Tìm kiếm, phát huy những động lực tăng trưởng mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến thời điểm này, hầu hết các dự báo đều cho rằng năm 2021, nền kinh tế Việt Nam sẽ có khả năng phục hồi khá mạnh. Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm cao đạt mức tăng trưởng 6 - 6,5% để tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển mới. Vậy đâu sẽ là những động lực quan trọng để đạt được mục tiêu của năm 2021 và duy trì bền vững trong dài hạn?
Sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng trong nước, làn sóng đầu tư FDI, lực lượng lao động trẻ sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam vào năm 2021. Ảnh: Tường Lâm
Sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng trong nước, làn sóng đầu tư FDI, lực lượng lao động trẻ sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam vào năm 2021. Ảnh: Tường Lâm

Tại Nghị quyết số 195/NQ-CP, Chính phủ khẳng định phấn đấu điều hành tăng trưởng kinh tế đạt từ 6 - 6,5%; tạo nền tảng vững chắc để thực hiện các kế hoạch, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Trong đó, tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, không lơ là, chủ quan trước đại dịch Covid-19; tranh thủ thời cơ, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã.

Theo nhiều chuyên gia, để đạt được tăng trưởng trên dưới 6,5%, sẽ cần sự nỗ lực quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, đồng thời phát huy những động lực tăng trưởng mới. Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, bối cảnh thế giới năm 2021 và tiếp theo dự báo vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro và thách thức. Năm 2021, đòi hỏi có tâm thế sớm nắm bắt vận hội mới, tìm kiếm, phát huy các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy xuất khẩu các thị trường còn tiềm năng; tăng cường giải ngân đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân, tận dụng cơ hội thu hút có sàng lọc FDI, kích cầu tiêu dùng nội địa, phát triển kinh tế số, kinh doanh số và Chính phủ điện tử.

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) trong báo cáo vừa công bố khuyến nghị, năm 2021 cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro - đặc biệt gắn với Covid-19 - trong bối cảnh “bình thường mới”.

Nhiều chuyên gia thì kỳ vọng những ảnh hưởng tích cực từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể không được nhìn nhận một cách chính xác do tác động của Covid-19, nhưng sẽ có tác động tích cực vào năm sau và sẽ đóng vai trò quan trọng với kinh tế Việt Nam trong hơn 10 năm tới. Bên cạnh đó, sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng trong nước, làn sóng đầu tư FDI, lực lượng lao động trẻ sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam vào năm 2021.

Tại Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2021 cần hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý cho loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công; ban hành chính sách thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, như kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn… Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo để hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kết nối tài năng, thúc đẩy khởi nghiệp; đẩy nhanh và triển khai toàn diện Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa; nghiên cứu khẩn trương ban hành và tạo điều kiện thực hiện cơ chế thí điểm (sandbox) cho đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp…

Trong rất nhiều việc phải làm ngay trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến cơ hội từ việc phát triển trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lấy ví dụ đảo Cayman cách đây 40 năm là đảo quốc nghèo khó, nhưng với việc thành lập trung tâm tài chính, Cayman đã trở thành trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất thế giới, ước tính mỗi ngày dòng tiền chảy qua đó khoảng 2.000 tỷ USD. Ở đó không thu thuế mà thu phí, mỗi ngày thu hơn 300 triệu USD.

“Tại sao chúng ta không làm trong khi rất nhiều điều kiện thuận lợi?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi, và dẫn ra những thuận lợi từ vị trí địa lý cho đến dân số, quy mô nền kinh tế… Hiện nay, Việt Nam không trùng múi giờ với 21 trung tâm tài chính quốc tế, đó là cái khe, cơ hội rất hẹp để Việt Nam có thể chen vào. Nhiều trung tâm đã quá tải, hết dư địa, hết ưu đãi, hết hấp dẫn, nhà đầu tư cần tìm nơi trú ẩn mới.

Chuyên đề