho rằng, tài chính xanh nên được chọn là một trong những lĩnh vực trọng tâm. Theo TBI, thị trường tài chính xanh (gồm trái phiếu xanh và các khoản vay cũng như vốn cổ phần từ hoạt động IPO dành cho các dự án xanh) đã tăng trưởng 100 lần trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2022, dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh. Để tận dụng xu hướng này, IFC tại Việt Nam có thể thiết lập nền tảng phát hành và giao dịch các công cụ tài chính xanh, giúp tăng tính thanh khoản và độ sâu của thị trường.

TBI ví dụ, IFC tại Việt Nam có thể tập trung phát triển thị trường trái phiếu xanh bằng cách tạo cơ chế cung cấp ưu đãi cho các tổ chức phát hành và nhà đầu tư, như giảm thuế và bảo lãnh. Cách khác là phát triển các khoản vay xanh, cung cấp cho doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào các dự án xanh như năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và nông nghiệp bền vững. IFC có thể khuyến khích ngân hàng cung cấp các khoản vay xanh thông qua hỗ trợ thanh khoản và các phương tiện chia sẻ rủi ro, đồng thời mở đường cho vốn mạo hiểm xanh và các quỹ cổ phần tư nhân đầu tư vào các công ty xanh. Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm bảo hiểm xanh cung cấp bảo hiểm cho rủi ro liên quan đến các dự án xanh.

Về Fintech, Viện Tony Blair đánh giá, dù mở rộng nhanh chóng, nhưng các lĩnh vực của Fintech chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong ngành tài chính tại nhiều quốc gia. Hơn nữa, Fintech đã chứng kiến sự biến động mạnh. Đầu tư Fintech tại châu Á - Thái Bình Dương giảm từ 51,3 tỷ USD năm 2022 xuống còn 10,8 tỷ USD vào năm 2023. Trong 2 năm qua, đầu tư Fintech tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi giảm từ 49,6 tỷ USD xuống 24,5 tỷ USD. Viện Tony Blair khuyến nghị Việt Nam nên điều chỉnh cách tiếp cận, định vị Fintech như một lĩnh vực thứ yếu hoặc phụ trợ thay vì là mũi nhọn của IFC.

Phát triển thị trường vốn xanh cũng là một trong các mục tiêu tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt. Chia sẻ với nhà đầu tư quốc tế mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, tài chính xanh là một trong những giải pháp quan trọng để huy động được nguồn vốn phục vụ tăng trưởng xanh và bền vững. Bộ trưởng khẳng định luôn quan tâm đến các chính sách và tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn, cũng như tăng cường phát triển xanh, phát triển bền vững.

Liên quan đến mô hình quản lý IFC, hiện có 2 mô hình được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu, đó là mô hình khung pháp lý đặc thù và mô hình lồng ghép. TBI cho rằng, Việt Nam nên cân nhắc mô hình lồng ghép vì không đòi hỏi phải thực hiện ngay những thay đổi lớn về môi trường pháp lý. Cùng với đó, nên định hướng xây dựng IFC theo 3 giai đoạn: đặt nền móng (1 - 3 năm); tăng trưởng các ngành mục tiêu (từ năm 4 - 6); trở thành IFC khu vực (từ năm 7 trở đi), củng cố vị thế là một trung tâm tài chính nổi bật trong khu vực, thúc đẩy mối liên kết với các IFC khác.

Theo TS. Andreas, sự trỗi dậy của một nền kinh tế không nhất thiết phải gắn liền với sự xuất hiện của một IFC, nhưng thực tế cho thấy, các IFC đều đóng góp đáng kể vào sự phát triển của mỗi nền kinh tế. IFC tại Việt Nam có cơ hội thu hút sự quan tâm của quốc tế nếu chọn lĩnh vực trọng tâm là tài chính xanh và cách chọn lựa này cũng hài hòa với nỗ lực thực thi Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, với mục tiêu lớn nhất là giúp Việt Nam đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư