Kinh tế 2021: Những tín hiệu lạc quan

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh tế Việt Nam được đánh giá là đạt bước tiến vững chắc trong trạng thái “bình thường mới”. Nhiều dự báo cho rằng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay nhờ sức bền của kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại. Kết quả này được coi là nền tảng quan trọng giúp kinh tế Việt Nam hồi phục và tạo đà tăng trưởng cao sau dịch Covid-19.
Nhiều dự báo cho rằng GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong năm 2020. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều dự báo cho rằng GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong năm 2020. Ảnh: Lê Tiên

Tiến bước vững chắc

Tại Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng gần 3% năm 2020, trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%.

Theo WB, Việt Nam có kết quả như trên là nhờ khả năng chống chịu của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại. Không những kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết liệt và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi.

WB cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư hoặc đang dịch chuyển các hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh đã bù đắp cho hụt thu về ngoại tệ do hoạt động du lịch suy giảm và nguồn kiều hối bị thu hẹp.

Tương đồng quan điểm này, Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 của Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2020 đã đạt bước tiến vững chắc trong trạng thái “bình thường mới”, thể hiện rõ nét qua các chỉ báo vĩ mô của nền kinh tế như tăng trưởng GDP, xuất nhập khẩu, lạm phát… Nhóm nghiên cứu của công ty này kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng 2,8% năm 2020.

Nếu được quản lý tốt, Việt Nam sẽ vượt lên mạnh mẽ

Về triển vọng năm 2021, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi sau dịch Covid-19. Quốc gia này đang có cơ hội để chọn con đường phát triển xanh hơn, thông minh hơn và bao trùm hơn, nhờ đó trở nên vững vàng hơn trước những cú sốc trong tương lai do cả đại dịch và thảm họa thiên nhiên”.

WB cho rằng, đầu năm 2021, Việt Nam sẽ có chiến lược mới cho giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo từ năm 2021 - 2030 với trọng tâm dự kiến là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước hội nhập với thị trường khu vực và toàn cầu, đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ số, đồng thời cải thiện quản lý tài nguyên của quốc gia. Theo WB, nếu được quản lý tốt, Việt Nam sẽ vượt lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho rằng, kinh tế Việt Nam tự tin tiến bước và có thể đạt mức tăng trưởng 7,1% năm 2021. Trong đó, hai điểm đáng chú ý là: kỳ vọng tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tăng mạnh trong năm 2021 do Chính phủ tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh áp lực lạm phát thấp; vốn đầu tư của khu vực ngoài quốc doanh và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi trong năm 2021 nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi hơn sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

Dự thảo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 cũng nêu rõ phương châm hành động và trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Trong đó, một số nội dung đáng chú ý là tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ, giá cả, thị trường và các chính sách vĩ mô khác để vừa kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và các ngành, lĩnh vực, vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục phát triển nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát huy vai trò động lực tăng trưởng của các ngành chế biến, chế tạo; tháo gỡ khó khăn, khôi phục các hoạt động dịch vụ… để phục hồi và tạo đà tăng trưởng kinh tế cao.

Chuyên đề