Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh sẽ có những quy định gỡ bỏ nhiều vướng mắc đối với doanh nghiệp. Ảnh: Long An |
Gia tăng rủi ro
Phản ánh của nhiều DN, nhà đầu tư thời gian qua cho thấy, quá trình thực thi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh đã đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các luật này. Theo đó, các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường… mặc dù đã có nhiều cải cách, song chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các luật, dẫn đến chồng chéo về mục tiêu, nội dung quản lý, cơ quan thẩm định, phê duyệt, Trong số đó, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng là chuỗi thủ tục được cho là khó khăn nhất đối với DN. Đây cũng là một trong những nút thắt cần phải tháo gỡ nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Đề cập về vướng mắc này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, có những dự án đầu tư liên quan đến sử dụng vốn ngân sách, xây dựng nhà máy, môi trường, nhà đầu tư nước ngoài bị điều chỉnh bởi rất nhiều luật khác nhau như: Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng; Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu… Một số thủ tục có sự trùng lặp, hoặc về bản chất là giống nhau nhưng nhà đầu tư phải thực hiện nhiều lần, lặp đi lặp lại, gây tốn kém, kéo dài thủ tục đầu tư, thậm chí không biết thủ tục nào trước, thủ tục nào sau…
“Đơn cử, ở một dự án đầu tư liên quan đến nhà ở, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục về quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, lại vừa phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở. Vô hình trung nhà đầu tư phải thực hiện hai thủ tục mà về bản chất là giống nhau” - ông Hiếu nêu ví dụ.
Ông Hiếu cho rằng: “Nếu tính đơn giản mỗi lần thủ tục như trên mất thời gian là một tháng sẽ kéo dài thời gian hoàn thành dự án, gia tăng rủi ro cho DN”. Cũng theo ông Hiếu, các thủ tục khác nhau quy định ở các luật khác nhau dẫn đến trình tự thủ tục không tương thích. Ví dụ như thủ tục đánh giá tác động môi trường, Luật Bảo vệ môi trường quy định dự án đầu tư phải có đánh giá tác động môi trường khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, song Luật Đầu tư lại không đề cập phải có tại thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư. Do đó, DN không biết thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau.
Tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp
Hơn nữa, theo vị chuyên gia này, hiện nay, chủ trương đầu tư dường như chỉ có mục tiêu duy nhất là đưa ra các điều kiện ràng buộc để lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất trong trường hợp dự án đầu tư đó sử dụng nguồn lực nhà nước: tiền, đất đai, khoáng sản, năng lượng… “Nếu giảm được thủ tục cho DN, chúng ta phải kiên quyết bỏ”, một chuyên gia kiến nghị.
Từng nhiều lần kêu thủ tục hành DN, khi trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành (TP.HCM) vẫn than thở, hiện thủ tục đầu tư xây dựng còn nhiêu khê, thời gian kéo dài làm tiêu hao tài sản và công sức của DN, dẫn đến dự án chậm được khởi công, chậm cung ứng cho thị trường mà chất lượng chưa chắc được bảo đảm.
Trước những khó khăn vướng mắc của DN trong việc thực hiện thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng… ông Phan Đức Hiếu chia sẻ: “Tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh chuẩn bị được Chính phủ trình Quốc hội sẽ có những quy định gỡ vướng cho vấn đề này. Luật được ban hành sẽ tiếp tục tạo đà cho DN Việt Nam vươn lên trong giai đoạn mới”.