Doanh nghiệp tư nhân đánh giá kinh tế số, nông nghiệp và du lịch là 3 lĩnh vực ưu tiên đầy tiềm năng. Ảnh: Lê Tiên |
Theo ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, nếu rào cản này được loại bỏ, khu vực KTTN có thể đóng góp 50 - 60% GDP.
Báo cáo khẳng định, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển KTTN, thời gian qua nhiều chính sách cụ thể triển khai đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Chính phủ tiến hành nhiều biện pháp, chỉ đạo quyết liệt thông qua Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, Nghị quyết 36 A… nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tuy nhiên, hiệu quả của các chính sách ban hành vẫn chưa thực sự cao và bền vững bởi tư duy của các cấp chính quyền trong vấn đề này chưa có nhiều thay đổi. Do đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần đưa ra một cơ chế giám sát thực thi chính sách của các cấp chính quyền nhằm đảm bảo hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, từ đó dần đảm bảo các tiêu chí cần thiết cho nền kinh tế.
Từ đánh giá nêu trên, Báo cáo đề xuất một số giải pháp cụ thể phát triển 3 lĩnh vực kinh tế ưu tiên đầy tiềm năng là kinh tế số, nông nghiệp và du lịch.
Đối với phát triển kinh tế số, Diễn đàn KTTN kiến nghị thúc đẩy hình thành, phát triển kinh tế số, bảo đảm quyền bình đẳng cho khu vục tư nhân tham gia cũng như thúc đẩy phát triển các thành phố thông minh tại Việt Nam với một loạt giải pháp cụ thể.
Đầu tiên là bỏ quy định tại Khoản a, Điều 3, Mục IV Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử để đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và sự chủ động của các DN khi tham gia.
Kiến nghị Chính phủ hoặc Quốc hội quy định các quy chế, chính sách cụ thể về miễn/giảm thuế thu nhập cá nhân cho các khoản đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo hoặc khi thoái vốn khỏi công ty khởi nghiệp sáng tạo; miễn giảm thuế thu nhập DN cho các công ty, tổ chức tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp…
Đối với phát triển nông nghiệp, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội hoặc quyết định xóa bỏ hạn điền; điều chỉnh các chính sách/quy định tại các Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân… theo hướng miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; áp dụng mức thuế VAT 0% cho sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp; mở rộng và cụ thể hóa danh mục được hưởng chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với vật tư, thiết bị nhập khẩu phục vụ các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Về phát triển du lịch, Báo cáo kiến nghị phát triển ngành kinh tế này trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia; cải thiện chính sách thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam và cải thiện môi trường du lịch sạch - thân thiện - an toàn. Theo đó, tập trung nguồn lực quảng bá du lịch quốc gia với các thị trường trọng điểm; thành lập Hội đồng Xúc tiến du lịch quốc gia theo cơ chế hợp tác công - tư để thực hiện và điều tiết các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; áp dụng cơ chế hợp tác công tư để ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong du lịch cho chính quyền, cộng đồng, doanh nghiệp và khách du lịch…
“Nếu các kiến nghị trên được triển khai, các rào cản được gỡ bỏ thì doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng góp 50 - 60% GDP của đất nước”, ông Bình lạc quan.