Tỷ lệ lập quy hoạch chi tiết đô thị đến năm 2015 mới đạt 33%. Ảnh: Dũng Minh |
Quy hoạch chi tiết có tốc độ “rùa bò”
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành xây dựng năm 2016 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ đã tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 44 đồ án quy hoạch, gồm 4 quy hoạch xây dựng vùng, 15 quy hoạch chung khu kinh tế, 17 quy hoạch chung đô thị, 8 quy hoạch chung khu chức năng đặc thù. Đến nay, cả nước có 15 vùng liên tỉnh, 15 khu kinh tế ven biển, 13 khu kinh tế cửa khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 60/63 địa phương đã tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh.
Về tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đã đạt 100%. Tuy nhiên, quy hoạch chi tiết chỉ đạt khoảng 33%, tăng 3% so với năm 2014, tăng 13% so với năm 2010. Trong khi đó, quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 98,2%, tăng 3,3% so với năm 2014; tăng 71,8% so với năm 2010.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, công tác lập và quản lý đô thị là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo số liệu công bố của Bộ Xây dựng, tốc độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tăng trung bình là 2,5%/năm. Với khoảng 65% quy hoạch chi tiết chưa thực hiện, nếu cứ tiếp tục với tốc độ này, phải mất ít nhất 26 năm nữa để hoàn thành. Như vậy, sẽ để lại nhiều hệ lụy và khắc phục chắc chắn rất tốn kém, không thể thống kê nổi.
Ông Hùng dẫn chứng, khi thiếu đi quy hoạch chi tiết, chắc chắn công tác quản lý và giám sát các dự án của các cơ quan quản lý sẽ gặp khó khăn. Lúc đó, tình trạng lập dự án không phù hợp, khảo sát vốn không đúng cách, phát sinh lợi ích nhóm… chắc chắn sẽ xảy ra và các công trình dang dở, đội vốn, nằm đắp chiếu xuất hiện sẽ càng nhiều.
Điển hình nhất là trường hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ký duyệt ngày 26/7/2011. Đến nay đã gần 5 năm, nhưng nhiều quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa được phê duyệt. Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng nội đô chưa được ban hành. Điều này khiến doanh nghiệp, người dân mất nhiều thời gian thỏa thuận, phải chạy đủ mọi cửa xin cơ quan chức năng cho phép, đặc biệt khó khăn đối với công trình cao tầng.
Từ cơ chế này dễ nảy sinh tiêu cực và để lại nhiều hậu quả khó khắc phục, như câu chuyện tại Dự án 8B Lê Trực thời gian vừa qua, hay một số dự án cơi nới thêm tầng, xây sai giấy phép như Chung cư 93 Lò Đúc, Khu tổ hợp chung cư Đại Thanh, SkyCity 88 Láng Hạ… là ví dụ điển hình.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh kể: “Khi còn là lãnh đạo Hà Nội, tôi đã từng nói chuyện với nhiều cán bộ ở phường, đa số nắm địa bàn rất chắc. Thậm chí, con cái nhà ai thường xuyên đi chơi đêm về muộn họ cũng nắm được. Chuyện tòa nhà cao tầng mọc lên sai phép mà cán bộ phường không biết là rất lạ. Những chuyện như vậy cần phải xử lý nghiêm, bộ máy của ta đủ cả cơ mà”.
Còn nhiều hạn chế
Trên thực tế, câu chuyện về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch đã được quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP. Trong đó, nhấn mạnh về việc thành lập các ban quản lý khu vực phát triển đô thị trực thuộc tỉnh, có trách nhiệm điều phối, quản lý, giám sát về quy hoạch đô thị trong của cả một vùng.
Trên cơ sở rà soát lại quy hoạch, Ban quản lý sẽ phân loại dự án đã đề xuất, xem xét quyết định cho dừng, tạm dừng hoặc được phép triển khai dựa trên các nguyên tắc cơ bản phù hợp phân khu, đảm bảo yêu cầu về mặt bằng hạ tầng cơ sở giao thông theo luật pháp quy định và chủ đầu tư có năng lực đảm bảo hoàn thành các dự án đúng tiến độ chất lượng.
Tuy nhiên, thực tế, sau gần 3 năm Nghị định 11/2013 có hiệu lực, phát triển quy hoạch đô thị vẫn chưa thể hiện được diện mạo mới.
Luật sư Trần Anh Hùng, luật sư điều hành Văn phòng Hà Nội Công ty Luật Bross & Partners cho biết, câu chuyện nằm ở việc Ban quản lý phát triển đô thị có quyền hạn ở mức như thế nào?
Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, đã có 33 tỉnh tiến hành lập chương trình phát triển đô thị, 12 tỉnh lập khu vực phát triển đô thị, 10 tỉnh đang triển khai thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị. Như vậy, có thể thấy, các địa phương vẫn chưa chú trọng nhiều tới vai trò của Ban quản lý phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, các nội dung trong Nghị định 11/2013 về cơ bản đã được thể hiện trong nhiều văn bản pháp quy như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành... Thế nhưng, quá trình thực hiện các quy định này vẫn còn bộc lộ rất nhiều hạn chế, nhiều khi không hiệu quả, việc vi phạm quy hoạch, chậm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị dù quyết tâm rất nhiều vẫn diễn ra.
Chưa kể, điểm d Khoản 3 Điều 25 Thông tư liên tịch số 20/TTLT - BXD - BNV ngày 21/11/2013 của Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ, hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 11/2013/NĐ - CP quy định: “Các dự án có chức năng không phù hợp quy hoạch đô thị được duyệt thì sẽ bị dừng thực hiện”.
Tuy nhiên, đối với các dự án đã được cấp phép đầu tư, nhà đầu tư cũng đã thực hiện dự án, xây dựng xong kết cấu hạ tầng, hoặc thực hiện xây dựng xong một phần dự án, thì việc dừng thực hiện dự án là không hợp lý, sẽ gây ra thiệt hại cho các chủ đầu tư, cũng như sự lãng phí rất lớn cho xã hội. Như vậy, sẽ dễ gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phía các chủ đầu tư.
Do đó, với các quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ - CP thì chỉ có thể hạn chế ở mức độ nhất định, khó có thể ngăn chặn hiệu quả hiện tượng vi phạm quy hoạch, hoặc chậm chễ trong xây dựng hạ tầng đô thị đối với các dự án phát triển đô thị.
Với những vướng mắc như vậy, câu chuyện về quản lý quy hoạch đô thị hẳn sẽ còn phải bàn tới rất nhiều và “giải quyết cơ chế xin cho” vẫn là một bài toán khó có lời giải đáp thỏa đáng.