Giải pháp nào để kinh tế phục hồi và tăng tốc?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều chuyên gia, cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ còn tác động đến kinh tế Việt Nam không chỉ năm 2021 mà có thể cả giai đoạn 2021 - 2025. Trong một bối cảnh rủi ro và bất định, khả năng tăng trưởng cao trong giai đoạn này trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi những chính sách và cơ chế thực thi mạnh mẽ hơn.
Đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phục hồi, tăng trưởng kinh tế năm 2021. Ảnh: Lê Tiên
Đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong phục hồi, tăng trưởng kinh tế năm 2021. Ảnh: Lê Tiên

Hai kịch bản tăng trưởng năm 2021

Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Theo NCIF, trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 nhiều khả năng sẽ đạt mức cao trở lại, với 2 kịch bản. Ở kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng có thể đạt khoảng 6,17%, CPI trung bình khoảng 3,8%, diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới hồi phục, đại dịch Covid-19 dần được khống chế. Ở kịch bản khả quan, tăng trưởng GDP đạt 6,72%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 4,2%, diễn ra trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến.

Giai đoạn 2021 - 2025, NCIF dự báo với kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,3%, với giả định các nguy cơ về dịch Covid-19 vẫn thường trực, những giải pháp trợ giúp nền kinh tế của Chính phủ mang lại hiệu quả ở mức vừa phải trong khi bối cảnh quốc tế vẫn trong tình trạng rủi ro, bất ổn kéo dài. Với kịch bản khả quan, tăng trưởng GDP giai đoạn này đạt gần 6,8%/năm.

Về những động lực chính cho tăng trưởng, TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc NCIF cho rằng, thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 và việc giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế. Ở thời điểm khó khăn, kinh tế Việt Nam đã cho thấy sức bật và vị thế tương đối tốt để thoát khỏi “bẫy kinh tế” của khủng hoảng Covid-19. Năm 2021, với nền tảng đã có kết hợp với việc tiếp tục cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị; tiếp tục thực thi các hiệp định thương mai tự do (FTA) thế hệ mới; chuyển đổi số, kinh tế Việt Nam có cơ hội tăng trưởng nhanh trở lại. Bên cạnh đó, sự phục hồi tăng trưởng của các thị trường, đối tác lớn có thể hỗ trợ gia tăng xuất khẩu của Việt Nam 2021. Việt Nam đã cho thấy “sức hấp dẫn” đáng kể đối với nhà đầu tư quốc tế với khả năng chống chịu của nền kinh tế trong đại dịch, triển vọng phục hồi sau đại dịch và các cơ hội từ các FTA. Trong nội tại nền kinh tế, tiêu dùng nội địa và đầu tư công vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi, tăng trưởng kinh tế năm 2021. Khu vực công nghiệp, dịch vụ có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn nhờ sự phục hồi của thị trường tiêu thụ và các nguồn cung ứng…

Cần phản ứng chính sách nhanh

Theo ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Covid-19 có thể coi là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử. Đây là cuộc khủng hoảng khó dự báo, bất định, bất cứ chính sách kinh tế nào đưa ra đều phụ thuộc diễn biến y tế. “Hiện nay phải gọi là trạng thái bất bình thường mới, chứ chưa có bình thường. Vì thực tế nền kinh tế thế giới, khu vực liên tục trải qua trạng thái bất bình thường, vừa qua đại khủng hoảng 2008, chưa kịp phục hồi, ngân hàng trung ương các quốc gia vừa mới bắt đầu kéo chính sách tiền tệ trở lại trạng thái bình thường thì lại đến khủng hoảng Covid-19. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng là bất bình thường…”, ông Nguyễn Minh Cường nói và nhận định sẽ phải sống trong tình trạng “bất bình thường mới” này không những năm 2021 mà cả giai đoạn 2021 - 2025.

Từ nhận định này, ông Nguyễn Minh Cường nhấn mạnh, cần có những chính sách không theo tiền lệ. Trong đó, chuyên gia này đặc biệt nhấn mạnh đến việc thị trường đất đai, thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ cần hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường. Thứ hai, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, vì chỉ có khu vực tư nhân hoàn toàn năng động và phát triển mới hỗ trợ kinh tế Việt Nam vượt qua thách thức, có đủ nguồn lực ứng phó với những vấn đề lớn của nền kinh tế. Khi kinh tế tư nhân phát triển tự khắc sẽ giải quyết được các thách thức khác.

Trong nhiều giải pháp chính sách, ông Đặng Đức Anh cũng nhấn mạnh đến cơ chế phản ứng trước các cú sốc. Năm 2020, do thiếu cơ chế phản ứng tự động triển khai ngay khi có cú sốc, vẫn theo quy trình cũ nên dẫn đến hạn chế về hiệu quả. Trong tương lai có thể có các cú sốc tương tự đòi hỏi phản ứng nhanh, mạnh mẽ hơn. Vì thế, cần nghiên cứu xây dựng các quy trình phản ứng chính sách, ứng phó một cách tự động cho các trường hợp khẩn cấp, với các ngưỡng định tính và định lượng để có thể kích hoạt triển khai ngay khi có khủng hoảng, đại dịch hay các thảm họa khác.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhiều chính sách hay chủ trương tốt chưa được thực hiện quyết liệt đến nơi đến chốn. Vì thế trong kế hoạch, chiến lược giai đoạn tới phải có công cụ để thực hiện cho bằng được những chính sách đề ra. Thứ hai là phải tập trung vào phát triển vùng. “Tôi đến Đồng bằng sông Cửu Long thấy chưa bao giờ không khí của các tỉnh họ hiểu về liên kết vùng như bây giờ. Họ hiểu nếu không liên kết thì không thể giải quyết được những thách thức của vùng, phát huy lợi thế”, bà Phạm Chi Lan chia sẻ. Và thứ ba, là bên cạnh “dọn tổ cho đại bàng”, cần phải chú trọng cả lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô vừa là đội ngũ rất quan trọng nếu muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Chuyên đề