Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào các ngành nghề lĩnh vực mới, dựa trên tri thức và đổi mới sáng tạo. Ảnh: Lê Tiên |
Những quy định tại Dự Luật hướng đến tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho DNNVV – khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Xuất phát từ chính nhu cầu của DNNVV
Làm rõ thêm về Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV tại phiên thảo luận của Quốc hội về Dự Luật này chiều 23/5, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khi nói đến DNNVV tức là nói đến khu vực tư nhân, và ngược lại, việc ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là đang ủng hộ khu vực tư nhân phát triển trong thời gian tới. Đồng thời thể hiện tinh thần xây dựng Nhà nước, Chính phủ kiến tạo, chuyển DN từ là đối tượng quản lý thành đối tượng phục vụ, đồng hành cùng phát triển.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, lần đầu tiên Việt Nam ban hành Luật về hỗ trợ DNNVV trong khi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc,… đã ban hành từ rất lâu. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để có cơ sở triển khai các hoạt động hỗ trợ DNNVV và cộng đồng DN đang hết sức quan tâm.
“Cách tiếp cận của Luật là xuất phát từ nhu cầu của DNNVV để thiết kế nội dung hỗ trợ, chứ không phải Nhà nước có cái gì thì ban hành Luật để cấp cho DN. Chúng tôi đã khảo sát các nhu cầu, khó khăn, vướng mắc của DN, tại sao DN không lớn lên được, thành lập ra rồi tại sao lại khó khăn, để đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp tại Dự Luật”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Về nguồn lực hỗ trợ, Bộ trưởng cho biết, chỉ sử dụng một phần ngân sách nhà nước. Luật ban hành sẽ có cơ sở pháp lý để huy động các nguồn lực khác cùng tham gia hỗ trợ DNNVV.
Khuyến khích đổi mới, sáng tạo
Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBQVQH) cũng đồng tình, để đạt được mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực mới, dựa trên tri thức và đổi mới sáng tạo. Do đó, rất cần tạo ra khung pháp lý để khuyến khích các nguồn vốn chủ yếu của xã hội và tư nhân đầu tư cho các lĩnh vực này. Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là quỹ mới, thực chất là quỹ đầu tư mạo hiểm đã hoạt động thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việc thành lập quỹ này có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển DN khởi nghiệp sáng tạo. Quy định của Dự thảo Luật cũng nhằm công nhận và khuyến khích khu vực tư nhân góp vốn hợp pháp thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của tư nhân để đầu tư, tài trợ cho các DN, tổ chức và cá nhân khởi nghiệp sáng tạo. Căn cứ khả năng ngân sách, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương không quá 30% tổng vốn đầu tư vào DN khởi nghiệp sáng tạo.
Ngoài những hỗ trợ thiết yếu đối với tất cả các DNNVV như hỗ trợ tiếp cận vốn từ các ngân hàng, thuế, thuê mặt bằng sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, đào tạo, thông tin, tư vấn, pháp lý…, Dự thảo Luật DNNVV hướng đến hỗ trợ cho một số đối tượng trọng tâm có tính chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế, chỉ giới hạn đối tượng là DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần có cơ chế mạnh hơn để DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng vì nội dung Dự thảo Luật còn chung chung, chưa khuyến khích được các tổ chức tín dụng cho vay vốn, khó khả thi trong thực tế. Đồng thời có quy định mạnh mẽ, cụ thể hơn để hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho DNNVV, thậm chí quy định bắt buộc mỗi tỉnh phải dành ra diện tích nhất định để cho DNNVV thuê làm mặt bằng. Có đại biểu đề nghị luật hóa hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN vào Luật Hỗ trợ DNNVV theo tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP và Chỉ thị 20/CT-TTg, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ về việc tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động của DN.