Áp thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết hành vi tiêu dùng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thảo luận về Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn khẳng định, mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt là điều tiết hành vi tiêu dùng, đặc biệt với mặt hàng rượu, bia, thuốc lá. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và các bên liên quan, cơ quan soạn thảo sẽ cân nhắc việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa nhiệt độ.
Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nhóm mặt hàng rượu, bia và thuốc lá nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng có lợi cho sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Lê Tiên
Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nhóm mặt hàng rượu, bia và thuốc lá nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng có lợi cho sức khỏe cộng đồng. Ảnh: Lê Tiên

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) và các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số nội dung liên quan đến định hướng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật tại phiên họp tháng 3/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một số nội dung được đại biểu Quốc hội trao đổi nhiều là thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá và điều hòa nhiệt độ.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng rượu, bia, Dự thảo Luật đưa ra phương án tăng thuế 5%/năm từ năm 2026 - 2030. Đóng góp ý kiến về thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) cho rằng, việc áp thuế cần được xem xét một cách thận trọng, toàn diện, đặc biệt là trên 3 khía cạnh về việc làm, thu ngân sách địa phương, thu ngân sách nhà nước nói chung và sức khỏe người tiêu dùng. “Đề nghị Ban soạn thảo tiến hành đánh giá tác động toàn diện, xem xét lộ trình điều chỉnh thuế hợp lý, nghiên cứu áp dụng phương pháp đánh thuế dựa theo nồng độ cồn”, đại biểu Nguyễn Duy Minh.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, bên cạnh việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng có hại cho sức khỏe như rượu, bia, cần phải tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được hành vi này.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, việc áp thuế với nhiều mặt hàng không nhằm mục đích tăng thu mà là để điều chỉnh hành vi tiêu dùng có lợi cho sức khỏe cộng đồng, có lợi cho môi trường. Bên cạnh mục tiêu đó, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nhóm mặt hàng rượu bia và thuốc lá cũng là để thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại rượu bia.

Về ý kiến đề nghị áp thuế bia theo nồng độ cồn, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho hay, điều này không phù hợp thông lệ quốc tế cũng như cam kết WTO. Do đó Việt Nam đã bỏ quy định này từ năm 2005.

Đáng chú ý, tại Dự thảo Luật, mặt hàng nước giải khát có hàm lượng đường 5g/100ml lần đầu tiên được đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Về tác động của việc áp thuế với mặt hàng này, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, đây là nội dung đã nhiều lần được Chính phủ đề xuất song chưa được thông qua. Đến nay, nội dung này cơ bản được đồng thuận, đặc biệt là Bộ Y tế, các hiệp hội bảo vệ sức khỏe rất ủng hộ. “Mức thuế áp dụng 10% là vừa phải theo định hướng từng bước điều chỉnh thói quen tiêu dùng, giảm những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe người dân”, Thứ trưởng cho biết.

Các loại xăng sinh học E5, E10 đang được áp mức thuế là 8% và 7% để khuyến khích sử dụng, trong khi xăng khoáng là 10%. Ảnh: Tiên Giang
Các loại xăng sinh học E5, E10 đang được áp mức thuế là 8% và 7% để khuyến khích sử dụng, trong khi xăng khoáng là 10%. Ảnh: Tiên Giang

Đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ, theo Dự thảo Luật, điều hòa công suất từ 90.000 BTU trở xuống vẫn thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như quy định hiện nay. Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa nhằm tăng nhận thức về việc tiêu dùng tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường. Về mặt hàng này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, điều hòa là sản phẩm tiêu dùng phổ biến, đánh thuế cao thì vẫn phải dùng, có hạn chế theo công suất hay gì thì vẫn không thay đổi hành vi người dùng nên cần bỏ điều hòa khỏi diện chịu thuế.

Phản hồi ý kiến này, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, trước đây áp thuế với điều hòa nhiệt độ do đây là mặt hàng xa xỉ, song hiện nay sản phẩm này đã trở nên phổ biến, được nhiều gia đình sử dụng. Tuy nhiên, việc chịu thuế là để điều tiết hành vi tiêu dùng. Tiếp thu ý kiến đại biểu, các cơ quan đang rà soát để có phương án tiếp thu đối với loại máy điều hòa thông dụng có công suất từ trên 18.000 BTU đến dưới 90.000 BTU.

Với mặt hàng xăng, đại biểu Nguyễn Trường (Đắk Nông) và một số đại biểu đề nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Về nội dung này, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nêu rõ, Việt Nam đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này 30 năm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, rất nhiều nước thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, bên cạnh thuế bảo vệ môi trường. Hơn nữa, để khuyến khích sử dụng xăng sinh học, các loại xăng sinh học E5, E10 đang được áp mức thuế là 8% và 7%, trong khi xăng khoáng là 10%. Nếu bỏ việc áp thuế thì sẽ không còn tính chất khuyến khích với xăng sinh học. Bên cạnh đó, xăng khoáng là mặt hàng có nguồn gốc hóa thạch, nếu bỏ áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không khuyến khích dùng xăng sinh học, sử dụng tiết kiệm.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Chuyên đề